Nhiều SV tốt nghiệp xuất sắc, giỏi nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại

06/11/2023 06:37
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc đến 99%, không cân đối so với trước đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc vẫn phải đào tạo lại.

Tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc quá cao nhưng vẫn phải đào tạo lại

Tại Hội thảo Giáo dục năm 2023: “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ông Dương Xuân Phượng - đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã có những chia sẻ về những bất cập trong đào tạo đại học dưới góc nhìn của doanh nghiệp.

Ông Dương Xuân Phượng cho biết, chất lượng đào tạo đại học của chúng ta tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế.

Ông Dương Xuân Phượng - Đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ tại hội thảo.

Ông Dương Xuân Phượng - Đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ tại hội thảo.

Thứ nhất là khoảng cách xa giữa đào tạo đại học và nhà tuyển dụng (cụ thể là các doanh nghiệp). Trong 2000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi bằng giỏi thì Viettel chỉ tuyển dụng được 100 sinh viên.

Trong đó, khi đánh giá lại thì có 75% sinh viên nhận thấy mình chỉ đáp ứng được 75% công việc của doanh nghiệp; 2% sinh viên đánh giá đáp ứng được 90% nhu cầu doanh nghiệp, số sinh viên còn lại doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp cũng chưa thực sự đáp ứng được một số kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, đang có sự bất cập về đánh giá phân loại sinh viên tốt nghiệp. Ông Dương Xuân Phượng cho rằng, hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc đến 99%, không cân đối và có bất cập so với trước đây. Vấn đề là nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc vẫn phải đào tạo lại.

Thứ ba là chuyển đổi số còn chậm và chưa đồng bộ giữa các trường đại học với nhau.

Đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đưa ra 3 đề xuất kiến nghị.

Một là, cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo đại học sát với thực tế của doanh nghiệp, cần đào tạo theo tín hiệu của thị trường, tín hiệu của doanh nghiệp .

Cần có cơ chế chính sách liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp để đạt hiệu quả. Ví dụ có học kỳ doanh nghiệp để doanh nghiệp được tham gia vào phần đào tạo của các trường đại học. Và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng có thể tham gia đào tạo cấp chứng chỉ cho các trường đại học.

Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ, giáo dục toàn diện, thực chất trong các trường đại học, có thể đưa ra các hệ thống công nghệ để liên kết được trong nhà trường với nhau và giữa các trường đại học với nhau,

Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo của sinh viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà phải là trường đại học đào tạo suốt đời, có những module, những chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn để những người đã đi làm tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tạo không gian học tập suốt đời

Ba là, có cơ chế chính sách chung để đánh giá thực chất chương trình, chất lượng đào tạo của sinh viên, không để tỷ lệ sinh viên xuất sắc, giỏi quá cao như hiện nay, và sau khi về doanh nghiệp lại thẩm định đánh giá lại, đặc biệt là phải đánh giá lại theo chương trình doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn.

"Bắt tay" giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế

Tại hội thảo, bàn về mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho hay, hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học là xu thế tất yếu và khách quan, trên thế giới, mối quan hệ này đã bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ XX và mang lại nhiều lợi ích cho cả khối doanh nghiệp và khối đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại Hội thảo.

Muốn làm tốt vấn đề về tài chính đại học, để nguồn nhân lực đáp ứng được với nhu cầu xã hội thì cần phải có “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Phó Giáo sư Lưu Bích Ngọc cho biết, thời điểm năm 2021, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong135 cơ sở giáo dục đào tạo gửi báo cáo về (50% tổng số cơ sở đào tạo) thì chỉ có 40% trường đã có thông báo về mối quan hệ hợp tác của trường đại học với doanh nghiệp.

Trong đó, có 6.126 doanh nghiệp được nêu danh là có hợp tác với trường đại học. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ doanh nghiệp trên mặt bằng thị trường lao động Việt Nam thì chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu khoa học, 29% các doanh nghiệp tham gia hợp tác các hội thảo, tọa đàm; còn phần lớn các hợp tác của trường đại học với doanh nghiệp là cho sinh viên đến kiến tập (90%), 70% các hoạt động hợp tác là tài trợ, trao học bổng, còn tham gia xây dựng chương trình chỉ có 30%.

Như vậy mức độ “bắt tay” giữa trường đại học với doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Về mối quan hệ giữa Nhà nước – cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp để tạo nên mối quan hệ văn hóa "3 nhà" trong giai đoạn mới, ở các nước phát triển, Nhà nước đã đóng một vai trò quan trọng trong kiến tạo, tạo dựng môi trường, để cho đại học và doanh nghiệp liên kết với nhau. Đến nay đã có 21 chính sách được ban hành để hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ này.

Ở Việt Nam, về chủ trương chính sách đã có hơn 10 năm nay, nếu nhìn lại Nghị quyết Đại hội Hội nghị lần thứ VI, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã khẳng định, các trường đại học phải là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống và các liên kết đào tạo giữa đại học và doanh nghiệp cần phải được thúc đẩy.

Đến Nghị quyết 29 cũng nêu: cần khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo.

Hội thảo Giáo dục năm 2023: “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Hội thảo Giáo dục năm 2023: “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Tất cả những chủ trương này đều đã được thể chế hóa. Năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó đã nhấn mạnh cần phải thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Như vậy, về chủ trương chính sách chúng ta đã có nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách rất nhiều, các luật có liên quan khi thực hiện “bắt tay” giữa trường đại học và doanh nghiệp vẫn đang chồng chéo (như Luật tài sản công, Luật Doanh nghiệp) đến nay chưa được tháo gỡ.

Các đại học khó khăn vì không thể “bắt tay” với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng vướng khi muốn đầu tư hay có quỹ đầu tư cho trường đại học mà không thể thực hiện được.

Phó Giáo sư Lưu Bích Ngọc nêu ra 4 kiến nghị, đề xuất:

Thứ nhất, cần có nhóm giải pháp về cơ chế chính sách cải thiện môi trường thông tin, vì muốn hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thì phải có cơ chế chia sẻ thông tin và quảng bá thông tin, để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, doanh nghiệp thấy lợi ích khi hợp tác và trường đại học cũng phải cho thấy năng lực của mình.

Vì vậy, phải hoàn thiện lại hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học và thông tin về thị trường lao động, hai hệ thống này phải được kết nối với nhau dưới sự điều phối thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ hai, cần có nhóm chính sách tạo động lực cho cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp hoàn thiện các chính sách đẩy mạnh triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia, mở rộng các dự án tài trợ, hỗ trợ hiện có.

Thứ ba là nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường triển khai mối quan hệ đối tác công tư PPP.

Thứ tư là cần nhóm chính sách thúc đẩy các trường đại học tự chủ, sáng nghiệp. Trong quy hoạch của chúng ta, không chỉ dừng lại ở các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học mà cần phải mô tả rõ hơn các tiêu chí đại học nghiên cứu, đại học sáng nghiệp, từ đó có chính sách đầu tư và mở rộng quyền tự chủ để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Phạm Minh