Nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ hậu kiểm định chất lượng giáo dục đại học

02/03/2023 06:39
TS. Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Có hiện tượng một số cơ sở giáo dục đại học sau khi nhận được giấy chứng nhận kiểm định tự thỏa mãn và không có chiến lược, kế hoạch cải thiện liên tục chất lượng.

Kiểm định chất lượng là một quá trình đảm bảo chất lượng nhằm đánh giá liệu một cơ sở giáo dục hoặc một chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng hay không. Kiểm định đóng vai trò như một "con dấu phê duyệt" cho cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo, cho thấy rằng nó đã đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng giáo dục.

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Tây Đô

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Tây Đô

Những vấn đề đặt ra về "hậu kiểm định"

Thời gian qua, công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của chúng ta đã làm được khá nhiều việc về phương diện ban hành tiêu chuẩn, khung luật pháp, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên và đã thành lập được nhiều trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Những kết quả nhìn thấy là nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đạt tiêu chuẩn kiểm định và hàng trăm chương trình đào tạo (programs) được kiểm định, đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.

Kết quả của quá trình kiểm định đảm bảo chất lượng chính là sự công nhận của tổ chức kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, nhìn lại những tác động của phía sau kết quả hàng trăm cơ sở giáo dục đại học và hàng trăm chương trình đào tạo được cấp giấy chứng nhận, dường như các kết quả ấy ít được các cơ sở giáo dục đại học cũng như xã hội quan tâm để quá trình đảm bảo chất lượng ngày càng hoàn thiện và có những thích ứng với chính sách kiểm định.

Những vấn đề đặt ra của hậu kiểm định có thể xem là kết quả tác động đến sự hoạt động của nhà trường. Chẳng hạn như sự hài lòng của sinh viên, giảng viên và của cộng đồng; sự sẵn sàng trả tiền học phí cao lên cho xứng đáng “đồng tiền bát gạo” mà người học bỏ ra; những chỉ tiêu như tỷ lệ việc làm của người học sau 6 tháng tốt nghiệp tăng hay giảm so với tiền kiểm định, hoặc sau hai đến ba năm đạt kiểm định chất lượng; quy mô tuyển sinh có tăng lên và tỷ lệ lưu ban, bỏ học có giảm?

Những vấn đề về văn hóa chất lượng có được lan tỏa trong toàn bộ trường? Thu nhập của giảng viên cũng như sự hài lòng của nhà tuyển dụng tăng lên hay không? Nếu là kết quả tác động thì cần đánh giá xem số lượng doanh nghiệp đến trường xây dựng đối tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Đặc biệt, sau kiểm định thì công tác chi thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản có tăng lên hay giảm đi?

Một nghiên cứu đánh giá khách quan các tác động như vậy sẽ giúp cho nhà trường nhìn nhận ý nghĩa thực tế, hiệu quả của kiểm định... Đặc biệt có ích cho các nhà làm chính sách kiểm định, liên tục cải thiện chất lượng, củng cố đội ngũ chuyên gia và tính chuyên môn của các tổ chức kiểm định.

Theo kinh nghiệm của thế giới, có khá nhiều tác động đằng sau của việc công nhận kiểm định chất lượng, có thể kể ra như:

Sau kiểm định, chất lượng giáo dục được cải thiện nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời khuyến khích cải tiến liên tục trong giảng dạy, nghiên cứu và các lĩnh vực khác.

Tăng sự hài lòng của sinh viên: Sinh viên có thể cảm thấy tự tin rằng họ đang nhận được một nền giáo dục chất lượng cao từ một tổ chức hoặc chương trình được kiểm định.

Sau kiểm định, tỷ lệ có việc làm được cải thiện sẽ tác động đến danh tiếng và uy tín của cơ sở giáo dục đại học và nhờ đó tác động đến khả năng cạnh tranh việc làm cao hơn trên thị trường lao động.

Bên cạnh đó, độ tin cậy của kiểm định chất lượng để đảm bảo giá trị thực của mỗi tín chỉ đào tạo trong quá trình công nhận và chuyển đổi. Kiểm định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở giáo dục đại học khi sinh viên muốn đổi ngành hoặc đổi trường học.

Sinh viên tốt nghiệp ở chương trình được kiểm định khách quan, tin cậy sẽ là một yếu tố quan trọng trong cấp phép hành nghề ở một số nghề nghiệp, do những tổ chức nào đó yêu cầu người tốt nghiệp phải có bằng cấp từ một chương trình hoặc cơ sở đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng.

Tác động của kết quả kiểm định sẽ gieo vào lòng công chúng niềm tin về văn bằng được kiểm định, sẽ tác động đến danh tiếng, nguồn tài trợ và sự đóng góp của xã hội cho cơ sở hay ngành đào tạo đó.

Khi một cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo được công nhận kiểm định, điều đó có nghĩa là nó đã đáp ứng hoặc vượt các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng và sự nghiêm ngặt do một cơ quan kiểm định bên ngoài xác định. Điều này cung cấp một mức độ đảm bảo cho xã hội rằng trường đại học hoặc chương trình đó đang cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp của họ được chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp đã chọn.

Kiểm định thường được xem như một "con dấu chấp thuận", và nó có thể nâng cao danh tiếng và uy tín của một trường đại học hoặc chương trình được kiểm định. Đổi lại, điều này có thể làm tăng niềm tin và sự tin tưởng mà xã hội dành cho thể chế. Kiểm định cũng có thể dẫn đến tăng cường hỗ trợ công cộng, vì mọi người có nhiều khả năng đầu tư vào các tổ chức mà họ tin rằng đang cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao.

Ngoài ra, các tổ chức/cơ sở giáo dục thường phải được kiểm định để nhận được tài trợ của chính phủ, điều này có thể nâng cao hơn nữa niềm tin của công chúng đối với tổ chức/cơ sở. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, các chương trình phải được công nhận để tham gia vào các gói hỗ trợ tài chính của liên bang - chẳng hạn như các chương trình Pell Grant và Stafford Loan (một dạng hỗ trợ tài chính cho người học). Điều này có nghĩa là những sinh viên theo học tại các trường được công nhận có nhiều khả năng nhận được hỗ trợ tài chính hơn, làm tăng niềm tin của xã hội đối với các trường đó.

Qua đó, kiểm định chất lượng giáo dục nâng cao danh tiếng và uy tín của tổ chức/cơ sở, làm cho nó trở thành một nơi hấp dẫn hơn để làm việc cho các giảng viên. Kiểm định cũng có thể dẫn đến việc tăng hỗ trợ và tài trợ công cộng, điều này có thể cho phép tổ chức/cơ sở cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn cho giảng viên của mình.

Các tổ chức/cơ sở được công nhận kiểm định thường được coi là uy tín và danh tiếng hơn, điều này có thể khiến chúng hấp dẫn hơn đối với các ứng cử viên giảng viên hàng đầu. Kiểm định cũng có thể đảm bảo khả năng thu hút nhân tài giảng dạy nhờ cam kết cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao và được ưu tiên để cải thiện liên tục cơ hội hợp tác nghiên cứu và đào tạo với quốc tế gia tăng.

Nhìn chung, khả năng thu hút và giữ chân các giảng viên xuất sắc là một yếu tố quan trọng trong sự thành công của một trường đại học và kiểm định có thể là một công cụ quan trọng để đạt được tác động này. Bằng cách nâng cao danh tiếng và uy tín của tổ chức, kiểm định có thể làm tăng sức hấp dẫn của trường đại học đối với các tài năng học thuật hàng đầu, từ đó có thể dẫn đến chất lượng và kết quả giáo dục được cải thiện cho sinh viên.

Đo lường thế nào về các kết quả tác động của kiểm định?

Như đã trình bày khái quát về những kết quả tác động của kiểm định chất lượng, vậy giám sát và đánh giá thế nào về những kết quả tác động này. Thông thường để giám sát và đánh giá người ta thiết kế các bộ chỉ số.

Cụ thể, về mặt chất lượng cần có các chỉ số về thành tích học sinh, tỷ lệ bỏ học, tỷ lệ tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp; ngoài ra, còn những vấn đề liên quan đến các cuộc khảo sát, xếp hạng được thực hiện bởi các tổ chức có uy tín.

Những chỉ số về tài chính gồm: nguồn lực được tài trợ từ xã hội hoặc từ chính phủ và sự sẵn sàng của các nguồn lực dành cho giảng viên và sinh viên. Một chỉ số khá quan trọng là chất lượng của đội ngũ giảng viên qua số liệu giảng viên có trình độ cao, tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu và chất lượng của các công trình sản phẩm nghiên cứu như công bố khoa học hoặc sản phẩm phục vụ xã hội.

Ngoài ra, cần cả những khảo sát thăm dò các giảng viên, những sinh viên đã tốt nghiệp, doanh nghiệp tuyển dụng để đánh giá mức độ hài lòng của các bên liên quan.

Hiện tượng một số cơ sở giáo dục đại học sau khi nhận được giấy chứng nhận kiểm định tự thỏa mãn và không có chiến lược, kế hoạch cải thiện liên tục chất lượng. Vì thế cần có chỉ số về mức độ cải thiện chất lượng liên tục thông qua các hoạt động tự đánh giá, lập kế hoạch và thực thi cải thiện chất lượng đáp ứng theo yêu cầu và khuyến cáo của các tổ chức kiểm định chất lượng.

Điều quan trọng cần lưu ý là các chỉ số và số liệu cụ thể được sử dụng để đánh giá tác động của kết quả kiểm định chất lượng và điều này sẽ giúp cho cơ sở giáo dục đại học nhận thức rõ kết quả và ý nghĩa của công tác kiểm định chất lượng nói riêng và đảm bảo chất lượng nói chung để không ngừng nâng tầm chất lượng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh