Năm thứ 3 tự chủ chi thường xuyên nhưng học phí vẫn giữ như khi chưa tự chủ

10/05/2023 06:34
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chính sách về học phí cần được công bố cụ thể từ đầu năm học, để các trường có kế hoạch cho các hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo quy định hiện hành, cơ sở giáo dục đại học trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, vì thế, dù Nghị định này đã có hiệu lực nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, năm học 2021-2022 các trường đại học giữ nguyên mức học phí như năm học 2020 - 2021.

Bước sang năm học 2022 - 2023, sau khi các trường đã công bố mức học phí và triển khai thu học phí, ngày 20 tháng 12 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022. Thực hiện Nghị quyết này, hàng loạt trường đại học đã tăng học phí phải tiến hành hoàn trả lại cho sinh viên.

Đến nay, dù đã sắp bước vào năm học mới, nhiều trường đại học vẫn đang băn khoăn về phương án xây dựng mức học phí.

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, quy định học phí cần phải có sớm để tránh tình trạng điều chỉnh, hoàn trả sau khi thu, gây khó khăn cho các trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Doãn Nhàn

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường cũng đã xây dựng mức học phí theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, được Hội đồng trường thông qua và tiến hành thu học phí của sinh viên. Đến cuối năm 2022, Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các trường giữ nguyên mức học phí như năm học trước để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng hành cùng chính phủ trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc, thực hiện thu học phí như năm học 2021-2022, thực hiện khấu trừ, hoàn trả lại tiền cho sinh viên.

Tuy nhiên, với một cơ sở tự chủ chi thường xuyên bắt đầu từ năm 2021 như Trường Đại học Y dược Thái Bình, việc 2 năm liên tục không tăng học phí cũng khiến trường gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ giảng viên, nhân viên trong trường bị ảnh hưởng.

“Hiện với các trường đại học, nguồn thu chủ yếu là từ học phí, các nguồn thu khác chiếm một tỉ trọng nhỏ. Vì vậy việc cân đối bài toán thu chi, tính toán cho thực hiện đổi mới, đầu tư phát triển là một vấn đề nan giải.

Nhà trường đã bước sang năm thứ 3 thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng học phí vẫn giữ ở mức như thời kỳ chưa tự chủ, nhà trường phải rất cố gắng tiết kiệm, cân đối thu chi để đảm bảo cho các hoạt động, kế hoạch, nhưng việc này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, tâm lý của cán bộ và các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển của trường”, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến trăn trở.

Lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường đang dự kiến thực hiện xây dựng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đối với đơn vị tự chủ chi thường xuyên thuộc Khối ngành Y dược (VI.2).

Thực hiện tự chủ đại học đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, tài chính đang là vấn đề khó khăn với nhà trường khi hai năm qua học phí của Nhà trường vẫn giữ nguyên như khi chưa thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến mong muốn được Chính phủ hỗ trợ cho nhà trường trong việc thực hiện Nghị quyết 165 thông qua việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2022 -2023 đã quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, để giảm bớt phần nào khó khăn tài chính cho Nhà trường cũng như thể hiện sự quan tâm của Chính phủ không chỉ đối với người dân mà còn cả các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.

Đồng thời, thầy Tiến cũng đề xuất chính sách về học phí cần được công bố cụ thể từ đầu năm học, để các trường có kế hoạch cho các hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo đời sống cho cán bộ, giảng viên.

Tiến sĩ Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Ảnh: Website Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định

Tiến sĩ Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Ảnh: Website Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, các trường đại học công lập thực hiện xây dựng học phí và thu học phí theo quy định của Chính phủ.

Theo lộ trình của Nghị định 81/2021, năm học 2022 – 2023 nhà trường cũng đã tăng học phí, tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 165 của Chính phủ, trường đã tiến hành hoàn trả lại cho sinh viên.

“Đối với năm học 2023 – 2024, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Chính phủ chưa có chỉ đạo cụ thể nào, có lẽ các trường sẽ căn cứ theo Nghị định 81 để xây dựng học phí”, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh cho biết.

Lãnh đạo Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho rằng, trải qua 2 năm học chịu ảnh hưởng tác động của dịch bệnh, các trường đã đồng hành chia sẻ với người học và không tăng học phí, cũng vì vậy, hầu hết các trường đều rơi vào khó khăn chung về bài toán kinh phí cho hoạt động đào tạo, đầu tư phát triển.

Chính vì vậy, thời gian tới cần cho các trường điều chỉnh mức học phí phù hợp với tình hình thực tế.

Nếu thời gian tới, không được xây dựng lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81, các trường sẽ gặp nhiều khó khăn, ví dụ như khó khăn về chi phí cho các hoạt động đào liên kết với các đơn vị, hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,…

Về vấn đề học phí cho năm học mới, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường đã công bố công khai mức học phí cho năm học 2023 -2024, nhà trường giữ nguyên mức học phí như năm học trước.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

“Hiện nhà trường là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, việc không tăng học phí cũng có những khó khăn, áp lực về kinh phí. Tuy nhiên, khi xây dựng học phí, chúng tôi phải căn cứ vào nhiều yếu tố, ví dụ như nền kinh tế hiện nay cũng chưa thực sự phát triển sau đại dịch, hoàn cảnh gia đình người học nhiều em còn khó khăn, nếu tăng học phí nữa sẽ nhiều em khó có cơ hội theo đuổi con đường học tập,.... Chính vì vậy, nhà trường cũng phải tính toán, cân nhắc đến vấn đề này, xây dựng mức học phí vừa phải.

Mỗi trường sẽ có sự lựa chọn mức học phí khác nhau, và trong mỗi trường đại học thì mức học phí từng ngành cũng khác nhau. Với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ngành học phí thấp nhất chỉ 13 triệu đồng/năm học, ngành học phí cao nhất là 24 triệu đồng/năm học.

Học phí một số ngành (khó tuyển sinh) của trường đã có sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho hay.

Về chủ đề nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, theo kế hoạch, ngày 12/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.

Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ, trong khung giờ từ 07h45 – 17h00.

Nội dung Hội thảo tập trung vào những vấn đề chính sau:

- Cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển: Vai trò của Nhà nước về nguồn lực cho giáo dục đại học;

- Nguồn lực con người cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực lý tưởng cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Quyền tự chủ đại học và Nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự công lập;

- Phát triển giáo dục đại học ngoài công lập trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học;

- Triển khai mô hình PPP trong giáo dục đại học: Cơ hội, thách thức và rào cản;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học;

- Các vấn đề liên quan

Nguyên Phương