Gửi gắm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trước thềm năm học mới

18/08/2023 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết về học phí cho năm học mới của tỉnh Lâm Đồng đã được cân nhắc với điều kiện thực tiễn, được Nhân dân và phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Ngày khai giảng năm học 2023 – 2024 đang gần kề, thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố mức học phí cho năm học mới.

Mức học phí mới của các tỉnh/thành căn cứ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo đó, căn cứ theo khung học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ quy định tại Nghị định 81, từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Nhưng tháng 7 vừa qua, thông báo số 300/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, có chỉ đạo không tăng học phí năm học 2023-2024.

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chính sách học phí trước thềm năm học mới, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, bước vào năm học mới, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 210/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.

Mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện như sau:

Khu vực thành thị, mức thu 300 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với các bậc học mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Khu vực nông thôn, mức thu 100 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với các bậc học mầm non và trung học cơ sở; mức thu 200 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với bậc học trung học phổ thông.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức thu 50 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với các bậc học mầm non và trung học cơ sở; mức thu 100 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với bậc học trung học phổ thông.

Mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của tỉnh Lâm Đồng.

Mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của tỉnh Lâm Đồng.

Mức học phí nêu trên bằng mức sàn (mức thấp nhất) theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tự bảo đảm chi thường xuyên: học phí bằng 1,5 lần mức học phí nêu trên.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Học phí bằng 2,0 lần mức học phí nêu trên.

“Nhìn chung sau khi Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về học phí cho năm học mới đã được cân nhắc với điều kiện thực tiễn tại địa phương, do đó được nhân dân và phụ huynh đồng tình ủng hộ cao”, Tiến sĩ Phạm S chia sẻ.

Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho học sinh khó khăn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Lâm Đồng là một trong những tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, con em đồng bào dân tộc thiểu số đông, nhiều khu vực đời sống nhân dân còn khó khăn, do đó việc có các chính sách hỗ trợ là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ trẻ em, học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh như: Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non 3-5 tuổi; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, hỗ trợ gạo; chính sách cho học sinh là người dân tộc thiểu số ít người; chính sách đối với học sinh nội trú; đặc biệt hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 toàn tỉnh đã hỗ trợ cho các em khoảng 1 tỷ đồng.

Chia sẻ về học phí trong những năm qua, Tiến sĩ Phạm S thông tin: “Năm học 2022-2023, mức học phí quy định của tỉnh bằng mức sàn (mức thấp nhất) theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, mức học phí học sinh phải đóng vẫn giữ bằng với mức học phí của năm học 2021-2022. Phần chênh lệch tăng thêm giữa mức học phí quy định và mức học phí học sinh phải đóng do ngân sách tỉnh cấp bù với tổng số kinh phí là 123,5 tỷ đồng.

Năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 210/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023. Theo đó, mức học phí quy định bằng mức sàn (mức thấp nhất) theo của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ”.

Trước thềm năm học mới, Tiến sĩ Phạm S gửi gắm tới thầy cô và các em học sinh: “Năm học 2023-2024 là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì vậy, tôi mong toàn thể lực lượng giáo viên cả nước nói chung, của tỉnh Lâm Đồng nói riêng ra sức cố gắng, năng động, sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới giáo dục, tận tâm cống hiến tất cả vì sự nghiệp trồng người.

Tôi cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, có kiến thức tốt để góp phần nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội; mỗi học sinh cần xác định mục tiêu học để trở thành người có ích cho chính mình, chính gia đình mình và xã hội.

Đồng thời, các bậc phụ huynh chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất trong năm học mới”.

Phạm Minh