Cử tri đề nghị rà soát công tác đào tạo, cấp bằng TS, phong GS, PGS

21/10/2024 15:37
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Cử tri đề nghị rà soát, kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp.

Cụ thể, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 48/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 15 báo cáo của các tổ chức thành viên; báo cáo của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiến.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ tiếc thương vô hạn trước sự việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đồng thời, bày tỏ đau xót trước sự tàn phá nặng nề của thiên tai, bão lũ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025, cho rằng Đảng và Nhà nước đã có một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt, tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cử tri và Nhân dân tin tưởng sâu sắc vào sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc…

Cử tri đề nghị rà soát, kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề cập đến một số lĩnh vực cụ thể.

Trong đó, về lĩnh vực văn hóa - xã hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách để đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhằm mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.

Đồng thời, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng; phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý biên chế và xây dựng vị trí việc làm; chỉ đạo kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế được cử tri và Nhân dân hoan nghênh.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ, ngành giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025; công tác tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng năm học 2024; quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên; việc nhanh chóng khắc phục hậu quả của các cơn bão trong thời gian gần đây để các học sinh sớm trở lại trường học tập, vui chơi…

Cử tri và Nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng rất áp lực về việc tuyển sinh đầu các cấp học tại một số thành phố lớn do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập.

Năm học 2024-2025 là năm chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông nên cơ sở vật chất theo chương trình mới còn thiếu. Là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về việc tổ chức thi, lựa chọn môn thi, nội dung thi không nằm trong sách giáo khoa. Việc xét tuyển sớm vào các trường đại học chưa phù hợp, còn bất cập; công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn hạn chế.

Hiện tượng học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại nhiều giờ trong ngày, ngay cả trong giờ học; sử dụng thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần và kết quả học tập.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương liên quan rà soát, kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất.

Cử tri và Nhân dân lo lắng về tình trạng sử dụng bằng cấp "giả" để học thạc sĩ, tiến sĩ cho thấy công tác kiểm tra, giám sát các trường đại học chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa phụ huynh - giáo viên - nhà trường trong giáo dục ngày càng lòng lẻo và có khoảng cách, đạo đức học đường bị xuống cấp với nhiều thói hư, tật xấu, đặc biệt là sự ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với thế hệ trẻ dẫn đến bạo lực học đường, nói tục, chửi bậy; một bộ phận không nhỏ học sinh lười học tập, lười tu dưỡng đạo đức, định hướng nghề nghiệp không rõ ràng…

Để giải quyết những vấn đề này, cần có chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội và chính sách giáo dục phù hợp, hữu hiệu hơn trong tình hình mới nếu không sự nghiệp trồng người của đất nước ta không đạt được mục tiêu đề ra.

Việc này không chỉ riêng của ngành giáo dục, của gia đình, mà cả xã hội phải đồng tâm hợp lực mới giải quyết được.

Cử tri và Nhân dân còn nhiều trăn trở về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên kéo dài rất nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, cho dù năm học 2024-2025 đã bắt đầu nhưng các địa phương vẫn phản ánh còn thiếu hàng vạn giáo viên ở các bậc học phổ thông.

Cử tri và Nhân dân phản ánh, rất băn khoăn lo lắng về tình trạng bạo hành, xâm hại xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, nhất là đối với học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ em gái tại các cơ sở trông giữ trẻ mẫu giáo, mầm non tư thục, cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em, mà điển hình là vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh); mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm nhưng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ việc đau lòng, khiến nhiều gia đình và các bậc cha mẹ không yên tâm công tác, sản xuất.

Bên cạnh đó, Cử tri và Nhân dân đồng thuận, thống nhất cao với Đảng và Nhà nước đã quan tâm hơn trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tuy nhiên còn băn khoăn vì chương trình tổng thể phát triển văn hóa triển Việt Nam giai đoạn 2023-2025 triển khai chưa được nhiều, hoạt động của các nhà văn hóa, nhất là ở cấp xã, thôn, bản chưa đem lại hiệu quả thiết thực; còn rất băn khoăn về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các cuộc thi sắc đẹp vì hiện nay có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp diễn ra, và các cuộc thi đều có dư luận về danh hiệu được trao dường như chưa xứng đáng.

toàn.jpg
Toàn cảnh phiên họp ngày 21/10. Ảnh: quochoi.vn.

Công khai số tiền, tài sản thu được từ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng ta khẳng định qua các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ; thông tin xử lý cán bộ có vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước từ các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt là kết quả xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ có cán bộ, đảng viên thường mà cả cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở mọi lĩnh vực; các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, một số vụ án tham nhũng lớn là doanh nghiệp ngoài khu vực công với số tiền lớn chưa từng có trong lịch sử.

Cử tri và Nhân dân đề nghị rà soát các quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán bởi vì hàng năm các cơ quan này đều thực hiện thanh tra, kiểm toán ở nhiều cơ quan, tổ chức tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và cả trung ương để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tiền, tài sản và đặc biệt là lòng tin của Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân mong muốn tổng hợp đầy đủ và công khai để Nhân dân giám sát số tiền và tài sản thu được từ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến tháng 9/2024); đồng thời tổ chức đánh giá khách quan nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm luật với vụ án tham nhũng với số tiền rất lớn chưa từng có trong lịch sử nước ta, do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, chế tài chưa đủ sức răn đe, do tổ chức thực hiện hay do đạo đức liêm chính của cán bộ, đảng viên là chính, từ đó có giải pháp căn cơ, để phòng chống hữu hiệu hơn.

Bên cạnh đó, cử tri là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vui mừng, phấn khởi khi được tăng lương, giá cả cơ bản ổn định, đời sống được cải thiện. Cử tri và Nhân dân ghi nhận người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của Nhân dân. Tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm, không để xảy ra vụ việc lớn, phức tạp về an ninh, trật tự.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý một số bất cập trong việc tăng lương đối với một số ngành nghề; tiếp tục điều chỉnh tăng lương hưu tương xứng với tăng lương cho cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm đối với người có trách nhiệm không tổ chức tiếp công dân hoặc tiếp mang tính chất chiếu lệ, chưa chân thành lắng nghe, thật lòng giải quyết kiến nghị của người dân.

211020240955-z5951475835193_e7c6c1fabfd012ab042409e8e775533b.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 kiến nghị:

Một là, Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề. Đảng, Nhà nước đã quan tâm dành nguồn lực xây dựng lại cầu đường, đê kè, trường học…, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho Nhân dân. Sự chia sẻ, ủng hộ, chung tay góp sức của Nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã góp công, góp của để khắc phục hậu quả mưa bão gây ra; nhiều cách làm sáng tạo, nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, bước đầu ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nguy cơ mất mùa, thiếu đói, thiếu sinh kế là hiện hữu.

Đề nghị Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn lực gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để Nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Hai là, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, trân trọng đề nghị cấp có thẩm quyền nhất là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huy động sức mạnh của toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Ba là, cử tri và Nhân dân rất quan tâm đến Đại hội Đảng bộ các cấp và đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở xác định cụ thể những nội dung cần xin ý kiến góp ý của Nhân dân, sớm gửi văn bản (ít nhất 30 ngày) để tổ chức xin ý kiến rộng rãi, thực chất, chất lượng.

Bốn là, cần quan tâm thêm công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc. Trân trọng đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn cụ thể để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2025.

Năm là, cử tri và Nhân dân đánh giá cao và rất ủng hộ việc huy động xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Đảng, phát động của Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, mong muốn Đảng, Nhà nước tính toán ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình này; các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư cần tập trung cao độ, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn thì mới hoàn thành được trong năm 2025.

Mộc Hương