Ông Nguyễn Đắc Vinh: Nếu tăng ngân sách đầu tư cho GDĐH thì tăng vào cái gì?

06/11/2023 13:24
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tăng đầu tư cho GDĐH, thực ra là một khoản đầu tư chưa quá lớn. Tuy nhiên, khó nhất là tăng vào cái gì, tăng như thế nào?

Phát biểu kết luận tại Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” chiều ngày 5/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết:

Sự phát triển giáo dục đại học được thể hiện qua ba yếu tố: quy mô, cơ cấu và chất lượng. Trong đó, chất lượng là thước đo rất quan trọng về mức độ đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

“Do vậy, khi bàn về trường đại học phát triển thế nào, suy cho cùng thì chúng ta cũng đặt ra một thước đo là yêu cầu về chất lượng”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm và đồng thời nhận định, cần phải có đột phá trong phát triển, mà trước tiên là đột phá về chất lượng.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trước thực tế bức tranh giáo dục đại học nước ta với số lượng trường rất đông, cơ cấu, loại hình trường đại học đa dạng, thì vấn đề đột phá rất cần có sự định hướng về trọng tâm, trọng điểm rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo

Giáo dục đại học Việt Nam đang thiếu cả thầy, cả thợ

Điểm qua một số đánh giá về thực trạng giáo dục đại học của nước ta hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận xét, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được sắp xếp, mở rộng, độ phủ của giáo dục đại học trong cả nước đã được tăng cường.

Số lượng và quy mô các trường nhìn chung vẫn còn một số hạn chế như phát triển chưa đồng đều, nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô còn nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập mới chỉ chiếm gần 30% tổng số cơ sở đào tạo và gần 20% quy mô đào tạo trong toàn hệ thống.

Về mô hình quản lý của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá khá đa dạng. Cơ sở vật chất của các trường đại học thời gian gần đây cũng được tăng cường hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng ghi nhận một số ý kiến cho rằng các tiêu chí về diện tích khuôn viên, diện tích xây dựng và mức chi đầu tư cho cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng và cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức độ thấp so với các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.

Về các lĩnh vực đào tạo, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá lĩnh vực đào tạo ở các tất cả các trình độ của giáo dục đại học Việt Nam khá phong phú. Tuy nhiên, cơ cấu của các lĩnh vực phát triển không đồng đều và chưa đạt được so với định hướng tại Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, quy mô đào tạo tập trung khá cao vào các ngành thuộc khối kinh doanh và quản lý (gần 25%); trong khi một số ngành rất cần cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội của đất nước như khoa học cơ bản, nông nghiệp, nông nghiệp, thủy sản thì lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên đại học trên một vạn dân đã tăng dần qua từng năm, nhưng vẫn thấp hơn một số nước có điều kiện tương đồng trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, đào tạo sau đại học ở khối ngành STEM ở nước ta còn thấp, và có xu hướng giảm mạnh.

Về giảng viên, ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định quy mô và chất lượng giảng viên đã được nâng lên. “Năm 2021, Việt Nam có khoảng 86.000 giảng viên đại học, trong đó khoảng 26.500 giảng viên có bằng tiến sĩ, chiếm tỉ lệ khoảng 31%, và tăng trung bình 2%/năm trong 3 năm gần đây”, ông Vinh nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng ghi nhận tăng đều trong giai đoạn từ 2010 đến nay, trong đó giáo sư tăng từ 0,4% lên đến 0,9%; phó giáo sư từ 2,8% lên đến 6,5%.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên và tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn rất thấp so với chuẩn mực chung của thế giới. Từ những chỉ số trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu nhận định giáo dục đại học Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thiếu cả thầy, thiếu cả thợ”.

Ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ thêm, hệ thống các trường đại học nước ta đã từng bước được tăng quyền tự chủ; nhất là sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018), chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, chương trình đào tạo được kiểm định tăng lên. Dẫn số liệu cụ thể, ông Vinh cho biết tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học được kiểm định đạt khoảng 80%, tỉ lệ chương trình đào tạo được kiểm định là 13%, trong đó có 6% chương trình kiểm định quốc tế.

Về mặt xếp hạng quốc gia đối với lĩnh vực giáo dục, năm 2021 giáo dục Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2020 (theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021).

Cuối cùng, nhận định chung về chất lượng giáo dục của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, Ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa nhóm trường đầu ngành, tập trung ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương và các nhóm trường đại học ở các tỉnh.

Đề xuất tăng đầu tư cho giáo dục đại học, cần nghiên cứu tăng vào cái gì cho hiệu quả

Đại biểu tham dự hội thảo chiều ngày 5/11

Đại biểu tham dự hội thảo chiều ngày 5/11

Bàn luận chi tiết về chủ đề tại hội thảo, gồm thể chế và chính sách phát triển giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết:

Về thể chế, hiện nay lĩnh vực giáo dục đại học chịu sự chi phối chủ yếu, đầu tiên là Luật Giáo dục đại học của năm 2012 và sau đó được bổ sung, sửa đổi một số điều năm 2018.

Ngoài ra, giáo dục đại học cũng chịu sự chi phối của một số quy định liên quan đến Luật Giáo dục, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật khoa học công nghệ, Luật đất đai”.

Từ quá trình làm việc thực tế với các trường đại học, cao đẳng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trước tiên sẽ kiến nghị lên Chính phủ về chủ trương sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu làm rõ những nội dung vướng mắc để kiến nghị sửa đổi.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, Chính phủ đã thống nhất việc xây dựng một bộ luật riêng đối với đội ngũ nhà giáo (Luật Nhà giáo), thể hiện sự quan tâm đến giáo dục đào tạo - lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu.

Trong đó, liên quan đến những kiến nghị về chính sách giảng viên đại học, ông Vinh cho biết “sẽ hết sức lắng nghe” và cố gắng thể hiện trong những chính sách quy định tại Luật nhà giáo.

Về chính sách phát triển giáo dục đại học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Luật Giáo dục đại học đã có quy định 9 nhóm chính sách cụ thể. Trong đó, chính sách về phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đặt vấn đề: Hiện nay ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta chiếm 0,25%-0,27% GDP. Nếu tăng ngân sách đầu tư lên gấp đôi, khoảng 0,5% GDP để mức đầu tư bằng với khu vực, ông Vinh nhận định việc tăng này không ảnh hưởng tới nguồn lực ngân sách chung vì chỉ cần thay đổi về cơ cấu chi.

Cụ thể, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% thì mức chi chỉ tăng thêm khoảng 300 triệu đô, tức khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính 20% chi ngân sách cho giáo dục thì tổng ngân sách khoảng 350 nghìn tỷ đồng/năm. Tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học về cơ bản chỉ là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong giáo dục và đào tạo. Ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá con số 7.000-8.000 tỷ đồng trong số 350.000 tỷ đồng không phải là quá lớn.

"Đây cũng không phải là khoản đầu tư quá lớn. Nhưng nó có thể đạt hiệu quả rất cao", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khó nhất là tăng vào cái gì, tăng như thế nào? Ông Vinh nêu vấn đề, và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, làm việc với các trường đại học, cân nhắc xây dựng một phương án/đề án về việc đề xuất tăng đầu tư cụ thể.

"Tăng thì phải biết tăng vào cái gì cho hiệu quả, chứ nếu là bổ sung vào chi thường xuyên thì tôi e rằng cũng khó…", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói thêm.

Về cơ chế đặt hàng, từ kinh nghiệm tham khảo cách làm của một số quốc gia khác, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cơ chế của nhà nước càng đơn giản thì sự đầu tư vào các trường càng nhanh chóng. Việc quản lý sẽ được thực hiện thông qua giám sát bằng cơ chế thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Ngược lại, nếu thực hiện đặt hàng kèm theo nhiều quy định quá chi tiết về định mức, về nội dung, ông Vinh bày tỏ lo ngại “tiền thì chi, nhưng nhiều cơ chế đi theo trói buộc lại”, dẫn đến việc triển khai sẽ gặp khó, không tiến hành được.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc trong chính sách đầu tư phát triển, trong đó bắt buộc phải có thứ tự ưu tiên.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất tham khảo thứ tự ưu tiên như sau:

Thứ nhất, lĩnh vực khoa học cơ bản.

Thứ hai, lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Thứ ba, lĩnh vực khoa học, sức khỏe, công công nghệ sinh học.

Thứ tư, nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số

Thứ năm, nhân lực về phát triển bán dẫn

Một số lĩnh vực cũng cần hết sức quan tâm như khoa học xã hội, kinh tế,…

Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo. Đồng thời, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ sớm có kiến nghị sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Đối với những kiến nghị về vướng mắc, bất cập liên quan đến chính sách, pháp luật và các văn bản dưới luật, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ có trao đổi chi tiết hơn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp tham khảo ý kiến các chuyên gia để có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành liên quan, với mục tiêu duy nhất thúc đẩy giúp giáo dục đại học ngày càng phát triển.

Minh Chi