Trường đại học không được yêu cầu thí sinh nộp phí để đặt cọc giữ chỗ

15/03/2024 17:50
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường có quyền xét tuyển sớm, nhưng phải đợi thí sinh lựa chọn, đặt nguyện vọng để tránh ảnh hưởng tâm lý đến những thí sinh khác.

Ngày 15/3, tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024 với sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ phụ trách đào tạo và tuyển sinh của các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Đã đến lúc “xốc” lại các ngành khoa học cơ bản

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đại diện của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đánh giá cao những đổi mới về mặt tuyển sinh trong vòng 9 năm qua, từng bước mang lại nhiều lợi ích và thuận cho các thí sinh, cơ sở giáo dục.

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo công tác tổ chức tuyển sinh tốt, hỗ trợ nhiều cho các trường, tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh. Do đó, các trường đại học đã đề nghị, trong năm 2024, Bộ sẽ vẫn giữ ổn định công tác tuyển sinh, tránh những đổi mới lớn để thí sinh và các trường yên tâm.

gdvn_ThutruongHoangmINHsON.jpg
Đại diện các trường đại học nêu ý kiến trong phần thảo luận tại hội nghị (ảnh: V.D)

Một số trường đại học nêu quan điểm về xét tuyển sớm, rút ngắn thời gian lọc ảo và thời gian nộp lệ phí, sớm công bố chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm…

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT - Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ tuyển sinh quá cao, cần phải có chính sách vĩ mô điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ, đã đến lúc cần “xốc” lại việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh, cần có giải pháp khắc phục việc thiếu nguồn nhân lực của ngành khoa học cơ bản, do thiếu nguồn nhân lực này thì sẽ khó cho sự phát triển của đất nước.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhắc đến những khó khăn khi triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, không chỉ là phía Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn các Bộ, ngành và địa phương.

Sau khi nghe các ý kiến trong phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã có những nội dung phản hồi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm nay, Bộ sẽ công bố các thông tin sớm hơn, để thí sinh và các trường chủ động hơn trong việc xét tuyển, nhất là việc công bố chỉ tiêu của các ngành, trường.

Đối với các chỉ tiêu của ngành sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói rằng còn phụ thuộc vào nhu cầu của các địa phương, nên Bộ vẫn phải cân nhắc dựa trên nhu cầu thực tế.

Liên quan đến việc xét tuyển sớm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, các trường có thể nhận hồ sơ xét tuyển sớm của thí sinh, nhưng cả nước vẫn phải thống nhất một đợt xét tuyển chung sau khi đã có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhằm đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh xét tuyển ở tất cả mọi phương thức.

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Các trường không được yêu thí sinh đóng phí nhập học, để ‘đặt cọc’ giữ chỗ”. Trường có quyền xét tuyển sớm, nhưng phải đợi thí sinh lựa chọn, đặt nguyện vọng để tránh ảnh hưởng tâm lý đến những thí sinh khác.

Năm 2024, công tác tuyển sinh tiếp tục duy trì sự ổn định

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, trong 9 năm đổi mới công tác tuyển sinh (từ năm 2015 đến nay), thì công tác này đã ngày càng ổn định và tốt hơn. Thể hiện qua 4 điểm:

Kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định và bền vững, thể hiện bằng kết quả tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo. Kết quả này được nhìn nhận bằng số lượng tuyển sinh được, tỷ lệ nhập học của thí sinh.

Sự tăng trưởng này cũng phản ánh được chất lượng của giáo dục đại học, phần nào cho thấy xã hội và người dân đã tin tưởng vào chất lượng đào tạo của những cơ sở giáo dục này, và cũng cho thấy nhu cầu của thị trường nguồn nhân lực ngày càng tăng.

gdvn_ThutruongHoangMinhSonHUB.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: V.D)

Công tác tuyển sinh ngày càng hiệu quả. Trong 9 năm qua, dù có những sự điều chỉnh qua từng năm, có năm điều chỉnh ở mức độ lớn và cũng có năm điều chỉnh ở mức độ nhỏ, nhưng những sự điều chỉnh đều mang lại hiệu quả, thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, công tác quản lý Nhà nước.

Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Các dữ liệu tuyển sinh từ đề án, phương thức tuyển sinh của nhà trường đều được công khai, minh bạch với xã hội, người học.

Công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác, nhất là của các trường trong các khâu như lọc ảo, xét tuyển chung.

Ngoài ra còn có vấn đề sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học, còn trường nào tuyển sinh kém thì phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra 3 hạn chế trong công tác tuyển sinh của 9 năm qua, nhất là vẫn còn một số trường chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là vượt chỉ tiêu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, nếu vẫn còn tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường sẽ không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.

Trong năm 2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, công tác tuyển sinh sẽ vẫn giữ ổn định, phát huy những kết quả đã đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, Vụ Giáo dục Đại học cần hoàn thiện kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh của năm 2024. Các trường cũng cần đưa ra kế hoạch tuyển sinh năm 2024.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan cần hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc trung học phổ thông hay kết quả thi của những năm trước.

Việt Dũng