Mỗi khi đến dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, trên các tuyến đường, con phố ở các địa phương không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán hoa, quà để người mua tặng bà, mẹ... và cô giáo. Còn tại vùng cao, hình ảnh này càng hiếm gặp và không có tại những nơi còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên tại điểm trường mầm non vùng cao của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hoà Bình chưa từng được nhận hoa hay quà.
Cô giáo Lường Thị Săm (giáo viên Điểm trường mầm non Nà Kế Hai, Trường Mầm non Hồng Thu, Sìn Hồ, Lai Châu) cho hay, nơi cô giảng dạy còn có nhiều khó khăn, dù chỉ cách trường trung tâm khoảng một cây số.
Tại địa phương, người dân bản địa đều là dân tộc Mông, bố mẹ của các bé đều đi làm xa nhà. Họ gửi con cho ông bà chăm nom. Vào những dịp lễ như 8/3, phụ huynh bận làm ăn nên cũng không có lời chúc hay hoa, quà.
Về phía nhà trường, vào chiều 8/3, nhà trường sẽ tổ chức cho các giáo viên làm bánh trôi, bánh chay để cùng nhau ngồi ăn, trò chuyện tâm sự hoặc có năm đi du xuân.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô Săm không phải là dịp 8/3, mà vào dịp 20/11.
"Tôi nhớ có năm vào dịp 20/11, nhà trường cùng trường tiểu học ở địa phương tổ chức cho học sinh đi hái hoa dại mang về bó lại tặng tôi và các cô giáo. Tôi rất cảm động, đó có lẽ kỷ niệm đẹp nhất với tôi đến giờ", cô Săm chia sẻ.
Chia sẻ về gia đình, cô Săm cho biết, chồng của cô đi làm xây dựng công trình thường phải xa nhà, nên cũng ít có thời gian quan tâm đến vợ dịp lễ, tết. Điều này khiến cô có lúc chạnh lòng nhưng cũng thông cảm cho chồng.
Nói về những khó khăn tại nơi công tác, cô Lường Thị Săm cho hay, hằng ngày, cô lái xe máy từ nhà đến trường khoảng 12 cây số. Bản thân cô khi mới đến đây công tác, cô phải học tiếng Mông để giao tiếp cơ bản với các trẻ như bảo trẻ ngồi, đứng, ăn, uống...
Để thuận tiện cho việc giảng dạy, giáo viên phải phân từng nhóm trẻ theo khả năng của các con, như nhóm trẻ chưa biết tự xúc ăn được ngồi riêng một chỗ để một mình nữ giáo viên xúc cơm.
"Một mình giáo viên nhiều khi phải xoay như chong chóng để cho các bé ăn", cô Săm chia sẻ.
Công tác tại vùng đặc biệt khó khăn với nhiều khó khăn, thiếu thốn, không khỏi khiến một số đồng nghiệp của cô Săm chạnh lòng, bỏ nghề để về quê dưới xuôi kiếm công việc mới hoặc để gần chồng, con.
Công tác tại Điểm trường mầm non Sàng Sò, nơi khó khăn nhất của xã Sủng Trà (Mèo Vạc, Đồng Văn), nơi đây vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn, cô và trò chưa có nhà vệ sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến (43 tuổi) cho hay, cuộc sống của người dân bản địa còn quá nhiều khó khăn, nên họ cũng chưa có sự quan tâm đến ngày 8/3 hay ngày 20/11.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô Xuyến nói, vào ngày 20/11/2009, cô được phụ huynh là kế toán tại một trường học tặng cô 1 bông hoa hồng.
"Đó là bông hoa hồng duy nhất tôi được nhận từ lúc vào nghề đến giờ", cô Xuyến kể.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm, trong giảng dạy, cô phải học tiếng của người dân bản địa để dạy dỗ trẻ. Bởi vậy, việc giải thích cho trẻ hiểu chi tiết về ý nghĩa ngày 8/3 hay 20/11 còn có sự hạn chế.
Khác với hoàn cảnh của cô Săm, cô Xuyến được chồng quan tâm, tặng quà cho cô vào những dịp như 8/3, 20/11... điều này giúp cô bớt chạnh lòng.
"Chồng tôi là viên chức, làm việc gần nhà, anh cũng rất tâm lý khi vào dịp lễ, anh sẽ mua quần áo để tặng tôi dù không thường xuyên như lúc yêu nhau", cô Xuyến cười nói.
Cô Nguyễn Thị Xuyến cho hay, đến nay dù cuộc sống của người khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cô rất vui vì nhiều gia đình đã quan tâm đến việc học hành của con. Họ thường sẽ tạo điều kiện cho con học hết trung học cơ sở để sau đó đi học nghề hoặc đi làm.
Công tác tại Điểm trường mầm non Pò Phấy thuộc Trường Mầm non xã Cao Lâu, Cao Lộc, Lạng Sơn đến nay đã được 4 năm, cô Đỗ Thị Thu Trang chia sẻ, người dân bản địa nơi đây chủ yếu là dân tộc Nùng và Tày. Hằng ngày, quãng đường cô phải di chuyển từ nhà đến điểm trường khoảng 30 cây số đường đồi núi.
Chia sẻ về Ngày 8/3 năm nay, cô Trang cho hay, nhà trường sẽ tổ chức hội thi "Bé yêu làn điệu dân ca" cấp trường.
"Trong dịp này, nhà trường cũng dự kiến dự cho giáo viên đi du xuân", cô Trang chia sẻ.
Nữ giáo viên nhớ lại, nếu như trước đây, cô công tác tại thị trấn, phụ huynh thường gửi lời chúc, tặng hoa, quà vào những dịp lễ, tết, còn tại vùng cao nơi đây, phụ huynh gửi lời chúc trong nhóm phụ huynh của lớp.
Theo nội dung chương trình giảng dạy, vào dịp 8/3, giáo viên sẽ hướng dẫn các trẻ làm đồ dùng như làm tấm thiệp, đính những hạt ngô, lạc thành hình bông hoa, hay đó là miếng của quả thông để ghép thành bông hoa để tặng bà, tặng mẹ, nhằm giáo dục cho trẻ nhớ đến công ơn bậc sinh thành. Còn đến dịp 20/11, giáo viên dạy các trẻ làm đồ hanmade để tri ân giáo viên.
Công tác tại điểm trường của Trường Mầm non Vầy Nưa (Đà Bắc, Hoà Bình), cô Xa Thị Hương chia sẻ, vào dịp 8/3, giáo viên thường không có quà hay hoa.
"Những năm trước, vào dịp 8/3 và 20/11, nhà trường thường kết hợp kỉ niệm ngày lễ và tổ chức sinh nhật cho giáo viên", cô Hương chia sẻ.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm, vào dịp 8/3, cô thường sẽ hướng các trẻ về ngày 8/3 thông qua tiết Âm nhạc, học thơ...
Chia sẻ về công việc khi trở về nhà, cô Hương cho hay, ở nhà, cô vẫn có các việc về giáo án, sổ sách. Khi không bận các công việc đó, cô lại tự làm các đồ dùng, dụng cụ học tập cho các bé. Để có vật liệu, cô Hương phải đi nhặt những đồ dùng ve chai, các vật liệu phù hợp để làm xoong, ấm chén, tủ, giường… cho học sinh của mình.
Để làm được những đồ vật đó, cô thường lại lên mạng tìm các video hướng dẫn dạy cách làm.
Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cô còn phụ giúp chồng chăn nuôi cá, hoặc làm thêm công việc mùa vụ như trên đường từ trường về nhà, cô kiếm mối lấy lá dong để chở về chợ gần nhà bán kiếm thêm chút tiền xăng xe hoặc chở thuê nếu ai đặt.