Một năm qua, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đã giải quyết được các tồn tại và mang lại gam màu tươi sáng cho bức tranh giáo dục nước nhà.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh thời gian dạy học trải nghiệm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên môn Lịch sử, trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) kỳ vọng:
Một là, các nhóm tác giả viết sách giáo khoa nói chung và nhóm tác giả viết sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 nói riêng phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Từ đó, rà soát chỉnh sửa nghiêm túc để sách giáo khoa hoàn chỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển các năng lực của học sinh.
Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải ban hành các văn bản quy định rõ ràng về định mức, mức giờ giảng của giáo viên phổ thông. Không để tình trạng cào bằng như hiện nạy giáo viên dạy 30 học sinh/ 1 lớp = giáo viên dạy 50 học sinh/ 1 lớp.
Như vậy, chưa tạo ra được sự công bằng cho các thầy cô, bởi giáo viên dạy trên 50 học sinh/ 1 lớp theo định hướng phát triển năng lực vất vả hơn với thầy cô dạy 30 học sinh/ 1 lớp.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần điều chỉnh thời gian dạy học trải nghiệm, hiện nay 1 tiết trải nghiệm = 45 phút ở khu vực thành phố lớn có những lớp học 60 học sinh/ 1 lớp với thời gian đó thầy, cô khó có thể phát triển năng lực cho từng học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản quy định rõ ràng về chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học với giáo viên phổ thông như quy đổi nghiên cứu khoa học thành tiết dạy... Từ đó, tạo ra động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học và vận dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học của đội ngũ giáo viên phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định sách giáo khoa không phải là pháp lệnh để cởi trói cho giáo viên, để giáo viên chủ động trong việc sử dụng các tài liệu khi tổ chức hoạt động dạy học, từ đó sẽ tạo ra sự năng động, sáng tạo cho mỗi bài giảng của giáo viên.
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ba là, Ban Giám hiệu nhà trường phổ thông cần phải thực hiện nghiêm và sớm đưa các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành đi vào cuộc sống. Ví như Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011.
Hiện nay, Ban Giám hiệu một số nhà trường chưa cập nhật và chưa bổ sung Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT vào kế hoạch giáo dục của nhà trường để giảm bớt sổ sách cho giáo viên. Khi giáo viên phản ảnh Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, mà nhà trường chưa triển khai thực hiện, Ban Giám hiệu cho rằng do Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản chỉ đạo chúng tôi chưa cập nhật, chưa bổ sung. Có phải chăng đây là “tình trạng trên nóng dưới lạnh”, “phép vua thua lệ làng”...
Bốn là, đối với Ban Giám hiệu nhà trường cần đồng cảm với giáo viên, hỗ trợ giáo viên khi gặp khó khăn trong triển khai hoạt động dạy học, cùng giáo viên tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả trong bài học, tiết học phát triển năng lực của học sinh. Tránh tình trạng, dự giờ xong chỉ nhận xét ưu điểm và nhược điểm không đưa ra được các giải pháp khắc phục nhược điểm của giáo viên trong triển khai hoạt động dạy học.
Ban Giám hiệu nhà trường và các cơ quan quản lý tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo... để giúp giáo viên hiểu đúng về chủ trương giáo dục phát triển năng lực cho học sinh trường phổ thông và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh trường phổ thông. Với kinh nghiệm được học hỏi giúp giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh trong bài học, tiết học trở nên linh hoạt hơn, sáng tạo hơn từ đó sẽ hình thành cho học sinh những năng lực về tư duy độc lập và sáng tạo.
Năm là, các trường phổ thông cần phải tham gia đăng ký đánh giá về phương pháp dạy học và cơ sở vật chất của nhà trường bởi các tổ chức kiểm nghiệm giáo dục phổ thông uy tín trong và ngoài nước. Để từ đó nâng cao vị thế của nhà trường trong khu vực và trên trường quốc tế.
Sáu là, đối với giáo viên thì thầy cô cần phải thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, sử dụng thành thạo về công nghệ để duy trì thường xuyên hoạt động giáo dục cho học sinh trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19. Nếu phải chuyển các hoạt động dạy học trực tiếp sang hình thức dạy học online và truyền hình thì giáo viên vẫn phát huy được hiệu quả giáo dục phát triển năng lực cho học sinh và giúp học sinh tích lũy được kiến thức, mở mang về trí tuệ.
Khi tổ chức dạy nội dung kiến thức bài học, tiết học cần phải có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng lan man, dàn trải. Đặc biệt, nội dung kiến thức chuyển tải phải phù hợp với trình độ tiếp thu, năng lực của học sinh. Đồ dùng, thiết bị dạy học phù hợp với từng nội dung giáo dục của bài học, tiết dạy phải được chuẩn bị đầy đủ.
Bảy là, Đoàn thanh niên phải tăng cường củng cố và phát triển hoạt động về giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục nhân cách, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cho học sinh, bởi các hoạt động giáo dục này giúp học sinh lĩnh hội hiệu quả những tri thức, những kinh nghiệm, những kĩ năng... ngoài giờ lên lớp.
Muốn bệnh thành tích được bỏ đi, Bộ Giáo dục phải bỏ đi hồ sơ phổ cập
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, cô giáo Nguyễn Tâm – giáo viên một trường tiểu học vùng sâu ở ĐắK Nông hi vọng, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án chọn lọc giáo viên một cách thận trọng để chọn ra những thầy cô đủ nhân cách để dạy học trò. Bởi hiện nay không ít thầy cô chưa thực sự tập trung vào việc dạy cũng như giáo dục học sinh. Thậm chí còn nhiều thầy cô năng lực, tư cách đạo đức không xứng đáng là nhà giáo.
Khi chọn lọc được đội ngũ giáo viên vừa đủ năng lực vừa đủ phẩm chất rồi thì ngành giáo dục cần giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, cải cách vấn đề tiền lương cho giáo viên sao cho thật xứng đáng để họ không phải “chân trong, chân ngoài”.
Ảnh minh họa: VTV |
Hai là, bỏ đi chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp. Bởi theo cô Tâm, sau 4 năm học tập và rèn luyện ở trường đại học, nếu sinh viên không đảm bảo được các yêu cầu của ngành giáo dục, không đủ năng lực thì đã không thể tốt nghiệp được.
Rồi hàng năm, thầy cô đều có được xếp loại giáo viên, dựa trên năng lực cá nhân, tất cả những điều đó rất sát sao, và đó là thực tiễn mà giáo viên phải nỗ lực và cố gắng. Ấy vậy mà lại thêm một cái giấy phép con, mang tên chuẩn chức danh nghề nghiệp. Điều này làm cho giáo viên vừa tốn tiền, vừa không có lợi ích về mặt tay nghề cho giáo viên cũng không mang lại lợi ích cho học sinh.
Ba là, vấn đề nghỉ hưu của giáo viên cần phải tính toán lại số tuổi nghỉ hưu đối với thầy cô công tác ở vùng khó khăn, hiểm trở. Bởi lẽ khi thầy cô già, đường xá đi lại khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dạy học.
“Giáo viên vùng sâu vùng xa mong được nhà nước, tính tuổi nghỉ hưu, làm sao khoảng chừng tầm 52 tuổi. Đặc biệt, giáo viên vùng sâu vùng xa, cần được sự hỗ trợ để giáo viên đi lại học tập trau dồi kiến thức và cần có chế độ luân chuyển giáo viên phù hợp giữa các vùng miền để thuận tiện cho giáo viên đi dạy”, cô Tâm nêu kiến nghị.
Bốn là, trước đây khi đào tạo giáo viên, các trường sư phạm cũng chủ yếu dạy về các phương pháp, kiến thức, mà ít chú tâm đến việc phát triển tư duy mới, dẫn đến việc xử lý và sáng tạo trong việc dạy học, và giáo dục các em thành những con người mới, là rất khó khăn, đây chính là điểm yếu của giáo viên thế hệ 7x mà ngành giáo dục cần khắc phục.
Năm là, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ tập trung vào rèn luyện các phương pháp và thay đổi nội dung sách giáo khoa, nhưng chưa thấy đả động gì, đến việc rèn luyện các kỹ năng phát triển cho giáo viên. Dẫn đến tầm nhìn của giáo viên cũng còn thấp, làm cho việc đổi mới giáo dục cực kỳ khó.
Sáu là, hồ sơ thủ tục dù đã được cắt bớt nhưng vẫn còn quá rườm rà, bệnh thành tích vẫn còn thể hiện rõ ở các con số học sinh lên lớp, và khen thưởng. “Muốn bệnh thành tích được bỏ đi, trước tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bỏ đi cái gọi là hồ sơ phổ cập. Gửi hồ sơ phổ cập đúng độ tuổi, nên giáo viên, không dám cho học sinh ở lại lớp”, cô Tâm nhấn mạnh.