Những chế độ của giáo viên thường bị một số hiệu trưởng bỏ qua

11/03/2022 06:43
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số chế độ, chính sách của giáo viên bị hiệu trưởng bỏ quên hoặc tính sai khiến thầy cô nghi vấn về đạo đức và năng lực của lãnh đạo.

Thời gian qua, trên diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nhiều bài viết liên quan đến chế độ, chính sách giáo viên nhận được sự quan tâm đông đảo của thầy cô trên cả nước.

Có thể liệt kê một số tuyến bài đáng chú ý như: Dạy học trực tuyến căng thẳng được nghỉ 1 tuần, giáo viên có phải dạy bù? ngày 28/11/2021; Hiệu trưởng nào không chi trả tiền dạy học sinh khuyết tật là sai ngày 10/1/2022; Dạy học trực tuyến, có giáo viên Thể dục, Giáo dục quốc phòng bị dừng chi chế độ ngày 27/1/2022; Nhầm lẫn quy định làm vượt giờ với dạy vượt tiết, giáo viên thiệt thòi ngày 7/3/2022.

Chế độ giáo viên cần được đảm bảo. (Ảnh mang tính minh hoạ: Lã Tiến)

Chế độ giáo viên cần được đảm bảo. (Ảnh mang tính minh hoạ: Lã Tiến)

Dạy bù, học bù, thầy trò "ngán đến tận cổ"

Theo quy định hiện hành, giáo viên, nhân viên được nghỉ dạy, nghỉ làm việc trong một số trường hợp mà vẫn được hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động. Thế nhưng, nhiều trường đề ra luật bất thành văn, giáo viên nghỉ bao nhiêu tiết thì sau đó phải bù lại bấy nhiêu tiết cho đủ theo phân phối chương trình.

Việc dạy bù, học bù khiến giáo viên và học sinh "ngán đến tận cổ" vì thường rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc các buổi trống tiết. Hai ngày ngày nghỉ cuối tuần, lẽ ra học sinh được nghỉ ngơi, giải trí, phụ việc giúp gia đình... thì các em phải đi học bù.

Học sinh nghỉ có phép thì bị mất bài, nhưng sợ nhất là rơi vào ngày kiểm tra thường xuyên, còn em nào nghỉ học không lí do coi như vắng không phép, bị đánh giá về hạnh kiểm. Có những ngày học bù cùng với chính khóa lên đến 8, 9 tiết khiến thầy trò đều rã rời.

Cũng có giáo viên am hiểu luật, phản ánh sự sai trái này nhưng hiệu trưởng không nghe, trong khi đó công đoàn trường không dám bảo vệ quyền lợi người lao động nên thầy cô chỉ biết phục tùng. Chẳng giáo viên nào dám trái lệnh lãnh đạo không dạy bù vì sợ bị quy trách nhiệm vi phạm quy chế chuyên môn, sẽ bị kỉ luật.

Có một thực tế không biết nên vui hay buồn đó là, theo ghi nhận của cá nhân người viết, nhiều trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho giáo viên được nghỉ dạy một số trường hợp theo quy định, nghĩa là thầy cô được nghỉ đúng luật.

Nhà trường vẫn thu đủ tiền học phí của phụ huynh học sinh trong những ngày nghỉ (thu tròn tháng) nhưng tuyệt nhiên không chi trả đồng nào cho giáo viên. Có thầy cô nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5 mất hết 8 tiết tăng (tiền dạy buổi 2, buổi chiều), tương đương khoảng 1 triệu đồng, cũng chỉ biết ngậm ngùi (vì hiệu trưởng không bắt dạy bù).

Hiệu trưởng quên tính, tính sai chế độ giáo viên

Trò chuyện với người viết, nhiều giáo viên ở các tỉnh thành trên cả nước cho biết, nhiều năm qua thầy cô vẫn không được nhận thù lao tiền dạy học sinh hòa nhập. Và tôi càng bất ngờ hơn khi nghe tin một số thầy cô dạy bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nhận được khoản tiền này từ năm 2018 trở về trước.

Tôi tìm hiểu thì được biết, ngày 5/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 2685/GDĐT-TC gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về thực hiện phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục.

Văn bản có nội dung, "thực hiện truy lãnh phụ cấp ưu đãi 16 tháng (gồm 06 tháng kể từ tháng 9/2015 đến tháng 02/2016 do ngừng thực hiện quyết định số 69/2011/QĐUBND ngày 07/11/2011 của Ủy ban Nhân dân Thành phố và thời gian 10 tháng kể từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018 do ngừng thực hiện Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND)."

Có giáo viên trải lòng đầy cay đắng, đến thời điểm này hiệu trưởng đã về hưu, còn học sinh cũng ra trường, rút hồ sơ, minh chứng đâu mà đòi hỏi. Trong khi đó, thầy cô 3 năm liền (2015-2018) đều dạy học sinh khuyết tật, tính ra bị mất khoản tiền vô lý khoảng hơn 7 triệu đồng, tương đương gần một tháng lương của giáo viên bậc 5.

Cùng với đó, thời gian qua đã có trường hợp giáo viên dạy môn Thể dục, Giáo dục quốc phòng an ninh bị tạm dừng bồi dưỡng chế độ khi dạy học trực tuyến khiến thầy cô không đồng tình - đã được phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Người viết cho rằng, hiệu trưởng nào tạm dừng bồi dưỡng chế độ giờ giảng của giáo viên dạy Thể dục và Giáo dục quốc phòng an ninh là sai, vì hiện tại chế độ giảng dạy của thầy cô vẫn thực hiện theo quy định hiện hành, chưa có văn bản chỉ đạo nào khác.

Quả đúng như vậy, ngày 24/2/2022, trả lời câu hỏi của cô giáo (Hà Nội) về dạy học trực tuyến (online) thì giáo viên dạy thể dục có được chi trả tiền tiết dạy thực hành hay không, Báo điện tử Chính phủ dẫn ý kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục khẳng định "chế độ bồi dưỡng được chi trả theo số tiết dạy thực hành thể dục thực tế mà giáo viên giảng dạy."

Bên cạnh đó, còn có hiệu trưởng không chi trả cho giáo viên dạy vượt quá 200 tiết/năm với viện dẫn "các hướng dẫn hiện nay không đề cập đến năm dịch bệnh". Nhưng hiệu trưởng không hiểu rằng, việc dạy vượt quá 200 tiết/năm hoàn toàn khác với 200 giờ/năm - theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nếu quy đổi, giáo viên bậc trung học phổ thông được phép dạy 267 tiết/năm (mỗi tiết 45 phút, tương đương 200 giờ) và giáo viên tiểu học dạy 300 tiết/năm (mỗi tiết 35 phút, tương đương 200 giờ). Hiệu trưởng không chi trả cho giáo viên dạy vượt giờ theo quy định của Bộ luật Lao động thì số tiền ấy đi đâu về đâu?

Lùm xùm chế độ giáo viên do tâm, tầm hiệu trưởng

Theo ý kiến cá nhân người viết và một số thầy cô dạy bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc một số chế độ, chính sách của giáo viên bị hiệu trưởng bỏ quên hoặc tính sai cho thấy lãnh đạo "có vấn đề".

Thứ nhất, về đạo đức hiệu trưởng, bên cạnh nhiều lãnh đạo tốt, có tâm với giáo dục được xã hội ghi nhận, tôn vinh thì vẫn còn đó những vị bất chấp, làm càn liệu có phải vì đồng tiền?

Dư luận dành sự quan tâm rất lớn đến đạo đức hiệu trưởng. (Ảnh: Lâm Ly)

Dư luận dành sự quan tâm rất lớn đến đạo đức hiệu trưởng. (Ảnh: Lâm Ly)

Thử tìm kiếm trên Google trang web đầu tiên xuất hiện 10 bài viết liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn: giáo viên bị "ăn chặn" tiền lương, đề nghị kỷ luật ban giám hiệu và kế toán; hiệu trưởng trường Xy bị tố chặn tiền của học sinh nghèo; hiệu trưởng, kế toán "ăn chặn" tiền của giáo viên, học sinh; xử lý hiệu trưởng để xảy ra sai phạm hơn 220 triệu đồng...

Ngày 5/3/2022, bài viết Luật đã mở, các địa phương nên phân quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng được chia sẻ trên một fanpage của giáo viên nhận được 50 bình luận. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với nội dung bài báo - cũng không ngoại trừ có người chỉ đọc nhan đề, phần nào cho thấy giáo giới ngày nay mất nhiều niềm tin vào hiệu trưởng.

Giáo giới ngày nay mất nhiều niềm tin vào hiệu trưởng. (Ảnh: Lâm Ly)

Giáo giới ngày nay mất nhiều niềm tin vào hiệu trưởng. (Ảnh: Lâm Ly)

Thứ hai, về năng lực hiệu trưởng, cũng là chuyện rất đáng bàn trong bối cảnh việc bổ nhiệm lãnh đạo không qua thi tuyển, mà do các cấp có thẩm quyền đề xuất. Hay nói cách khác, muốn giữ chức vụ lãnh đạo thì giáo viên phải nằm trong nguồn quy hoạch.

Vì hoàn cảnh, tôi phải tha phương lập nghiệp và được làm việc với nhiều đời hiệu trưởng. Tôi từng chứng kiến, có hiệu trưởng không hiểu một số văn bản (đơn giản) liên quan đến chế độ chính sách giáo viên như: nâng lương trước thời hạn, dạy vượt giờ theo định mức, chế độ thai sản giáo viên nữ...

Tuy vậy, theo tìm hiểu của tôi, không hiểu sao rất nhiều hiệu trưởng không hề giảng dạy trực tiếp nhưng vẫn được nhận phụ cấp đứng lớp 30%. Vậy, hiệu trưởng không hiểu hay cố tình không hiểu quy định này?

Điều 2 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức … quy định “mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông...".

Theo tôi, muốn chấm dứt tình trạng sai phạm của hiệu trưởng do chữ "tâm" và "tầm" gây ra, không còn cách nào khác là phải tổ chức thi tuyển lãnh đạo công khai, minh bạch. Thực tiễn cho thấy, những hiệu trưởng trúng tuyển thông qua thi tuyển đã phát huy được năng lực, sở trường trong công tác và mang lại kết quả cao cho đơn vị.

Tài liệu tham khảo:

https://hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ve-thuc-hien-phu-cap-uu-dai-doi-voi-nha-giao-truc-tiep-giang-day-nguoi/ct/41012/62904

https://baochinhphu.vn/che-do-voi-giao-vien-the-duc-khi-day-hoc-truc-tuyen-102220223142026786.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly