Kỳ vọng Nhà nước có chính sách đặc biệt phát triển khối ngành Nông-Lâm-Thủy sản

01/02/2025 06:26
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản ngày càng tăng, những chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người học, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục cải tiến phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, cũng như phát triển chương trình đào tạo phù hợp với xu thế mới.

Nhiều tín hiệu tích cực cho khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tiến - Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp không thể bị bỏ qua, dù cho đất nước có phát triển mạnh mẽ trong các ngành thương mại hay du lịch.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2023, lao động tại khu vực nông thôn chiếm 62,7% tổng số lao động toàn quốc, tương đương 32,9 triệu người, trong khi lao động ở thành thị chỉ chiếm 37,3%.

Ngành Nông Lâm đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Hiện nay, do số lượng học sinh đăng ký vào ngành này còn ít, đây là cơ hội lớn cho những học sinh dám thử sức trong lĩnh vực Nông Lâm, đặc biệt là các em có học lực khá, giỏi, bởi cơ hội nhận học bổng và du học nước ngoài rất cao.

Với biến đổi khí hậu và sự gia tăng khí nhà kính hiện nay, ngành Lâm nghiệp càng có vai trò quan trọng, thu hút nhiều dự án về tín chỉ carbon.

Một tín hiệu tích cực cho ngành là cam kết của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây là cơ hội để ngành Lâm nghiệp có thể tham gia vào việc bán tín chỉ carbon và phát triển nhiều dự án liên quan, cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao”.

z6243262123171_812a1da6cc8416683725bf0176e880ee.jpg
Sinh viên ngành Lâm sinh đi thực tập tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Tiến, tại Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Trung tâm học tập về Trung hoà phát thải và Bền bỉ với khí hậu ở miền Bắc Việt Nam (LEARN-VN) đang được xây dựng với sự tài trợ của Tổ chức Bánh mì thế giới, tạo cơ hội cho sinh viên nghiên cứu, học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn duy trì sự phát triển mạnh mẽ, đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu.

Bàn luận về triển vọng của ngành Thủy sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ: “Với sự gia tăng dân số toàn cầu và sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, ngày càng nhiều người chọn thực phẩm chú trọng vào sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm thuỷ hải sản giàu omega-3 và protein.

Lợi thế này mang lại cho ngành Thủy sản Việt Nam một triển vọng phát triển mạnh mẽ trong năm 2025. Không chỉ có nhiều loài thủy sản mới giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn có sự áp dụng của các công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học và Internet vạn vật (IoT)… trong nuôi trồng thủy sản, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang mở rộng, tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Thủy sản đang thiếu hụt nghiêm trọng”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài chia sẻ, một tín hiệu tích cực gần đây là số lượng sinh viên theo học ngành Thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có có xu hướng tăng. Nhưng con số vẫn chưa đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo lĩnh vực này, số sinh viên theo học hiện tại có thể nói chưa tương xứng vị thế của ngành và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực thuỷ sản, các trường đại học đã nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo thông qua nhiều dự án đầu tư của Chính phủ, cơ quan quản lý trực tiếp và các nguồn vốn quốc tế, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo và tích cực đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh truyền thông về ngành và cung cấp nhiều học bổng cũng góp phần thu hút sinh viên theo học ngành này.

5fbfc1d38a8b29d5709a-699-7868-6083.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài (áo xanh dương) hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Mong mỏi có nhiều chính sách thu hút nhân lực trẻ

Với 25 năm kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư Lâm nghiệp đang làm việc trong ngành, thầy Tiến thấy nhiều học trò đã thực sự trưởng thành và trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương.

Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với những thách thức, đặc biệt là việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao.

Mặt khác, đầu vào tuyển sinh hiện nay khá thấp do phần lớn học sinh đến từ các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nơi điều kiện học tập còn khó khăn. Để hội nhập và tham gia vào các dự án quốc tế, người học cần nỗ lực rèn luyện chuyên môn và ngoại ngữ.

“Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không mà Chính phủ đã cam kết, tôi cho rằng cần có những chính sách đặc biệt nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Nông Lâm nói chung và ngành Lâm sinh nói riêng, chẳng hạn như miễn học phí cho người học” - thầy Tiến cho hay.

Còn theo thầy Hoài, Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu trong giai đoạn 2030-2045 đưa kim ngạch xuất khẩu ngành Thủy sản lên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành thủy sản đang ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có chính sách để đào tạo đội ngũ đủ về số lượng và chất lượng trong thời gian ngắn tới, có thể gây ra nhiều hệ lụy có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề lớn là việc học sinh và phụ huynh chưa có đầy đủ thông tin về tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp trong các ngành truyền thống như ngành thuỷ sản, cũng như xu hướng chọn các ngành “hot” như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, logistics và ngôn ngữ Anh…

Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn định kiến cho rằng các ngành kỹ thuật truyền thống có ít triển vọng nghề nghiệp hoặc thu nhập thấp hơn so với các ngành khác. Do vậy, cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút và khuyến khích sinh viên theo đuổi những ngành này.

Những yếu tố khách quan này là những thách thức khó có thể thay đổi ngay lập tức, nhưng chúng ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn ngành của sinh viên, dẫn đến tình trạng giảm số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành kỹ thuật truyền thống, trong đó có ngành Thuỷ sản.

ths-benh-hoc-ts-3362-3821.jpg
Sinh viên Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường.

Ngoài nỗ lực của các đơn vị đào tạo ngành Thủy sản, thầy Hoài cũng hy vọng sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành liên quan. Điều này đặc biệt cần thiết không chỉ cho ngành thủy sản mà còn cho các ngành kỹ thuật truyền thống và chủ chốt của nền kinh tế, nhằm gia tăng số lượng sinh viên theo học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực duy trì để phát triển ổn định.

Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ để thu hút những học sinh giỏi và xuất sắc theo học ngành này. Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan nên xem xét xây dựng cơ chế cử tuyển, đặc biệt là cho học sinh đến từ 28 tỉnh ven biển, nhằm cung cấp nguồn nhân lực thủy sản cho các tỉnh này.

Thêm vào đó, cần có chính sách hỗ trợ học bổng, miễn, giảm học phí cho các ngành đặc thù như đã thực hiện với sinh viên ngành Sư phạm cũng là một giải pháp hợp lý để động viên và thu hút sinh viên theo học.

“Đối với các đơn vị và doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, cần có sự “cùng nhau” trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng với các trường đại học.

Điều này sẽ giúp hình thành các chương trình hợp tác sâu rộng hơn trong công tác tuyển sinh, truyền thông, và hỗ trợ học bổng, học phí, bên cạnh việc sắp xếp vị trí thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Lý do tôi nhấn mạnh từ “cùng nhau” là vì thực tế cho thấy một số doanh nghiệp lớn trong ngành Thuỷ sản đã nhận thức được vấn đề nguồn nhân lực và quyết tâm vào cuộc, tài trợ kinh phí để hỗ trợ đào tạo.

Tuy nhiên, không ít lần nguồn nhân lực sau tốt nghiệp lại không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, thường bị “chèo kéo” bởi các đơn vị tuyển dụng không hoặc ít hỗ trợ trong công tác đào tạo, điều này tạo ra tâm lý e ngại của một số đơn vị tuyển dụng có tâm với ngành.

Do vậy, cần có sự kết nối nhiều doanh nghiệp liên quan và mạng lưới hợp tác hiệu quả hơn giữa các trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này, nhằm tạo ra một nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để đóng góp vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp nói riêng và ngành Thủy sản nói chung trong thời gian tới” - thầy Hoài bày tỏ.

Trần Trang