Nên xem học bạ chỉ là tiêu chí phụ, bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác

16/01/2024 06:38
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong tuyển sinh đại học, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học top đầu nói không với việc xét tuyển bằng học bạ. Điều này vấp phải một số ý kiến trái chiều của dư luận, có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến phản đối.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục phổ thông chưa đồng đều, nên việc cho điểm kiểm tra, đánh giá ở mỗi cơ sở khác nhau. Nếu chỉ dựa vào kết quả học bạ 3 năm trung học phổ thông là thiếu công bằng với nhiều học sinh.

Chất lượng không tương đương với điểm số

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Việc bỏ xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông là một quyết định đã dựa trên sự cân nhắc nhiều chiều, đây có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đó cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực thay vì chỉ học để được điểm cao.

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Thực tế, điểm học bạ chưa phản ánh được thực chất năng lực người học. Có thể thấy trong một vài năm trở lại đây, các trường đại học tuyển được những sinh viên có đầu vào rất cao ở mức 27 - 28 điểm. Tuy nhiên kết quả học tập bậc đại học trong hai năm đầu tiên của những sinh viên này không tương quan với kết quả xét học bạ.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Thực tế có một số tình trạng đang diễn ra như “sửa điểm, sửa học bạ”, chưa kể việc chấm điểm tại các cơ sở giáo dục chưa thật sự chính xác do chất lượng dạy học, đánh giá của các trường khác nhau.

“Qua những mùa tuyển sinh của các năm học trước, có thể thấy điểm trung bình học bạ của học sinh cao hơn điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chưa kể những ngành học “hot" được dùng để xét tuyển học bạ có điểm chuẩn luôn ở mức khá cao.

Đã có những trường đại học khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy rõ ràng, việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27-29 là không công bằng và chưa đủ độ tin cậy”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, những năm tiếp theo xu hướng tuyển sinh bằng học bạ sẽ có sự phân cực nhất định. Đối với những trường khó tuyển sinh cần phải tuyển sinh “vét" sẽ tăng xét tuyển bằng học bạ, mở ra rất nhiều cơ hội cho người học. Tuy nhiên trường cũng phải đối diện với việc tuyển không đúng người học và sinh viên sẽ có kết quả học tập không tương xứng.

Lo ngại “lạm phát" điểm số

Chia sẻ những lo ngại về độ tin cậy, nảy sinh tình trạng các trường trung học phổ thông “làm đẹp” học bạ cho học sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng: Xét tuyển bằng học bạ có thể mang đến một số lợi ích như thí sinh sẽ cảm giác không phải đối diện với các kì thi và có thể tích luỹ đánh giá năng lực qua một khoảng thời gian. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đại học dựa vào kết quả học bạ cần quan tâm đến 2 chỉ số như độ tin cậy và độ hiệu lực.

Thực tế hiện nay, có thể với những học sinh có cùng 1 hệ số điểm như nhau nhưng năng lực hoàn toàn khác nhau bởi còn phụ thuộc vào chất lượng dạy học, đánh giá của các trường trung học phổ thông ở các địa phương. Thậm chí mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất của từng trường đều khác nhau, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Điều này dẫn đến điểm học bạ chưa đánh giá đúng được năng lực của học sinh.

Bên cạnh đó, những học sinh xác định đi du học cần điểm GPA, điểm tiếng anh cao, các thầy cô cũng tạo điều kiện, hay các em có học lực kém nhưng được nhà trường “nâng đỡ, nương tay” để thuận lợi tối đa cho du học hoặc vào các trường top đầu trong nước.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, trên thế giới đã có nhiều quốc gia, nhiều trường đại học áp dụng tuyển sinh bằng học bạ. Xét tuyển vào đại học dựa vào kết quả học bạ thực tế không phải là “sáng kiến” mới ở Việt Nam hay của các trường Việt Nam. Tuy nhiên, cần so sánh điều kiện thực tế tại Việt Nam và các nước nói trên.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Thực tế hiện nay, tình trạng “xin điểm”, can thiệp vào điểm số vẫn còn xuất hiện. Xét tuyển đại học đòi hỏi sự cạnh tranh, có khi, thí sinh chỉ hơn nhau 1/4 điểm đã quyết định việc đỗ hay trượt.

Do đó, không thể tin cậy kết quả học bạ để đưa vào một kỳ tuyển sinh mang tính chất chọn lọc rất chặt chẽ. Điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho các phương thức xét tuyển đại học khác.

Thêm tiêu chí đánh giá, siết chất lượng tuyển sinh đầu vào

Việc các trường đại học cần có thêm các tiêu chí đánh giá, các bài thi khác để đánh giá chính xác hơn chất lượng đầu vào là cực kỳ cần thiết. Học bạ chỉ là điều kiện cần để đánh giá cả một tiến trình học tập và phát triển năng lực của học sinh.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng: Điểm học bạ chỉ đánh giá mức độ mà học sinh đạt được ở chương trình giáo dục phổ thông, chứ không đánh giá được cá nhân hoá năng lực chuyên biệt phù hợp với từng ngành nghề.

Do đó, các trường đại học top trên nên tổ chức đánh giá năng lực để đánh giá học sinh về năng lực tư duy định lượng và định tính. Ngoài ra, cần kết hợp phương pháp phỏng vấn kiểm tra lại năng lực của sinh viên, tránh việc chỉ đánh giá bằng điểm số.

“Sự thành công của 1 sinh viên khi tham gia chương trình học không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà còn phụ thuộc vào phẩm chất. Hiện nay, chúng ta thường nói tư duy phản biện nhưng chưa có cách đánh giá được tư duy phản biện, hay đánh giá sự sáng tạo cũng chưa có tiêu chuẩn để đánh giá. Để giúp cho một cá nhân thành công thì chưa có phương pháp nào đến thời điểm hiện tại đánh giá những phẩm chất này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương bày tỏ: “Hiện nay phương thức xét tuyển vào các trường đại học khá đa dạng. Các trường không chỉ áp dụng một phương thức xét tuyển duy nhất mà cần có ít nhất 3 phương thức xét tuyển, trường nhiều thì 5, 6 phương thức để thí sinh có nhiều cơ hội đăng ký vào các trường cũng như đảm bảo được chất lượng đầu vào của trường”.

Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Website Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Website Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Còn theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh có thể gây nên nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm và hệ quả là khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh cũng như gây nên tình trạng thiếu công bằng trong xét tuyển.

"Thay vì dùng học bạ để xét tuyển, các trường đại học nên điều chỉnh, coi học bạ là một tiêu chí phụ để bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác thì sẽ hợp lý hơn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ.

Thu Trang