Khi trường ĐH xét tuyển kết hợp IELTS với tỷ trọng cao sẽ gây ra hệ lụy gì?

04/09/2023 08:18
Hà An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và quy định khung tỷ lệ áp dụng các phương thức tuyển sinh mà các trường đại học áp dụng trong tuyển sinh.

Vừa qua, khi các cơ sở giáo dục đại học công bố điểm trúng tuyển dư luận lại bàn luận xôn xao trước thông tin thủ khoa nhưng trượt nguyện vọng 1. Chính điều này, khiến độc giả băn khoăn về việc các trường đại học áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh gây nên thiệt thòi cho thí sinh.

Trường đại học áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh: Ai được lợi?

Nêu quan điểm về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận rằng, đúng là hiện nay các trường đại học đều đang áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh như xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Việc các trường áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh này nhằm mục tiêu tuyển được đúng, đủ đối tượng người học cho các chương trình, các ngành đào tạo. Đây cũng là quyền tự chủ của các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn đã được nêu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với việc ứng dụng phần mềm xét tuyển tập trung của Bộ, việc có nhiều phương thức tuyển sinh không gây phiền hà, phức tạp cho người học khi xét tuyển. Bởi lẽ, người học chỉ cần quan tâm nguyện vọng mong muốn vào học ở trường nào, ngành/chương trình đào tạo nào, thứ tự các nguyện vọng ra sao.

Tuy nhiên, sẽ là vấn đề thiệt thòi hoặc có lợi cho một bộ phận người học nếu các trường xác định cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh không phù hợp giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu trường lấy quá nhiều ở phương thức này, và quá ít ở phương thức khác thì người học có lợi hơn ở phương thức lấy nhiều và thiệt thòi hơn ở phương thức lấy ít”, Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ nhận định.

Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)

Hiện nay, nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học TOP trên sử dụng điểm IELTS để xét tuyển kết hợp để xác định đối tượng trúng tuyển sớm. Đánh giá về phương thức xét tuyển này, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, người học có điểm IELTS cao đã phần nào thể hiện được năng lực học tập. Đồng thời, người học có điểm IELTS cao thường thuộc gia đình có điều kiện để đầu tư cho con học thêm, và cũng thường thuộc các gia đình ở khu vực thành thị. Những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, ở vùng nông thôn thường khó có điều kiện ôn luyện để có được điểm IELTS cao.

Ở góc độ của các trường đại học, với mong muốn tuyển được người học có năng lực, có điều kiện đầu tư cho học tập thì nhóm người học có điểm IELTS cao là đúng đối tượng mong muốn. Vì vậy, nhiều trường TOP trên áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng điểm IELTS là đúng khi đứng trên lợi ích của các trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp dùng điểm IELTS với tỷ trọng cao sẽ có một số bất cập cho xã hội. Theo đó, Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ chỉ rõ:

Thứ nhất, học sinh có điểm IELTS cao thường thuộc gia đình có điều kiện, ở khu vực thành thị. Do vậy, phương thức này sẽ gây bất lợi cho nhóm học sinh thuộc gia đình ở khu vực nông thôn, gia đình khó khăn. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học ở các trường nhóm TOP trên đối với học sinh thuộc vùng nông thôn, gia đình khó khăn.

Thứ hai, khi các trường đại học thông báo xét tuyển kết hợp sử dụng điểm IELTS, sẽ tạo ra một thông điệp mạnh tới bậc học phổ thông về định hướng học tập. Các em học sinh sẽ thiên hướng học tiếng Anh nhiều hơn. Điều này không phải là không tốt, nhưng sẽ là vấn đề nếu các em tập trung học môn tiếng Anh nhiều hơn các môn học khác trong trương trình giáo dục ở bậc phổ thông. Đồng thời, các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Pháp sẽ ít được quan tâm hơn. Trong khi Việt Nam đang trong xu hướng hội nhập đa phương với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc…

Không lạm dụng sử dụng điểm IELTS để xét tuyển kết hợp

Để giúp việc tuyển sinh của các trường đại học vừa phát huy được quyền tự chủ của các trường, vừa đảm bảo quyền lợi cho người học và xã hội, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: “Theo tôi, nếu các trường đại học chỉ đứng trên lợi ích của mình và chạy theo các tín hiệu của thị trường thì khuyết tật của cơ chế thị trường sẽ xuất hiện ngay trong hệ thống giáo dục đại học. Để giải quyết vấn đề này, rất cần đến sự điều tiết của nhà nước, với vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nêu rõ Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn của các trường được xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, ngoài quyền tự chủ về phương thức tuyển sinh, các trường cũng cần tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và quy định khung tỷ lệ áp dụng các phương thức tuyển sinh mà các trường đại học áp dụng trong tuyển sinh. Không lạm dụng sử dụng điểm IELTS để xét tuyển kết hợp. Khuyến khích các trường, bên cạnh sử dụng điểm IELTS, cần sử dụng điểm đánh giá các ngoại ngữ khác trong tuyển sinh”.

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ, phương thức xét tuyển kết hợp để xét trúng tuyển sớm có nguy cơ ảo cao do thí sinh có thể trúng tuyển sớm ở cùng lúc nhiều trường đại học. Chính nguy cơ này làm các trường phải dự báo mang tính “bốc thuốc” tỷ lệ ảo. Từ đó xác định quy mô trúng tuyển sớm bằng phương thức xét tuyển kết hợp.

"Nếu việc dự báo này không đúng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phần còn lại, khi thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học để xét tuyển. Có thể dẫn đến hiện tượng thí sinh có điểm thi rất cao mà vẫn trượt. Vì vậy, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định không xét trúng tuyển sớm (trừ phương thức xét tuyển thẳng). Tất cả các phương thức tuyển sinh còn lại cần bình đẳng và được xét cùng một thời điểm dựa trên cơ sở dữ liệu tập trung của Bộ giáo dục và Đào tạo. Có vậy, cơ cấu tuyển theo từng phương thức sẽ được đảm bảo.

Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong công tác tuyển sinh", Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm.

Về phía các trường, Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ cho rằng, các trường cũng cần đánh giá lại mối tương quan giữa kết quả học tập của các sinh viên đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau với kết quả đầu vào khi trúng tuyển của những sinh viên đó. Từ đó có thể đánh giá sát hơn mức độ phù hợp của các phương thức xét tuyển. Đây sẽ là căn cứ có tính khách quan để xác định cơ cấu giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Hà An