Chọn ngữ liệu kiểm tra Ngữ văn ngoài sách giáo khoa, giáo viên có đang 'tự bơi'?

27/12/2023 08:52
Dương Khánh Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi lựa chọn được ngữ liệu hay, biên soạn được hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và tự luận vừa sức, sát với kiến thức ngữ văn được trang bị thì học sinh khá hào hứng.

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, giáo viên dạy Ngữ văn rất kì vọng việc ra đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực, với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ loại bỏ được vấn nạn văn mẫu, dần tiến tới học thật, thi thật.

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, giáo viên như lạc vào “ma trận”, rất khó để lựa chọn được những ngữ liệu phù hợp với mục tiêu chương trình, mục đích kiểm tra đánh giá, đồng thời phải hay, hấp dẫn, giàu giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn, khơi gợi được hứng thú đọc văn, học văn ở học sinh.

Có một thực tế được nhiều giáo viên nhận định, dung lượng và phạm vi ngữ liệu đều do thầy cô quyết định. Phần nhiều thầy cô dùng tài liệu có sẵn (do mua hoặc được chia sẻ).

Thực tế cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề ồn ào xung quanh ngữ liệu được chọn trong đề kiểm tra đánh giá ở một số địa phương, trường học. Đơn cử như những băn khoăn xung quanh đề kiểm tra kỳ I Ngữ văn lớp 9, lớp 12 tại An Giang hay đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 8 của Trường Trung học cơ sở Colette (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đề Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (Ảnh: L.V.M.)Đề Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (Ảnh: L.V.M.)

Trăm hoa đua nở, vàng thau lẫn lộn

Có cung ắt có cầu. Khi giáo viên còn lúng túng trong chọn ngữ liệu và ra đề kiểm tra đánh giá thì nhiều người đã lập ra các nhóm chia sẻ tài liệu trên zalo để chia sẻ, bán, mua, trao đổi tài liệu dạy học trong đó có đề kiểm tra đánh giá.

Bản thân tôi - một giáo viên bậc trung học phổ thông cũng là thành viên của một số nhóm thầy cô trao đổi tích cực với các thành viên khác để nhanh chóng “lấp đầy” kho tư liệu dạy học vốn đang cần lấp đầy của mình.

Hàng ngày tôi bỏ ra nhiều giờ tìm hiểu trên các diễn đàn, hội, nhóm download đề tham khảo để tìm những ngữ liệu hay đem về biên soạn lại thành các đề kiểm tra đánh giá theo các tiêu chí được quy định trong mục tiêu chương trình.

Từ kinh nghiệm của bản thân tôi nhận thấy, khi lựa chọn được ngữ liệu hay, biên soạn được hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và tự luận vừa sức, sát với kiến thức ngữ văn được trang bị thì học sinh khá hào hứng đọc hiểu văn bản và trả lời câu hỏi (riêng yêu cầu viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học mới chỉ được tiếp xúc trong vài phút thì có vẻ là “nhiệm vụ bất khả thi” với các em). Ngược lại, khi ngữ liệu được chọn không hay, không phù hợp với “tầm đón đợi” của học sinh; ngữ liệu quá dài, quá trừu tượng, triết lí…dẫn đến học sinh không hợp tác, miễn cưỡng đọc hiểu và trả lời câu hỏi, hiệu quả của giờ học thấp.

Theo quan sát và thống kê của tôi, ngữ liệu ra đề, ôn tập thường được giáo viên chọn theo tác giả có tác phẩm được học trong 3 bộ sách giáo khoa hiện nay là “Cánh Diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Chẳng hạn sách giáo khoa “Cánh Diều” lớp 11 chọn dạy tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao thì giáo viên xây dựng bộ đề sẽ chọn ngữ liệu là các tác phẩm của Nam Cao như: “Đời thừa”, “Một bữa no”, “Tư cách mõ”, “Lang rận”, “Trẻ em không biết ăn thịt chó”, “Dì hảo”…; Hay như đề tự đánh giá chọn “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan, giáo viên sẽ lấy các tác phẩm tương tự của ông làm ngữ liệu như: “Đồng hào có ma”, “Cụ chánh bá mất giày”, “Đào kép mới”…

Cách chọn ngữ liệu như vậy tôi thấy cũng có cái hay là tăng tính “an toàn” (vì các tác giả được chọn đưa vào sách đều là những nhà văn nổi tiếng, tác phẩm của họ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, độc đáo). Tuy nhiên nếu không suy xét một cách kĩ càng, dựa trên nhiều tiêu chí để lựa chọn thì cũng dễ dẫn đến việc ra đề kém chất lượng, không đạt được mục tiêu của kiểm tra đánh giá thậm chí dẫn đến “sự cố” đáng tiếc. Ví dụ như đọc hiểu truyện ngắn “Lang Rận” của Nam Cao cần có kiến thức về “tình huống nhận thức – lựa chọn” trong nhiều truyện ngắn của tác giả mới hiểu được đúng đắn ý nghĩa triết lí nhân sinh mà ông gửi gắm qua chi tiết Lang Rận treo cổ tự tử; còn nếu để cho học sinh tự do cảm nhận không có sự định hướng, phân tích, đánh giá của giáo viên sẽ dễ dẫn đến cách cảm thụ tiêu cực. Tương tự như vậy, truyện ngắn “Mò sâm panh” của Nguyễn Công Hoan có những chi tiết gây ám ảnh nếu chọn làm ngữ liệu cũng chưa hẳn là phù hợp.

Một hạn chế nữa của việc lựa chọn ngữ liệu theo cách “mở rộng” danh mục các tác phẩm của những tác giả được đưa vào sách giáo khoa là không mở rộng được “trường đọc sách” của học sinh, dễ dẫn đến học sinh cảm thấy nhàm chán.

Trình độ về lí luận và phương pháp dạy học; khả năng nắm bắt và tìm hiểu sâu – nông về chương trình; kinh nghiệm dạy học và ra đề dày – mỏng; gu thưởng thức và thị hiếu thẩm mĩ của giáo viên … là không đồng đều nên dẫn đến lựa chọn ngữ liệu như việc “đãi cát tìm vàng” mà nhiều khi thì “vàng thau lẫn lộn” khó phân biệt. Điều này gây ra tâm lí hoang mang cho giáo viên, đặc biệt là khi ra đề kiểm tra chung thực hiện trong toàn trường hay nhiều trường trong tỉnh.

Một người bạn làm báo rất quan tâm và có nhiều quan điểm hay về giáo dục đã chia sẻ với tôi thông tin khá thú vị về cách làm ngữ liệu ở Mỹ và một số nước. Họ làm ra các tập dữ liệu sẵn cho giáo viên và đăng tải trên các trang web chính thống của cơ quan quản lý giáo dục từng bang để giáo viên và học sinh vào tham khảo. Ví dụ khi tra cứu ngữ liệu là một bài thơ đề tài tình yêu là ra hàng nghìn bài. Kho dữ liệu khá phong phú (chứ không chỉ là danh mục gợi ý mấy chục tác phẩm như trong Chương trình môn Ngữ văn mà ta đang làm) nên học sinh cũng không thể học tủ, sử dụng văn mẫu.

Theo tôi chúng ta cũng nên học theo cách này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hệ thống một bộ ngữ liệu, tài liệu học tập mở rộng và đăng tải trên web, liên tục cập nhật; các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có thể xây dựng kho dữ liệu cho riêng mình, kết nối với dữ liệu của cả nước. Với đề thi, đề kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu có một ngân hàng đề có dữ liệu đủ lớn để các địa phương có thể chọn từ đó làm đề kiểm tra cho địa phương mình cũng là điều hay để đảm bảo sự công bằng, minh bạch về đánh giá chất lượng giữa các địa phương.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Dương Khánh Toàn