Nữ giáo viên mầm non 9X: Nếu lương thấp mà bỏ nghề, ai sẽ dạy trẻ em vùng cao?

25/02/2023 06:32
Mai Huệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Vì lương thấp mà bỏ nghề thì ai sẽ làm giáo viên, ai dạy trẻ mầm non nơi cao nguyên đá còn nhiều đói nghèo”, giáo viên mầm non 9X Lầu Thị Mai chia sẻ.

Một buổi sáng sương giăng đỉnh đèo, đến điểm trường Sà Lủng (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vào giờ ra chơi, chúng tôi được trò chuyện với cô giáo Lầu Thị Mai, sinh năm 1999, một mình dạy lớp ghép cho học sinh 3, 4, 5 tuổi (tổng 26 em).

Giáo viên mầm non Lầu Thị Mai cùng các em học sinh ở điểm trường Sà Lủng, Trường Mầm non Pả Vi. (Ảnh: Mai Huệ).

Giáo viên mầm non Lầu Thị Mai cùng các em học sinh ở điểm trường Sà Lủng, Trường Mầm non Pả Vi. (Ảnh: Mai Huệ).

Cô Mai chia sẻ, cuộc hôn nhân của bố mẹ không trọn vẹn nên từ nhỏ cô ở với bà ngoại, đến lớp 3 thì chuyển sang nhà cậu vì bà ngoại đã có tuổi.

Thích trẻ nhỏ nên cô Mai rất mong muốn được trở thành giáo viên mầm non. Do vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Mai xuống thành phố Hà Giang, cách nhà hơn 100km để học chuyên ngành giáo dục mầm non ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

Kết thúc 3 năm học tập ở trường cao đẳng, cô Mai làm giáo viên hợp đồng ở Trường Mầm non Pải Lủng. Sau một năm phấn đấu, cô thi đỗ biên chế và được phân công làm việc ở điểm trường Sà Lủng thuộc Trường Mầm non Pả Vi cho đến nay.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Mai nói: “Ngày xuống thành phố học, một phần vì say xe, một phần do chi phí đi lại tốn kém nên tôi chỉ về nhà vào đợt nghỉ hè và Tết.

Sau khi ra trường, tôi muốn công tác ở gần nhà để tiện chăm sóc người thân, gia đình. Và quan trọng hơn là tôi mong muốn cống hiến cho ngành giáo dục ở chính nơi tôi được sinh ra, lớn lên”, cô Mai bộc bạch.

Nữ giáo viên cùng các em học sinh trong giờ học hát. (Ảnh: Mai Huệ).

Nữ giáo viên cùng các em học sinh trong giờ học hát. (Ảnh: Mai Huệ).

Trong số các điểm lẻ của Trường Mầm non Pả Vi, điểm trường Sà Lủng có đường đi xấu nhất. Những ngày mưa, đường bê tông nhưng theo thời gian bị bào mòn, dễ trơn trượt, hẹp, một bên là vực, một bên là núi đá, có đoạn dốc cao, cô Mai chỉ có thể đi bộ đến trường, thời gian đi bộ mất hơn 1 tiếng.

"Có hôm trời mưa phải đi bộ nên đến trường muộn, thấy các em học sinh đang đứng co ro trước cửa chờ tôi mở cửa, nhìn rất thương", cô Mai chia sẻ.


Kể về sự cố trong quá trình làm việc, cô Mai nói, có một buổi học, bỗng có 2 học sinh đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, lớp đông nên cô Mai chưa kịp can ngăn thì đúng lúc đó, phụ huynh của 1 trong hai học sinh này đến trường đón con đã chứng kiến.

"Khi đó, tôi thực sự bối rối nhưng may mắn là, phụ huynh đã hiểu, thông cảm cho những vất vả trong quá trình quản lớp của cô", cô Mai nói.

Nếu chê lương thấp thì ai sẽ là giáo viên dạy trẻ?

“Những ngày đầu đứng lớp, tôi cảm thấy khá hồi hộp, lo lắng vì sợ không hoàn thành tốt công việc, trách nhiệm của một nhà giáo như: công tác chuyên môn, kinh nghiệm chưa nhiều, khó giao tiếp vì học sinh ở đây đa phần nói tiếng dân tộc, còn hạn chế về tiếng Việt", cô Mai nói.

Chia sẻ suy nghĩ trước thực tế nhiều giáo viên lựa chọn nghỉ việc, hay chuyển về đồng bằng công tác, cô Mai nói: "Nếu mình không làm thì ai sẽ làm, vì lương thấp mà bỏ nghề thì ai sẽ làm giáo viên, ai sẽ dạy trẻ mầm non nơi cao nguyên đá còn nhiều đói nghèo này”.

Học sinh điểm trường Sà Lủng chơi trò chơi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Học sinh điểm trường Sà Lủng chơi trò chơi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thu nhập của giáo viên mầm non ở mức thấp nên một số người bỏ nghề, một số chuyển về đồng bằng, hoặc khu vực có điều kiện sống tốt hơn là điều dễ hiểu.

Song, tôi lớn lên ở thôn bản nên hiểu cuộc sống trên này còn nhiều khó khăn. Tôi thích môi trường giáo dục, yêu trẻ con nên tôi nghĩ mình hợp làm giáo viên mầm non hơn bất cứ ngành nghề nào”, cô Mai tâm sự.

Ngoài trang thiết bị được cấp, điểm trường Sà Lủng hiện nay còn thiếu nhiều đồ chơi, dụng cụ dạy học nên cô Mai phải tự sáng chế. Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, cô Mai tự thiết kế đồ chơi, đồ trang trí lớp học để các em có không gian học tập tốt hơn. Ngoài kinh phí được nhà trường hỗ trợ, cô Mai tự bỏ tiền để mua sắm dụng cụ dạy học, đồ trang trí lớp.

Không chỉ làm tốt công việc ở điểm trường lẻ, cô Mai còn tích cực tham gia xây dựng, vẽ tranh trang trí tường lớp học tại điểm trường chính khi nhận đề xuất của Hiệu trưởng nhà trường.

Tranh tường cô Mai vẽ ở điểm trường chính. (Ảnh: Mai Huệ).

Tranh tường cô Mai vẽ ở điểm trường chính. (Ảnh: Mai Huệ).

Cô Mai tự thiết kế đồ trang trí lớp học ngộ nghĩnh từ các vật dụng như xốp, giấy màu... (Ảnh: Mai Huệ).
Cô Mai tự thiết kế đồ trang trí lớp học ngộ nghĩnh từ các vật dụng như xốp, giấy màu... (Ảnh: Mai Huệ).

Dạy trẻ lớn biết kèm cặp, giúp đỡ trẻ nhỏ hơn

Trong 3 nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, thì với cô Mai giáo dục vẫn là khó nhất.

“Ở điểm trường, dạy ghép lớp khó nhất là nhận thức của từng độ tuổi khác nhau nên phải xác định mục tiêu giáo dục rõ ràng.

Ví dụ, khi dạy trẻ đọc truyện, trẻ 3 tuổi chỉ cần biết tên truyện, tên nhân vật. Nhưng đối với trẻ 4, 5 tuổi, ngoài nắm được tên truyện, tên nhân vật, các em phải nhớ được nội dung cốt truyện là gì”, cô Mai cho biết.

Để nâng cao hiệu quả học tập, tăng tính tương tác, cô Mai cho trẻ chơi và học theo từng nhóm tuổi. Hoặc cũng có khi cô yêu cầu những trẻ lớn, học tốt hơn sẽ kèm cặp, giúp đỡ các trẻ nhỏ hơn cùng tiến bộ.

“Khi trẻ tự học với nhau thì sẽ làm tăng hiệu quả học tập lên rất nhiều. Với tinh thần dạy và học mọi lúc mọi nơi, nhất là trau dồi rèn luyện vốn tiếng Việt, khi các em đang chơi đùa, giải lao, tôi cũng sẽ cố gắng trò chuyện song ngữ (tiếng địa phương và tiếng phổ thông) để các em nhớ và thực hành luôn”, cô Mai chia sẻ.

Hoạt động học chữ của trẻ mầm non điểm trường Sà Lủng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hoạt động học chữ của trẻ mầm non điểm trường Sà Lủng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trẻ 5 tuổi còn một yêu cầu quan trọng là chuẩn bị sẵn sàng điều kiện vào lớp 1, cô Mai cho rằng: “Riêng đối với dạy trẻ 5 tuổi, các em cần nhận biết được 29 chữ cái tiếng Việt, 10 chữ số, biết tên, tuổi của mình và những người khác.

"Một trong những phương pháp được coi là “thần thánh” khi dạy trẻ với tôi đó là nhắc lại những gì đã được học. Tôi thường cho trẻ ôn lại, nhắc lại nội dung đã học ở mọi lúc mọi nơi có thể, để trẻ quen, nhớ lâu và nhớ nhiều hơn.

Khi ôn tập bảng chữ cái, tôi sẽ sắp xếp lộn xộn các con chữ để tránh dẫn đến việc trẻ đọc vẹt. Thường xuyên rèn cho trẻ tô nét chữ để quen tay. Chỉ tiếc rằng, cơ sở vật chất, sách vở tập tô cho trẻ 5 tuổi ở lớp không có nhiều nên điều kiện học tập của các em còn rất hạn chế, thiệt thòi", cô Mai cho biết.

Với tâm thế của một giáo viên mầm non mới ra trường còn nhiều điều phải học hỏi, trau dồi kỹ năng, cô Mai mong có đủ tình yêu trẻ, vượt qua mọi khó khăn để gắn bó lâu dài với nghề "để trẻ em đều được đến trường", từ đó cống hiến sức mình cho ngành giáo dục địa phương.

Mai Huệ