Phí giữ chỗ thể hiện trách nhiệm giữa trường tư và phụ huynh: Không nên cấm

26/03/2024 10:18
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo các trường, phí giữ chỗ thể hiện trách nhiệm giữa nhà trường và phụ huynh. Vì thế, không nên cấm hoàn toàn mà cần có quy định mức thu phù hợp.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Công văn số 809/SGDĐT-QLT về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh: "Các cơ sở giáo dục không thực hiện thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội".

Tuy nhiên, vấn đề này cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi phí giữ chỗ được các cơ sở giáo dục (đặc biệt là trường tư thục) đưa ra để tránh tỷ lệ ảo, sẽ được khấu trừ vào các khoản đóng góp đầu năm. Đây cũng là khoản chi phí để phụ huynh cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn cho con theo học trường nào. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của các bên liên quan. Nhà trường có trách nhiệm giữ chỗ cho học sinh. Phụ huynh không ồ ạt nộp hồ sơ ở nhiều cơ sở giáo dục khác.

Có nên cấm việc thu phí giữ chỗ hay không?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Ủy viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cho hay: “Theo tôi, phí giữ chỗ trước hết là thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Chính vì thế nếu cấm hoàn toàn thì cũng không đúng. Nếu việc đó áp dụng cho các trường công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý thì hợp lý nhưng với các trường tư thục thì không nên.

Phí giữ chỗ thực ra chỉ là thứ để gắn trách nhiệm với nhau. Ở đây là trách nhiệm của cả nhà trường với học sinh và trách nhiệm của phụ huynh khi xác định đăng ký cho con theo học. Nếu phụ huynh đề nghị cho con học ở trường thì đây cũng chỉ là khoản phí thủ tục để học sinh đăng ký ghi danh vào trường mà thôi, không phải con số quá lớn.

Nếu không có khoản phí này, không bên nào có trách nhiệm với bên nào, trường học sẽ biến thành cái chợ. Như vậy thì tỷ lệ thí sinh ảo rất nhiều, nhà trường không xác định được có bao nhiêu học sinh để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng”.

thay-thong.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Ủy viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Thống, nếu không có khoản phí giữ chỗ này thử tưởng tượng nếu một phụ huynh nộp hồ sơ vào trường được một thời gian lại rút ra đi nộp trường khác, rồi cuối cùng họ có muốn cho con học ở trường hay không nhà trường cũng không biết. Vì không có bất cứ thứ gì ràng buộc thì phụ huynh cũng không có trách nhiệm trong việc ghi danh. Từ đó công tác tuyển sinh của các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vinschool Thăng Long (Khu đô thị Nam An Khánh Sudico, Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ: Đa số các trường tư thục, tự chủ tài chính cần có cam kết từ phía phụ huynh. Bởi nếu không có sự cam kết này, phụ huynh cứ đăng ký vào và không có sự ràng buộc nào sau đó lại chuyển sang trường khác học thì các trường sẽ không thể nào ổn định hoạt động được.

“Từ trước đến nay, tất cả các trường quốc tế trên thế giới đều có phần phí giữ chỗ này. Ngay cả con tôi đi học cách đây 10 năm cũng đã có khoản phí giữ chỗ. Thực tế, phí giữ chỗ này được thu trước sau đó sẽ được trừ vào tiền học của các con trong năm học. Về logic tư duy thông thường nếu phụ huynh đã đóng tiền giữ chỗ nhưng lại quyết định lựa chọn trường khác đồng nghĩa với việc họ chấp nhận mất khoản tiền đó. Vì nếu đóng tiền giữ chỗ rồi, phụ huynh cho con đi học trường khác vẫn được hoàn trả lại thì "giữ chỗ" sẽ không có tác dụng.

Việc không trả phí giữ chỗ chính là rào cản để phụ huynh quyết định một cách nghiêm túc khi cân nhắc lựa chọn trường học cho con. Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn của phụ huynh “tôi không học mà tôi phải mất tiền giữ chỗ” thì có vẻ cảm thấy bị thiệt thòi. Nhưng về mặt logic giống như tất cả các bản hợp đồng đều có thỏa thuận, khi phụ huynh đồng ý thì mới nộp chứ không có chuyện phụ huynh không đồng ý mà nhà trường ép buộc”, cô Huyền nhận định.

Cũng theo cô Huyền, tại các cơ sở của Vinschool tất cả thông tin về học phí, các khoản đóng góp đều được cập nhật rõ ràng trên website. Nhà trường cũng giải thích rất rõ với từng phụ huynh, chỉ khi phụ huynh đồng ý thì nhà trường mới thu các khoản phí.

“Đầu năm học, nhà trường sẽ làm rất kỹ lưỡng, tư vấn cho từng phụ huynh một về các khoản chi phí. Trong đó, cụ thể chi phí này đóng cho mục đích gì, thông tin cụ thể như thế nào. Sau khi có sự đồng thuận thì nhà trường mới triển khai. Do đó từ trước đến nay các khoản phí của nhà trường phụ huynh đều nắm được và ủng hộ, không có ý kiến trái chiều nào”, cô Huyền thông tin.

STU0300-646x420.jpg
Việc thu phí giữ chỗ thể hiện trách nhiệm giữa phụ huynh và nhà trường. (Ảnh minh họa: vinschool.edu.vn)

Nên có quy định riêng giữa trường công và trường tư?

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường công lập được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa các trường công cũng có dữ liệu đầu cấp theo khu vực nên việc tuyển sinh không gặp nhiều khó khăn. Ngược lại với các trường tư không được Nhà nước hỗ trợ, tự chủ tài chính hoàn toàn, hoạt động theo cơ chế thị trường nên việc tuyển sinh cũng khó khăn hơn. Nếu không có sự cam kết ràng buộc giữa nhà trường và phụ huynh thì sẽ rất dễ “vỡ kế hoạch tuyển sinh”. Nhất là khi không xác định được số lượng học sinh theo học, nhà trường sẽ không có cơ sở chuẩn bị các điều kiện vật chất, đội ngũ giáo viên cho phù hợp.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống cho rằng: “Thực tế hiện nay, ở các trường công lập học sinh phải chen chúc nhau mới có thể vào học. Thậm chí còn không có suất vào trường công. Do đó, các trường công hầu như không có quá nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Ngược lại với các trường tư phải có sách lược cụ thể, rõ ràng, nếu không tự cân đối được sẽ không có học sinh vào học.

Bên cạnh đó, các trường tư không được Nhà nước hỗ trợ, phải tự lo tất cả từ đất cát, xây dựng, hay có bất cứ vấn đề gì nhà trường cũng phải tự chịu trách nhiệm. Chính vì thế, các trường tư cũng nên có quyền riêng, không thể ép buộc như các trường công lập được”.

Tuy nhiên, theo thầy Thống với các trường tư cần có quy định một mức phí giữ chỗ vừa phải để phù hợp với điều kiện của đại đa số phụ huynh. Bởi thực tế đây cũng chỉ là thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Nếu phụ huynh xác định cho con vào học thì đóng một khoản phí để ghi danh, giữ chỗ sau này sẽ được khấu trừ vào các khoản đóng góp trong năm học.

“Hiện nay cũng có tình trạng nhiều học sinh không có suất vào trường công bắt buộc phải sang trường tư học. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, trường tư lại ép buộc phụ huynh phải nộp 10-20 triệu đồng tiền phí giữ chỗ. Đây là mức phí quá cao bởi học sinh và gia đình cũng có những khó khăn riêng. Theo tôi không nên cấm hoàn toàn việc thu phí giữ chỗ nhưng nên có quy định một mức phí hợp lý.

Có nhiều trường khoản phí này lên tới 20 triệu đồng thì nhiều quá. Làm như vậy là bắt ép phụ huynh đã đến ghi danh là phải theo. Bởi nếu không theo thì sẽ mất một khoản tiền quá lớn.

Quan điểm của tôi là nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấm thì các trường đương nhiên sẽ vẫn phải theo. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận giữa một cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh cũng giống như một doanh nghiệp với một khách hàng thì đó là quyền riêng của các trường. Nhưng phí giữ chỗ chỉ nên dao động ở mức một vài triệu đồng là phù hợp”.

truong-dtd.jpg
Khoản phí giữ chỗ sẽ giúp các trường tránh tỷ lệ hồ sơ ảo, đảm bảo chuẩn bị tốt cơ sở vật chất đầu năm học. (Ảnh: website Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm)

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Xuân Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Khi thu phí giữ chỗ, người đăng ký phải suy nghĩ rất kỹ càng xem có nên đăng ký cho con không. Từ đó, bộ phận tuyển sinh của các trường cũng đỡ vất vả trong việc lọc hồ sơ. Bởi khi phụ huynh đã suy nghĩ kỹ rồi thì mới đăng ký và nộp phí giữ chỗ. Còn trường hợp không thu phí giữ chỗ thì phụ huynh có thể cho con theo học hoặc không.

Một khi đã có phí giữ chỗ rồi một là họ đã suy nghĩ kỹ, hai là họ tiếc khoản tiền phí này nên sẽ theo học đúng dự kiến. Còn nếu không có phí giữ chỗ có thể lúc này người ta thích thì đăng ký ở trường, lúc khác có kế hoạch khác lại chọn trường khác. Như vậy thì bộ phận tuyển sinh sẽ rất vất vả. Đầu tiên là tỷ lệ hồ sơ ảo rất nhiều. Thứ hai là mất thời gian vì khi không có sự chắc chắn thì lúc này phụ huynh nộp hồ sơ vào, lúc sau lại rút ra khiến hoạt động của nhà trường không ổn định”.

Cô Lan cũng cho biết, riêng với Trường Tiểu học Marie Curie (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì chưa bao giờ thu phí giữ chỗ của phụ huynh. Theo cô Lan, các trường cũng phải nâng cao uy tín của mình để phụ huynh yên tâm cho con vào học mà không phải lăn tăn về khoản phí giữ chỗ.

“Đối với các trường công đa số là ổn định sĩ số vì chia theo khu vực. Còn đối với các trường tư, phụ huynh tin tưởng thì mới cho con theo học. Có trường thì không thể chứa hết số lượng học sinh theo nhu cầu nhưng có trường rất cần học sinh mà chưa có đủ. Chính vì thế, các trường cần tự nâng cao uy tín của mình lên để phụ huynh tin tưởng cho con vào học. Thứ hai, nhà trường cũng nên tôn trọng quyết định của phụ huynh để họ suy nghĩ kỹ và có lựa chọn tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, chứ không nhất thiết phải có phí giữ chỗ”, cô Lan bày tỏ.

1.jpg
Ảnh minh họa: Học sinh tiểu học trường Marie Curie (Hà Nội)

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Việt Úc bày tỏ: Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản thì nhà trường sẽ thực hiện theo. Tuy nhiên, trường cũng mong muốn được tạo điều kiện để thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh. Bởi khoản phí giữ chỗ chỉ là cam kết ban đầu giữa nhà trường và phụ huynh. Khoản tiền này sau khi học sinh vào học cũng được trừ vào học phí chứ không mất đi đâu.

Thầy Tiến cũng cho biết, hiện tại, nhà trường đang chờ văn bản hướng dẫn chi tiết của Sở Giáo dục và Đào tạo sau đó sẽ có thông báo cụ thể cho phụ huynh học sinh. Bởi hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn mà mới chỉ là công văn nhắc nhở. Do đó, nhà trường cần chờ xem kế hoạch tuyển sinh cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo như thế nào để có căn cứ thực hiện.

Nhật Lệ