Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng nói gì về tính độc lập của trung tâm kiểm định trực thuộc?

22/03/2023 06:43
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngoài việc thay thế, điều chỉnh các Nghị định đã cũ thì cần ban hành các quy định cụ thể hơn để Trung tâm kiểm định hoạt động độc lập, hiệu quả.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành dự thảo và lấy ý kiến góp ý cho Nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

Và Nghị định 135 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để trình Chính phủ ban hành.

Đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, một trong những vấn đề được quan tâm là xác định rõ nội hàm độc lập về tổ chức với cơ quan quản lí nhà nước và cơ sở giáo dục đại họccủa các trung tâm kiểm định. Bởi thực tế hiện nay, đây vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã có những chia sẻ, góp ý để hoàn thiện hành lang pháp lý cho trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được hoạt động hiệu quả.

Độc lập về hoạt động chuyên môn

Theo thầy Sơn, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Đà Nẵng (sau đây gọi là Trung tâm) được thành lập theo quyết định số 1100/QĐ-BGDĐT ngày 6/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hoạt động của Trung tâm theo quyết định số 382/QĐ-BGDĐT ngày 2/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: UDN

Phó Giáo sư Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: UDN

“Trung tâm là đơn vị hoạt động theo quy định của nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng;

Hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động do Giám đốc Đại học Đà Nẵng ban hành theo quyết định số 6244/QĐ-ĐHĐN ngày 7/12/2015.

Bên cạnh đó, Trung tâm tự chủ về tài chính và hoạt động tài chính của Trung tâm được thực hiện theo quy định về chi tiêu nội bộ do Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ban hành", thầy Sơn cho hay.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã triển khai kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (đại học, cao đẳng sư phạm) và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm có 11 thành viên. Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục họp định kỳ ít nhất 2 lần/năm để thẩm định kết quả đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.

"Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên kết quả đánh giá chất lượng của đánh giá ngoài và Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm quyết định cuối cùng. Điều này có nghĩa hoàn toàn độc lập về chuyên môn với Đại học Đà Nẵng.

Đến nay, Trung tâm triển khai đánh giá ngoài 25 cơ sở giáo dục (21 trường đại học, 3 trường cao đẳng sư phạm, 1 trường cao đẳng), 60 chương trình đào tạo (58 chương trình đào tạo trình độ đại học, 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ)", thầy Sơn thông tin.

Tại điểm 2, Điều 52, Luật 34/2018 nêu: “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học”. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm định lại trực thuộc Đại học Đà Nẵng, vậy vấn đề “độc lập” đã được Đại học Đà Nẵng giải quyết như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư Lê Quang Sơn cho hay, cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Đà Nẵng vẫn đang thuộc Đại học Đà Nẵng và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Trung tâm hoàn toàn chủ động, độc lập đối với các quyết định về chuyên môn trong triển khai hoạt động đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, công nhận chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Trung tâm không triển khai kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của các cơ sở trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện cơ chế tự chủ về mặt tài chính trong chi thường xuyên, tự chủ về tiền lương và trong các giao dịch tài chính.

Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Theo Phó Giáo sư Lê Quang Sơn, các hoạt động của Trung tâm hiện nay đang triển khai theo các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đại học Đà Nẵng và của Trung tâm ban hành.

Tuy nhiên, do Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập năm 2015 và bắt đầu hoạt động từ năm 2016, trước thời điểm Luật 34/2018 ban hành (như 2 Trung tâm thuộc 2 Đại học Quốc gia và Trung tâm thuộc Trường Đại học Vinh) nên việc triển khai “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” gặp những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể như nội dung này chưa được giải thích đủ rõ trong Nghị định 99 (hướng dẫn thi hành Luật 34/2018).

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành lấy ý kiến góp ý cho Nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135 Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhưng đến nay vẫn chưa ban hành.

Hơn nữa, năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, nhưng chưa ban hành đối với giáo dục đại học.

“Ngoài ra, hiện nay vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể của các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Vì thế, Trung tâm mong muốn sớm có Nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135 Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Qua đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động hiệu quả”, thầy Sơn cho hay.

AN NGUYÊN