Ồn ào đề kiểm tra Ngữ văn: Vì đâu nên nỗi?

04/01/2024 06:45
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kì kiểm tra học kì 1 năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, trong đó môn Ngữ văn bậc phổ thông nhận được nhiều sự quan tâm bình luận trái chiều của dư luận.

Theo đó, về ngữ liệu và nội dung câu hỏi một số đề kiểm tra môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được cho là chưa đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Người viết, là giáo viên Ngữ văn bậc trung học phổ thông, xin có đôi điều cùng chia sẻ cùng bạn đọc về việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn ở các nhà trường phổ thông hiện nay.

Một đề kiểm tra Ngữ văn 11 dài 2 mặt giấy A4, chi chít chữ. (Ảnh: CTV)

Một đề kiểm tra Ngữ văn 11 dài 2 mặt giấy A4, chi chít chữ. (Ảnh: CTV)

Thứ nhất, theo ghi nhận của người viết, nhiều đề kiểm tra ghi chú nguồn ngữ liệu trích dẫn còn tuỳ tiện, chưa đúng với quy định hiện hành. Có thể nhận thấy, giáo viên ra đề kiểm tra chủ yếu mắc 3 lỗi sau đây:

1) Ngữ liệu trích dẫn không ghi từ sách nào; không có tên tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang.

2) Ngữ liệu đính kèm từ đường link không phải từ các nguồn chính thống.

Có đề kiểm tra cho ngữ liệu là bài viết của học sinh được giáo viên ra đề sửa chữa dung lượng cho phù hợp với thời gian làm bài.

3) Ngữ liệu cho quá dài, trong khi thời gian làm bài đối với môn Ngữ văn theo quy định tối đa là 90 phút khiến học sinh làm bài không kịp.

Bàn về việc giáo viên tự soạn ngữ liệu cho đề kiểm tra có được hay không, thầy Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Ngữ văn - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thư trao đổi (ý kiến này đã được truyền thông lược trích đăng tải [1]) với tổ trưởng chuyên môn như sau:

“Về việc một số thầy cô muốn tự soạn ngữ liệu để ra đề: Có thể thầy cô cho rằng ngữ liệu (là các văn bản thông tin; văn bản nghị luận; các tác phẩm thơ, truyện) do mình viết đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu về giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ, giá trị giáo dục, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đặc trưng thể loại.

Tuy nhiên, để khách quan thì ngữ liệu ấy cần được thẩm định, phản biện độc lập trước khi được sử dụng để ra đề.

Vậy thầy cô có thể gửi các văn bản thông tin; văn bản nghị luận, các tác phẩm thơ, truyện do mình viết đó đến các nhà xuất bản; các báo, đài để thẩm định, đăng tải, xuất bản hoặc gửi đến các chuyên gia để thẩm định, phản biện.

Đây là những kênh, những cách thẩm định hiệu quả về giá trị của các ngữ liệu do thầy cô tự soạn. Sau khi lập được kho dữ liệu đảm bảo các yêu cầu, chúng ta mới lựa chọn, sử dụng để ra đề.

Nếu dùng ngữ liệu chưa qua các kênh sàng lọc, thẩm định, phản biện để ra đề là không khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót.

Thực tế cho thấy việc sử dụng ngữ liệu từ các sách, báo của các tác giả uy tín thì thuận tiện hơn, hiệu quả hơn là việc giáo viên tự soạn ngữ liệu”.

Đề kiểm tra Ngữ văn 11 lấy ngữ liệu từ bài viết của học sinh, với ghi chú nguồn: "Bài viết của học sinh, có sửa chữa cho phù hợp với yêu cầu của đề thi". (Ảnh: CTV)

Đề kiểm tra Ngữ văn 11 lấy ngữ liệu từ bài viết của học sinh, với ghi chú nguồn: "Bài viết của học sinh, có sửa chữa cho phù hợp với yêu cầu của đề thi". (Ảnh: CTV)

Người viết nhận thấy, nhiều đề kiểm tra vẫn ra ngữ liệu trong sách giáo khoa. Ví dụ, trường A dạy bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo và lấy ngữ liệu trong sách Cánh Diều hoặc sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Hay trường trung học phổ thông thì lấy ngữ liệu ở bậc trung học cơ sở, tiểu học.

Đề kiểm tra dùng ngữ liệu như thế này là không đúng vì các hướng dẫn việc “lấy ngữ liệu mới, ngoài sách giáo khoa” trong kiểm tra, đánh giá.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (trang 86 - 87) hướng dẫn về đánh giá kết quả giáo dục như sau:

“Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.” [3]

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn yêu cầu:

“Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.” [4]

Theo người viết, với các quy định như đã dẫn, giáo viên không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa (từ lớp 1 đến lớp 12) của các bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (Chân trời sáng tạo; Cánh Diều; Kết nối tri thức với cuộc sống) để ra đề kiểm tra.

Thứ hai, có chuyện đáng buồn là vẫn còn tình trạng nhiều giáo viên không chịu đầu tư thời gian, công sức đọc sách, báo để tìm được nguồn ngữ liệu chuẩn, hay cho đề kiểm tra.

Không ít giáo viên đổ thừa rằng, việc tìm ngữ liệu mới là rất khó. Một số đề kiểm tra từ cấp trường, thậm chí cả cấp Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo ở một số địa phương giống nhau về ngữ liệu và nội dung câu hỏi cho thấy điều đó.

Nhiều giáo viên lập nhóm để trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc ra đề kiểm tra. Tuy vậy, nhiều giáo viên lấy đề kiểm tra trường bạn ra dùng cho trường mình và bê nguyên xi cả đáp án.

Thậm chí, mỗi khi cứ đến kì kiểm tra định kì, có giáo viên thuê hẳn giáo viên có kinh nghiệm ra đề và trả phí (tiền) theo kiểu thuận mua vừa bán.

Người viết cho rằng, giáo viên chỉ cần dành thời gian đọc sách, báo thì không khó để kiếm được những ngữ liệu hay.

Mỗi khi đọc được ngữ liệu hay, giáo viên cần lưu lại, sau đó tuỳ vào đối tượng học sinh và yêu cầu cần đạt của chương trình để thiết kế những câu hỏi sao cho hợp lí. Chỉ cần làm một vài lần thì giáo viên sẽ quen dần, việc ra đề kiểm tra sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thứ ba, nhiều giáo viên (kể cả tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, chuyên viên) còn nhầm lẫn giữa chương trình và sách giáo khoa nên chọn ngữ liệu cho đề kiểm tra chưa phù hợp.

Cần nói thêm, giáo viên được tập huấn Chương trình mới chủ yếu theo hình thức online (trực tuyến) nên việc học tập có nơi, có lúc vẫn còn chưa nghiêm túc.

Riêng tổ trưởng chuyên môn được tập huấn trực tiếp với tác giả sách giáo khoa và chuyên viên của Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ vài ba buổi nên hiệu quả chưa cao.

Ví dụ như sách giáo khoa lớp 10 bộ Chân trời sáng tạo dạy chủ đề giao cảm với thiên nhiên (thơ). Và thế là có giáo viên hiểu rất máy móc rằng, sách dạy thơ viết về thiên nhiên thì phải lấy ngữ liệu có nội dung nói đến thiên nhiên để ra đề kiểm tra.

Thực ra, Chương trình mới dạy theo đặc trưng thể loại, ở đây là thơ, chứ không phải thơ viết về thiên nhiên. Thơ viết về thiên nhiên trong sách là nhằm minh hoạ (cụ thể hoá) về đặc trưng của thơ (vần, nhịp, hình ảnh, tu từ…).

Có đề kiểm tra lấy thơ trung đại viết về thiên nhiên, được sáng tác cả ngàn năm, thì làm sao học sinh làm được bài.

Học sinh chưa được học văn học sử Việt Nam, chưa được học tác giả, phong cách sáng tác, rồi từ ngữ cổ xưa rất khó hiểu… nhưng yêu cầu các em phân tích thơ là không dễ (ngoại trừ những em học giỏi, có năng khiếu văn chương).

Một đề kiểm tra (đề xuất) Ngữ văn 10 rất khó. (Ảnh: CTV)

Một đề kiểm tra (đề xuất) Ngữ văn 10 rất khó. (Ảnh: CTV)

Để có một đề kiểm tra tường minh, khoa học, đúng yêu cầu, thầy Trần Lê Duy, tác giả sách giáo khoa Ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo, đưa ra 6 nguyên tắc [2] như sau:

Thứ nhất, kỹ thuật ra đề phải có bảng đặc tả và ma trận trước khi ra đề.

Thứ hai, nguyên tắc tìm ngữ liệu. Phải chọn ngữ liệu có uy tín, tức là từ những nguồn tin cậy. Muốn vậy, giáo viên cần chịu khó đọc, tra cứu và thẩm định kỹ.

Thứ ba, giáo viên cần chú ý độ khó của ngữ liệu phải tương đương các văn bản trong sách giáo khoa về dung lượng, cách diễn đạt, chủ đề, nội dung... Ngữ liệu phải đạt tính thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp, cái hay, có tính giáo dục.

Thứ tư, người ra đề phải xử lý ngữ liệu. Đối với những văn bản tương đối khó thì có thể ghi chú, giải thích cho học sinh, cung cấp thêm thông tin.

Thứ năm, giáo viên ra đề cần đặt bản thân vào vị trí của học sinh để ước lượng khả năng giải quyết các yêu cầu của đề, sự tương thích giữa yêu cầu đề và giới hạn thời gian, để đề vừa đảm bảo tính vừa sức, vừa có độ phân hóa.

Thứ sáu, hướng dẫn chấm phải theo hướng đánh giá năng lực, đo được các kỹ năng của học sinh, chứ không phải đếm ý chấm điểm như cách làm trước đây.

Người viết đã được bộ phận chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tập huấn và nêu kinh nghiệm về kĩ thuật ra đề kiểm tra môn Ngữ văn Chương trình mới. Theo đó, giáo viên ra đề cần lưu ý một số nội dung như sau:

Tổ bộ môn cần xây dựng ngân hàng đề, kho dữ liệu dùng chung để ra đề; căn cứ, tham khảo các văn bản trong sách giáo khoa để chọn ngữ liệu; tổ chức phân tích, báo cáo chuyên đề về chọn ngữ liệu trong họp tổ.

Việc chọn ngữ liệu phải gắn với việc xử lí ngữ liệu: cắt lược, lược dẫn, cước chú, chú thích, cung cấp thông tin về bối cảnh (nếu cần),… để hỗ trợ học sinh trong việc đọc hiểu văn bản.

Về độ khó, có thể ngữ liệu ngắn nhưng khó, ngữ liệu dài nhưng dễ do liên quan đến cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, các thuật ngữ, nội dung quen thuộc hay mới lạ, chuyên sâu. Giáo viên cần cân nhắc sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-vien-tu-tao-lap-van-ban-doc-hieu-cho-de-van-duoc-khong-185231218185112717.htm

[2] https://thanhnien.vn/lien-tuc-tranh-luan-de-kiem-tra-ngu-van-vi-sao-185231228235503342.htm

[3] https://data.moet.gov.vn/index.php/s/KNfGVJAhcwuS2Uk#pdfviewer

[4] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3175-BGDDT-GDTrH-2022-doi-moi-phuong-phap-day-va-kiem-tra-mon-Ngu-van-522950.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương