Học sinh vào hội đồng trường có dám phát biểu hay không, phụ thuộc hiệu trưởng

28/02/2022 06:24
Mai Lê
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi trường học có hiệu trưởng tốt, biết cách khích lệ thì học sinh dám nói thẳng, nói thật, những cảm nhận của mình.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhanh chóng đưa dự thảo đến với giáo viên cả nước.

Vấn đề học sinh là thành viên của hội đồng trường không mới, lại được nhắc đến, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, học sinh là thành viên của hội đồng trường, chỉ là hình thức. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến “Đừng nghĩ học sinh thì biết gì mà vào hội đồng trường!”.

Vậy, thực tế học sinh có dám phát biểu trung thực, khách quan, trong hội nghị nói chung, hội nghị hội đồng trường nói riêng?

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Tạp chí Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Tạp chí Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh phát biểu trong hội nghị, giáo viên "toát mồ hôi hột"

Tôi đi dạy đã hơn 30 năm, công tác qua 6 trường trung học cơ sở, làm “lính” của 9 “đời” hiệu trưởng, thấy một thực tế, học sinh có dám phát biểu trong hội nghị hay không, cũng do người hiệu trưởng nhà trường.

Hiệu trưởng mà dân chủ, vì học sinh thân yêu, gần gũi với học sinh, tôn trọng học sinh, học sinh sẽ cảm nhận được ngay, và ngược lại.

Tôi từng chứng kiến, học sinh phát biểu trong Đại hội liên đội, Hãy nghe trẻ em nói... không ít giáo viên chủ nhiệm, giáo viên được mời làm đại biểu của đại hội, toát mồ hôi hột.

Khi học sinh có hiệu trưởng tốt khích lệ, các em dám nói thẳng, nói thật, những cảm nhận của mình trong trường học.

Có em phát biểu, nói rõ giáo viên chỉ hỏi và trao đổi với học sinh đi học kèm, học thêm với thầy cô, học sinh nào không đi học kèm, học thêm, bị thầy cô ghẻ lạnh.

Cũng có em nói thật, trường mình không hạnh phúc, vì phải học thêm nhiều quá, đã học trên trường còn phải về nhà thầy cô học.

Có nhiều học sinh còn đề nghị hiệu trưởng tập cho cô giáo chủ nhiệm mình … cười, vì từ đầu năm đến giờ chưa thấy cô giáo cười khi nào cả.

Cũng có học sinh, đề nghị thầy cô mỗi sáng ôm học sinh vào lòng như trên mạng. Bên cạnh đó, có em đề xuất nhà trường cung cấp nước uống, làm thư viện ngoài trời …

Vì thế, vai trò, vị trí, uy tín của hiệu trưởng rất quan trọng với giáo viên, càng quan trọng hơn với học sinh, phụ huynh.

Học sinh cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, tiêu cực của giáo viên, của hiệu trưởng.

Khi ý kiến của học sinh được lắng nghe, được tôn trọng, học sinh sẽ hiến kế để hiệu trưởng có biện pháp quản lý nhà trường tốt hơn, đó là sự thật.

Thế nhưng, cũng có hiệu trưởng sau khi phát biểu chỉ đạo hội nghị, không hề có bất cứ học sinh hay đại biểu nào đứng lên phát biểu.

Chọn được hiệu trưởng tốt, nhà trường sẽ có tất cả

Thực tế, hiệu trưởng nào thì trường học đó. Có những hiệu trưởng khi chuyển công tác, đến trường nào thì phong trào trường đó đi lên thấy rõ, đã tốt lại càng tốt hơn, chưa tốt, dần dần cũng tiến bộ hẳn.

Ngược lại, có những hiệu trưởng đến trường nào là trường đó đi xuống rõ rệt, đang đoàn kết thành điểm nóng thưa kiện, đang dẫn đầu, từ từ tụt hạng.

Trong thực tế, có hiệu trưởng chuyển trường, học sinh và giáo viên, phụ huynh, đều luyến tiếc. Ngược lại, khi nghe tin hiệu trưởng chuyển đi, giáo viên, học sinh trường có hiệu trưởng chuyển đi “mở cờ trong bụng”.

Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu xa đồn xa không kém, ngược lại, giáo viên trường có hiệu trưởng chuyển đến đều ngao ngán.

Trong thực tế đã từng có chuyện “phụ huynh căng băng rôn phản đối thay thế hiệu trưởng” [1], yêu cầu cấp trên không chuyển hiệu trưởng cũ đi.

Theo những gì người viết quan sát được trong hơn 30 năm làm nghề giáo thì đã lên hiệu trưởng rất ít ai xuống, có những hiệu trưởng không đạt phiếu tín nhiệm khi lấy ý kiến giáo viên, nhưng vẫn “yên vị”, là một thực tế đáng buồn trong giáo dục.

Tại sao vậy? Điều này lý giải rất đơn giản, những hiệu trưởng không được giáo viên, học sinh tín nhiệm thường có “tài chạy chọt”, được lòng cấp trên, vì thế, cần có cơ chế tái bổ nhiệm cán bộ nói chung, hiệu trưởng nói riêng, thật minh bạch.

Sau mỗi năm học, cần có cơ quan độc lập, lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bất cứ hiệu trưởng nào, có tỷ lệ tín nhiệm của giáo viên dưới 60%, không nên tái bổ nhiệm.

Với hiệu trưởng không tốt, chắc chắn sẽ “Tôi thấy hội đồng trường phổ thông công lập lâu nay hữu danh vô thực”, “Hiệu trưởng trường phổ thông kiêm chủ tịch HĐT dễ chuyên quyền, độc đoán”, “Bầu học sinh vào hội đồng trường chỉ tăng hình thức, vô ích”…

Với hiệu trưởng tốt “Hội đồng trường phổ thông có vai trò rất lớn kết nối nhà trường-địa phương”, “Hội đồng trường phổ thông giúp tăng dân chủ, minh bạch, giảm thu chi tùy tiện”…

Với hiệu trưởng tốt, học sinh là thành phần của hội đồng trường, sẽ rất tốt và ngược lại, hiệu trưởng không tốt, mọi thành viên khác trong hội đồng trường cũng chỉ là hình thức, không riêng gì học sinh.

Chọn được hiệu trưởng tốt, nhà trường sẽ có tất cả, giáo viên và học sinh hạnh phúc, nhà trường sẽ hạnh phúc.

Chọn hiệu trưởng, tái bổ nhiệm hiệu trưởng, hãy dành cho giáo viên và học sinh một phần trọng trách, chắc chắn sẽ chọn được hiệu trưởng tốt, làm cho hiệu trường ngày càng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/phu-huynh-phan-doi-viec-thay-hieu-truong-doa-cho-con-chuyen-truong-707336.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mai Lê