Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương thấp
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đồng loạt báo cáo thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại địa phương mình.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương - bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc nhiều. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2022 (từ tháng 1 đến 4/2022), toàn ngành có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống. Thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Bình Dương thiếu trên 3.000 giáo viên.
Để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục đã tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý. Ngoài ra, thực hiện giải pháp tình thế là hợp đồng ngắn hạn, rà soát những viên chức gốc sư phạm đang làm ở các vị trí khác để chuyển sang giảng dạy.
Tình trạng thiếu giáo viên đang là bài toán “cân não” với các địa phương trên cả nước, đặc biệt đội ngũ giáo viên để đáp ứng chương trình mới năm học 2022-2023. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề cập tới một thực tế hiện nay, đó là chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập; một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
“Nếu chậm, trong vài năm nữa sẽ báo động về đội ngũ giáo viên”
Bài toán thiếu giáo viên trầm trọng là vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay, giải pháp đặt hàng trường sư phạm trong đào tạo giáo viên lại không có nhiều địa phương mặn mà. Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều trường đại học đã đề nghị sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đặt hàng đào tạo giáo viên.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội (người ở giữa) phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn |
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cụ thể hóa hơn trong các giải pháp thực hiện, đồng thời “lựa chọn triển khai chọn một số việc có tính chất chủ đạo trong một năm để giải quyết”.
Đề xuất để triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu quả, Giáo sư Nguyễn Văn Minh khẳng định không chỉ mỗi Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
“Nghị định 116 là giải pháp ưu việt, là điều kiện cần, điều kiện đủ, là việc làm sau tốt nghiệp, là chế độ chính sách và cơ hội phát triển của đội ngũ giáo viên”. Giáo sư Minh nhấn mạnh, nếu chậm thực hiện, “trong vài năm nữa sẽ báo động về đội ngũ giáo viên”.
Ngoài ra, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm các giải pháp căn cơ và bền vững để vực lên tình hình giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên…
“Trong điều kiện hiện tại, sự phân hóa giàu nghèo, việc lựa chọn môi trường công tác thuận lợi hơn, nên chăng cần có những giải pháp cụ thể để có thể có đội ngũ giáo viên ở các vùng khó khăn”, thầy Minh nêu.
Đồng tình với đề xuất này, Phó giáo sự Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế mong muốn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực tế triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, Phó giáo sư Lê Anh Phương cũng đã chỉ ra một số bất cập ở các cơ sở giáo dục hiện nay về đào tạo đội ngũ giáo viên.
“Hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong thời gian vừa qua chúng ta làm tốt rồi nhưng thời gian thực hiện còn quá ngắn, nếu có chỉ đạo giao cho các trường đại học sư phạm triển khai thực hiện, tôi nghĩ việc này sẽ thành công và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi", thầy Phương nói.
Từ thực tế trên, lãnh đạo 2 trường đại học đều mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/2/2021 về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn |
Chỉ đạo liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động kết nối chặt chẽ với các địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật số liệu về các nguồn lực của ngành từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, trường, lớp, dân số từng địa phương,... để nhanh chóng nắm được tình hình thừa thiếu giáo viên ở từng địa phương, từ đó có tham mưu, đề xuất, phối hợp với các địa phương giải quyết hiệu quả việc này.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra một số giải pháp như: thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ;
Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định sẽ thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.