Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024 - 2025. Theo đó, kỳ thi năm nay có tổng cộng 3.803 thí sinh đoạt giải, chiếm 58,68% tổng số thí sinh dự thi. So với năm học 2023-2024, số thí sinh đoạt giải tăng 452 em.
Đáng chú ý, nhiều tỉnh miền núi ghi nhận kết quả ấn tượng như: Lào Cai (71 giải), Tuyên Quang (56 giải), Yên Bái (57 giải), Điện Biên (22 giải), Lạng Sơn (34 giải), Lai Châu (17 giải), Sơn La (34 giải)... Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các tỉnh này vẫn gặp không ít khó khăn.
Nhiều học sinh miền núi đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025, tỉnh Lai Châu đạt 17 giải (tăng 4 giải so với năm học 2023-2024) ở 8 môn dự thi (Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Tiếng Anh). Đây là năm học tỉnh Lai Châu đạt nhiều giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia nhất từ khi chia tách, thành lập tỉnh cho đến nay.
Để đạt được thành tích cao trong kỳ thi này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã chủ động chuẩn bị và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh tham gia thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Theo đó, căn cứ kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024, sở đã chỉ đạo các trường có học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh tiếp tục bồi dưỡng các em tham gia kỳ thi chọn đội tuyển tham gia bồi dưỡng và thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Sở đã tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển từ sớm (tháng 5/2024) và ban hành quyết định thành lập các đội tuyển để thực hiện công tác bồi dưỡng cho các em ngay khi đội tuyển được thành lập.
Sở chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể đối với từng đội tuyển (8 đội tuyển tương ứng với 8 môn); đẩy mạnh công tác phối hợp với trường trung học phổ thông chuyên các tỉnh trong công tác bồi dưỡng đội tuyển và mời chuyên gia tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng cho giáo viên nâng cao chuyên môn.
Trong quá trình bồi dưỡng, lãnh đạo sở cùng phòng chuyên môn luôn quan tâm chỉ đạo, nắm bắt tình hình bồi dưỡng của các đội tuyển để động viên, khích lệ các thầy, cô giáo và các em học sinh.
Trong khi đó, bà Phan Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho hay, năm học 2024-2025, tỉnh Lạng Sơn có 34 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông. Trong đó có 4 giải Nhì, 9 giải Ba và 21 giải Khuyến khích. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của thầy cô, học sinh và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục tỉnh.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, để đạt được thành tích cao dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã tập trung vào các giải pháp cụ thể:
Phát hiện và tuyển chọn học sinh tiềm năng sớm: Sở phối hợp với các trường để tổ chức các kỳ thi chọn lọc ngay từ cấp cơ sở.
Chương trình ôn tập chuyên sâu: Xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học, phân loại học sinh theo năng lực để bồi dưỡng chuyên biệt.
Mời chuyên gia giảng dạy: Hợp tác với các giáo viên, giảng viên giỏi trong và ngoài tỉnh để ôn luyện cho học sinh.
Hỗ trợ tối đa đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất, từ tài liệu học tập, thiết bị, đến chế độ chính sách cho học sinh các đội tuyển.
Với tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thông tin, với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025, tỉnh Điện Biên có 22 học sinh đạt giải. Trong đó có 1 giải Nhất; 4 giải nhì; 6 giải Ba và 11 giải Khuyến khích, 10/10 môn dự thi đều có giải.
Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thông tin: Ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Sở đã thành lập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025 và chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tổ chức công tác bồi dưỡng và ôn luyện cho các em học sinh.
"Sở đã chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể theo từng giai đoạn, phù hợp với mục đích bồi dưỡng của từng đội tuyển.
Ngoài ra, các đội tuyển được tạo điều kiện đi học, ôn tập với học sinh tại các trường chuyên lớn hay tham gia các kỳ thi để thầy cô và các em học sinh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Vào giai đoạn ôn tập nước rút, học sinh được ở khu tập trung đảm bảo về chỗ ăn uống, nghỉ ngơi, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em ôn luyện đạt kết quả cao”, ông Đoạt thông tin.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi chính thức ngay từ đầu năm học. Căn cứ vào kết quả thi này, sở tiến hành công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, từ đó, ổn định tâm lý để các em có thể toàn tâm toàn ý học tập, ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông.
Về đội ngũ giáo viên thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ông Đoạt cho biết, sở tuyển chọn giáo viên từ các trường trong tỉnh về công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên chuyên Lê Quý Đôn. Đội ngũ giáo viên được tham gia học tập, bồi dưỡng tại các tỉnh có nhiều thành tích cao trong công tác bồi dưỡng ôn luyện học sinh giỏi
“Trước khi kỳ thi diễn ra, sở tổ chức cho lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở, ban giám hiệu và giáo viên cốt cán của Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Song song với đó, sở cũng tạo cơ hội cho học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn tham gia trại hè tại các trường chuyên lớn, đồng thời khuyến khích phụ huynh học sinh tạo điều kiện để các em tham gia các khoá bồi dưỡng ngoài trường học”, ông Đoạt nói.
Trong khi đó, học sinh tại tỉnh Lào Cai đạt 71 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025 (tất cả giải thưởng đều đến từ học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai).
Thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết, năm học 2024-2025, thành tích của trường tăng 8 giải so với năm học 2023-2024. Đây cũng là thành tích cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử giáo dục của Lào Cai. Để đạt được thành quả này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên và học sinh nhà trường.
Theo đó, để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo nhà trường chọn lựa, bồi dưỡng và thành lập 10 đội tuyển với tổng số 100 học sinh ở các môn thi.
“Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và là sứ mệnh của nhà trường. Trường thành lập các đội tuyển ngay từ khi các em mới vào lớp 10. Học sinh được bồi dưỡng và ôn luyện hàng năm, đồng thời tham gia các kỳ thi sát hạch với các trường chuyên trong khu vực. Các lớp bồi dưỡng được nhà trường sắp xếp tổ chức riêng vào các buổi chiều với chương trình ôn tập được điều chỉnh tiệm cận với cấu trúc của đề thi các năm”, thầy Xuân chia sẻ.
Đối với việc bồi dưỡng, ôn tập cho đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh và tiếng Trung, thầy Xuân thông tin thêm, giáo viên tiếng Anh tại trường đều có trình độ thạc sĩ, học tập từ các quốc gia như Anh, Úc, trong khi giáo viên tiếng Trung được đào tạo trực tiếp tại Trung Quốc.
Ngoài ra, trường cũng phát động phong trào học ngoại ngữ một cách rộng rãi khi giảng dạy các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học bằng tiếng Anh. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường học tập sáng tạo mà còn thúc đẩy khả năng giao tiếp ngoại ngữ của học sinh.
“Các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường như chương trình trao đổi học sinh với Trung Quốc và Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của học sinh, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, đồng thời nâng cao thành tích của nhà trường”, thầy Xuân thông tin.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các tỉnh miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nhận định, với tính chất là tỉnh nằm cách xa thủ đô Hà Nội, các trường đại học và các trường chuyên có uy tín trong cả nước, đội ngũ giáo viên, học sinh tại tỉnh Điện Biên ít có cơ hội học tập với các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý tại các trường trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo của các trường chuyên có bề dày thành tích.
Về chương trình bồi dưỡng, các trường trung học phổ thông tại tỉnh Điện Biên chưa có nội dung chương trình chuẩn để bồi dưỡng học sinh giỏi. Hiện nay, giáo viên ôn luyện cho đội tuyển vẫn phải tự soạn chương trình dạy theo kinh nghiệm của bản thân, đồng thời, tự nghiên cứu và sưu tầm tài liệu giảng dạy. Trong khi đó, đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia ngày càng yêu cầu cao hơn với nhiều kiến thức mới cần được cập nhật liên tục.
Cùng trao đổi về những khó khăn còn tồn đọng, theo bà Phan Mỹ Hạnh, điều kiện kinh tế của các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, vì vậy, việc tiếp cận các tài liệu chuyên sâu, đặc biệt là các tài liệu quốc tế hoặc tài liệu từ các kỳ thi cấp quốc gia mới nhất còn chậm. Song song với đó, giáo viên có năng lực dạy đội tuyển học sinh giỏi ở một số bộ môn còn thiếu, đôi khi gặp khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại do hạn chế về thời gian và cơ hội đào tạo.
“Một số học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa, dù rất nỗ lực nhưng các em vẫn gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường học tập tại trường chuyên. Sự chênh lệch này đôi khi khiến giáo viên phải mất nhiều thời gian để cân bằng chất lượng trong lớp bồi dưỡng.
Trong quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi, nhiều học sinh phải cân đối giữa học tập văn hóa và ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Một số em gặp khó khăn trong việc duy trì động lực vì chương trình bồi dưỡng kéo dài với cường độ cao.
Ngoài ra, một số môn học như Vật lí, Hóa học và Sinh học đòi hỏi thiết bị thí nghiệm hiện đại. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư hiện nay chưa đáp ứng đủ. Cơ sở vật chất ở các khu nội trú, ký túc xá còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt và học tập của học sinh”, bà Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, từ thực tế tại tỉnh Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn chỉ ra một số khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đến từ nguồn tuyển chọn học sinh, nguồn kinh phí, chất lượng đội ngũ giáo viên.
Cụ thể, nguồn tuyển chọn học sinh tham gia các đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi còn hạn chế, chủ yếu là học sinh đến từ trường trung học phổ thông chuyên trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí phục vụ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia tuy đã được sở giáo dục và đào tạo tỉnh quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn hẹp và chưa huy động được các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, phần lớn giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi phải vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy đại trà, vừa hoàn thành chỉ tiêu về chất lượng mũi nhọn và công việc kiêm nhiệm, khiến việc đầu tư vào công tác bồi dưỡng học sinh giỏi bị hạn chế. Công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh giỏi cũng đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh đó, trách nhiệm nặng nề và áp lực công việc lớn cũng là những khó khăn mà các thầy cô giáo gặp phải khi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai nhấn mạnh, nguồn tuyển học sinh giỏi ở các tỉnh đồng bằng thường dễ dàng hơn so với các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên,... gặp nhiều khó khăn do dân số ít, địa hình phân tán và việc tiếp cận học sinh từ các huyện xa cũng không dễ dàng. Điều này dẫn đến thách thức lớn trong việc tuyển chọn sinh học sinh giỏi cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giáo viên tại các tỉnh miền núi chủ yếu là thầy cô giáo trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hầu hết các thầy cô vừa giảng dạy vừa phải tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.
Cơ chế chính sách hỗ trợ công tác bồi dưỡng đội tuyển còn nhiều hạn chế. Các kinh phí hỗ trợ như khen thưởng hay học bổng cho học sinh giỏi tuy có nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Chính sách hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy đội tuyển cũng chưa nhiều, khiến công tác bồi dưỡng gặp khó khăn về cả nguồn lực cho học sinh lẫn giáo viên.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp giảng dạy
Trước những khó khăn còn tồn đọng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, để duy trì và nâng cao chất lượng học sinh giỏi trong những năm tiếp theo, sở ưu tiên xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy, kế hoạch tổng thể về đào tạo giáo dục mũi nhọn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cũng sẽ được tăng cường qua công tác bố trí các phòng học mới đáp ứng đủ tiêu chuẩn, giúp học sinh tiếp cận nhanh chóng với kiến thức và nguồn tài liệu phong phú từ các chuyên gia, giảng viên giỏi của các trường đại học có uy tín.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sở giáo dục và đào tạo tỉnh chú trọng kết hợp việc tự bồi dưỡng giáo viên và tăng cường giao lưu học hỏi giữa các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, có cơ chế hợp lý để động viên giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, khen thưởng những học sinh đạt thành tích cao để khích lệ các em.
Tại tỉnh Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát hiện học sinh có năng lực để tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh, từ đó, tạo nền móng cho việc lựa chọn học sinh tham gia cấp quốc gia.
Sở cũng chủ trương đổi mới phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó, tăng cường rèn luyện kỹ năng cho học sinh, đồng thời, tiếp tục phối hợp với các trường trung học phổ thông chuyên và các chuyên gia trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng cũng như gia tăng tỷ lệ học sinh đạt giải như:
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, tiếp tục tạo cơ hội học tập và giao lưu, học tập với các tỉnh thành có thành tích cao.
Đẩy mạnh công tác sinh hoạt chuyên môn theo hướng thảo luận những chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi; chú trọng việc hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu và thực hiện kiểm tra, đánh giá những nhiệm vụ giao cho học sinh.
Khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu, nghiên cứu khoa học và các sân chơi trí tuệ để phát triển tư duy.
Bảo đảm cho học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, giảm bớt áp lực tài chính cho các gia đình khó khăn.
Ngoài ra, bà Phan Mỹ Hạnh cho biết, sở có kế hoạch xây dựng và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đẩy mạnh công tác truyền thông về tấm gương tiêu biểu trong bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm khích lệ đưa phong trào học tập ngày càng đi lên. Cùng với đó, sở sẽ thực thiện công tác tuyên truyền và xã hội hóa đầu tư cho công tác ôn thi học sinh giỏi.
Đối với Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai, thầy Ngô Thanh Xuân khẳng định: “Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn đang được nhà trường thực hiện đều và xuyên suốt trong năm. Nhà trường sẽ nỗ lực không ngừng để duy trì và nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo với mục tiêu không chỉ duy trì thành tích mà còn cải thiện cả về số lượng và chất lượng giải thưởng”, thầy Xuân nói.
Hiện tại, để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025 đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học (dự kiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 3/2025), Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai đã gấp rút triển khai và trao đổi với 2 tổ bộ môn Toán và Tin học để có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng phù hợp cho học sinh tham dự kỳ thi này.