Ngoài lương thấp, đây là lý do được "điểm mặt chỉ tên" khiến GV oải mà nghỉ việc

22/08/2022 06:42
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh có 2.436 viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục nghỉ việc theo nguyện vọng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/8/2022 dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương - bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục của tỉnh có 527 giáo viên nghỉ việc. [1]

Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 14/8/2022 đưa tin, theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/6/2022 là 6177 người. Có 5.501 viên chức nghỉ việc, trong đó, lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất với 2.436 người. [2]

Vì sao viên chức ngành giáo dục nghỉ việc ồ ạt?

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin phân tích 3 lí do chính khiến giáo viên, nhân viên (ngành giáo dục) có xu hướng nghỉ việc ồ ạt kể từ năm 2022.

Thứ nhất, về chế độ tiền lương, các loại phụ cấp cho giáo viên hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho viên chức ngành giáo dục an tâm làm việc, cống hiến.

Cô N.T.K., nhân viên thư viện (viên chức) nơi đơn vị tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh) có bằng cao đẳng, làm việc 10 năm được hưởng lương 4 triệu đồng/tháng.

Cô K. làm việc giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) nên không còn thời gian làm thêm bên ngoài. Để giữ chân nhân viên, lãnh đạo tạo điều kiện cho cô K. thu tiền học buổi 2 (thu theo thỏa thuận với phụ huynh), được nhận 1% thù lao tiền công.

Ảnh minh họa: P.L

Ảnh minh họa: P.L

Một giáo viên bậc trung học phổ thông có hệ số lương 3,66 (bậc 5), thâm niên nghề 13 năm, kiêm nhiệm quản lí tổ chuyên môn (0,25% phụ cấp chức vụ), phụ cấp ưu đãi (30% đứng lớp) nhưng cũng chỉ nhận được khoảng 7,6 triệu đồng/tháng.

Hay, hiệu trưởng A của Trường Trung học phổ thông B được tuyển dụng năm 1984, có hệ số lương 4,98; lương vượt khung 16%; thâm niên nghề 35%; phụ cấp chức vụ 0,70; phụ cấp ưu đãi 30% thì được nhận tổng cộng tiền lương và bảo hiểm xã hội khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Hoặc, giáo viên bậc trung học phổ thông mới ra trường có tiền lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng; giáo viên công tác 20 năm được nhận chưa đầy 10 triệu đồng/tháng.

Ngày 25/2/2022, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Ánh cho biết hiện có khoảng 50% giáo viên trên cả nước chỉ nhận được mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, tôi đồng tình với đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, "về cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đó là một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm".

Việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế…". [2]

Tôi lấy ví dụ, giáo viên giỏi chuyên môn ở trường trung học phổ thông thường được hiệu trưởng bổ nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Lãnh đạo tổ chuyên môn muốn được bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó thì điều tiên quyết phải nằm trong diện quy hoạch.

Sau đó lãnh đạo tổ chuyên môn phải được cử đi học lớp bồi dưỡng kĩ năng lãnh đạo quản lí (6 tháng) và học trung cấp chính trị (1,5 năm) để lấy chứng chỉ và bằng thì mới đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó.

Tuy vậy, để được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó thì viên chức phải trải qua quy trình 5 bước theo quy định Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Điều đáng nói là, giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo thì không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó vì Điều 46 không đề cập đến.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/3/2022 đăng tải bài viết Một số địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng trung học phổ thông chỉ có 2-3 ứng viên. Cụ thể, thi tuyển hiệu trưởng chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) có 3 ứng viên tham gia; Trung học phổ thông Gia Hội (Thừa Thiên Huế) 2 ứng viên...

Lí do khiến rất ít ứng viên tham gia thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó là vì các rào cản như viên chức phải thuộc diện quy hoạch, có bằng trung cấp chính trị, chứng chỉ quản lí giáo dục... như đã đề cập.

Thứ ba, áp lực công việc đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội cũng khiến viên chức giáo viên nghỉ việc.

Vào thời điểm cuối tháng 11/2021, trên một diễn đàn dành cho giáo viên, có người đặt câu hỏi “Nếu được chọn lại, bạn có chọn nghề giáo không? Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đã có hơn 4 nghìn lượt trả lời câu hỏi này, trong đó số người trả lời “không” chiếm phân nửa. [3]

Đáng chú ý, sự mệt mỏi với nghề không phải bắt nguồn từ việc dạy học mà do gánh nặng sổ sách; “núi” công việc từ công tác chuyên môn đến chủ nhiệm; nội dung thi đua "chưa từng có" và áp lực từ cấp trên.

Đơn cử, bài viết "Hiệu trưởng nói gì về việc giáo viên bị trừ điểm thi đua nếu không like, thả tim" ngày 16/11/2021 trên Tạp điện tử Giáo dục Việt Nam khiến dư luận được một phen rúng động vì sự việc xảy ra ở môi trường giáo dục được thầy cô cho là "xưa nay chưa từng có".

Theo đó, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, giáo viên sẽ bị trừ điểm thi đua nếu không bấm like hay thả tim trong nhóm Zalo nội bộ của nhà trường - điều này đã được hiệu trưởng xác nhận là đúng.

Cùng với đó, không ít giáo viên thẳng thắn, dám chỉ trích những sai trái của lãnh đạo, kể cả cơ quan quản lí giáo dục (Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo) thường bị gây khó dễ, thậm chí bị trù dập khiến nhiều thầy cô không còn con đường nào khác là phải chấp nhận nghỉ việc.

Ngoài ra, giáo viên phải soạn kế hoạch bài dạy theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH dài lê thê, rối rắm khiến nhiều thầy cô cảm thấy công việc quá tải, rất mệt mỏi. Nhiều giáo viên trên cả nước phản ánh rằng, ở tỉnh thành thầy cô đang công tác yêu cầu phải soạn giáo án theo mẫu do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, không được làm khác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/dia-phuong-khong-man-ma-voi-dat-hang-dao-tao-giao-vien-truong-su-pham-len-tieng-post228815.gd

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tphcm-dinh-chinh-thong-tin-6177-ccvc-nghi-viec-trong-6-thang-119220814133202639.htm

[3] https://vietnamnet.vn/giao-vien-ap-luc-tu-be-khung-khiep-nhat-khong-phai-tien-luong-795337.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương