Mục tiêu 40% học sinh Hà Nội vào THPT tư thục: Chuyên gia đề xuất giải pháp

22/10/2024 06:38
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để thúc đẩy học sinh theo học trường tư, nên cho phép các trường có nhiều mức học phí khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Ngày 23/9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu là số trường ngoài công lập chiếm 21% tổng số trường học và 14 - 16% số học sinh vào năm 2025.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra như sau, với bậc mầm non, số cơ sở giáo dục ngoài công lập phấn đấu đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, số trường học tư phấn đấu đạt 13%, với số học sinh tiểu học đạt 8%, học sinh trung học cơ sở đạt 7% và học sinh trung học phổ thông đạt 40%. Riêng khu vực điều kiện khó khăn, tỷ lệ học sinh cấp trung học phổ thông học trường tư phấn đấu đạt 30%.

Theo mục tiêu này, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục, tăng khoảng 15% so với hiện tại [1].

Nỗi lo học phí sẽ cản trở học sinh vào trường ngoài công lập

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ: “Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội nên làm rõ mục tiêu 40% học sinh sau lớp 9 vào trường ngoài công lập dựa vào cơ sở nào và Thành phố sẽ có những giải pháp đi kèm là gì”.

gdvn-ts-vinh-4319.jpg
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: P.M.

Theo thầy Hoàng Ngọc Vinh, rất khó để xác định sẽ có bao nhiêu phần trăm học sinh theo học cơ sở trung học phổ thông tư thục, vì điều này phụ thuộc vào khả năng huy động xã hội, quy mô của trường công lập, tỷ lệ phân luồng vào trường nghề, vào trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, khả năng chi trả học phí của người học vào trường tư cũng phải xem xét, khi trường ngoài công lập có học phí cao hơn công lập rất nhiều”.

Thầy Vinh phân tích thêm, kể cả khi có nhiều trường ngoài công lập cùng tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục, học phí có thể giảm đôi chút, nhưng rất khó để trường tư có học phí ngang bằng trường công. Vì trường ngoài công lập không được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất, giáo viên nên doanh nghiệp tư nhân phải đầu tư. Họ muốn tồn tại, phải dựa vào nguồn thu học phí.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục đánh giá: “Mục tiêu đưa 40% học sinh lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục đến năm 2025 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội là một định hướng táo bạo và đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay”.

Theo thầy Việt Anh, việc đặt ra mục tiêu này hoàn toàn hợp lý khi xét đến tình hình hiện tại và xu hướng phát triển của giáo dục. Sự gia tăng số lượng học sinh mỗi năm đặt áp lực lớn lên hệ thống trường công lập, trong khi nhu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao.

Việc phân bổ một tỷ lệ lớn học sinh vào trường tư thục sẽ góp phần giảm tải cho các trường công và tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho phụ huynh và học sinh.

326354132_5824432430935739_9082632860958836872_n.jpg
Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng cho rằng: “Năm học 2024 - 2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp trung học phổ thông có khoảng 100 trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10.

Thống kê cũng cho thấy, cuối năm học trước, riêng ở bậc học trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh trường tư đạt hơn 25%. Như vậy, để đạt được mục tiêu 40% học sinh lớp 9 vào trường tư thục, nếu tính trên số trường cơ học thì sẽ cần tăng thêm khoảng 60 trường tư thục cấp trung học phổ thông trong năm tới.

Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng, tuy nhiên khi đưa ra mục tiêu này, chắc hẳn các cấp lãnh đạo đã có những tính toán kỹ càng” - vị chuyên gia giáo dục bày tỏ.

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng lại có nhiều nỗi băn khoăn: “Việc tăng cường sự đa dạng trong hệ thống giáo dục và khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc học tại trường ngoài công lập thường đi kèm với chi phí cao.

Điều này sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với những học sinh đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao.

Mặc dù có nhiều trường tư thục chất lượng cao, nhưng cũng không ít trường chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo. Việc tăng tỷ lệ học sinh vào trường tư thục một cách quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng “lộn xộn” trong chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh để thu hút học sinh có thể khiến các trường tư thục chạy theo lợi nhuận, giảm chất lượng giảng dạy, hoặc thậm chí chạy đua bằng các hình thức quảng cáo không trung thực. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục nói chung” - nữ đại biểu chia sẻ.

z5870181090648_747a7595d4ca005f755d6a8168a5e899.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Cần nhiều giải pháp thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng cho rằng, việc huy động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải trường công và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Việc tăng tỷ lệ học sinh vào trường trung học phổ thông tư thục là một mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống giáo dục.

Bằng việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục công, hỗ trợ phát triển trường tư thục và giải quyết vấn đề học phí, chúng ta có thể tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Về pháp lý, cần cập nhật các quy định về thành lập và hoạt động của trường tư thục, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư phát triển; đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường tư thục; thường xuyên giám sát chất lượng giáo dục để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm” - Đại biểu Tú Anh phân tích thêm.

truong-dtd-4979.jpg
Các trường tư thục đang góp phần không nhỏ để giảm tải cho hệ thống công lập. Ảnh: Website Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm.

Nữ đại biểu cũng đề xuất tăng cường các hình thức hợp tác công - tư, như Nhà nước và tư nhân cùng nhau đầu tư xây dựng các trường học; các trường công hợp tác với các tổ chức, cá nhân để cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao như ngoại ngữ, tin học, thể thao…; tạo điều kiện để các trường học, tổ chức giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân; khuyến khích các trường hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học vào giảng dạy.

“Để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề học phí cao của trường tư thục so với trường công lập là một thách thức lớn cần được giải quyết.

Có thể cho phép các trường tư thục có nhiều mức học phí khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình. Bên cạnh đó, cần cung cấp các loại hình học bổng, vay vốn ưu đãi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: “Thành phố Hà Nội nên cho phép một số trường đại học, cao đẳng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực quản lý cơ sở giáo dục phổ thông mở lớp, mở trường phổ thông như một cách huy động nguồn lực cho giáo dục trung học.

Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng học phí cho một bộ phận học sinh theo học trường tư, Thành phố có thể áp dụng chính sách hỗ trợ học phí”.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng chỉ ra, cần phải có các giải pháp đồng bộ: “Cần mở rộng quy mô các trường ngoài công lập, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Đồng thời, cần tuyển dụng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.

Việc đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học sinh (từ những em có năng khiếu đặc biệt đến những em cần được hỗ trợ đặc biệt) cũng rất quan trọng.

Nên xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng giáo dục chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, đối với vấn đề học phí, cần có những chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.

Cần có cơ chế điều chỉnh học phí hợp lý, đảm bảo vừa đủ để duy trì hoạt động của trường, vừa không gây quá nhiều áp lực lên phụ huynh học sinh và thành lập các quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh có thành tích tốt, học sinh nghèo vượt khó”.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh, để huy động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh trường công lập đang bị quá tải, cần có những đề xuất và kiến nghị đa chiều, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

“Đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục, Nhà nước có thể xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản hoặc các loại thuế khác để khuyến khích đầu tư; cấp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư vào xây dựng trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, quản lý và vận hành các trường học, trung tâm giáo dục.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội, khuyến khích toàn dân cùng tham gia vào công cuộc xây dựng nền giáo dục quốc dân” - thầy Việt Anh nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daidoanket.vn/khoang-40-hoc-sinh-ha-noi-se-hoc-thpt-tu-thuc-ap-luc-truong-cong-co-giam-10291046.html

Trần Trang