Ngày 7/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hướng dẫn tổ chức Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, trong đó đề cập đến những đối tượng được miễn thi môn Ngoại ngữ của kì thi này.
Cụ thể, hai đối tượng được miễn làm bài thi môn Ngoại ngữ bao gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27/6/2023 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định của Bộ.
Thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên được miễn làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh. (Ảnh: Shutterstock) |
Quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 tốt nghiệp có hợp lý?
Thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm trở lên do ETS cấp hoặc IELTS 4.0 điểm trở lên do IDP hoặc Hội đồng Anh cấp sẽ được miễn thi môn Tiếng Anh của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và được quy đổi thành 10 điểm.
Từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định những thí sinh có IELTS 4.0 hoặc các chứng chỉ khác tương đương sẽ được miễn thi môn Tiếng Anh kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trước đó, năm 2015, thí sinh chỉ cần có IELTS 3.5 là được miễn thi môn Tiếng Anh.
Việc quy đổi 4.0 IELTS thành điểm 10 môn Tiếng Anh gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Trên một số phương tiện truyền thông, có ý kiến cho rằng, quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 tốt nghiệp là điều không hợp lý.
Bởi, IELTS 4.0 chỉ tương đương trình độ tiếng Anh cơ bản, chỉ dừng ở mức đọc hiểu văn bản đơn giản, nhận biết các cấu trúc câu và từ vựng cơ bản. Vậy nên, việc quy đổi mức IELTS 4.0 thành điểm 10 cho bài thi môn Tiếng Anh sẽ không công bằng với những thí sinh không có điều kiện học và thi IELTS.
Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng, về bản chất 2 kỳ thi - thi để lấy chứng chỉ IELTS và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, kỳ thi IELTS bao gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Còn kỳ thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh thiên về ngữ pháp và từ vựng.
Quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 tốt nghiệp là khá phù hợp
Quan điểm cá nhân người viết - giáo viên bậc trung học phổ thông, cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định những thí sinh có IELTS 4.0 thành điểm 10 môn Tiếng Anh là khá hợp tình, hợp lí vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, thực tế dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) cho thấy, IELTS ngày càng được xã hội xem trọng như một thước đo để đo lường khả năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - IELTS 4.0 - nghĩa là đã được đánh giá qua cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Thứ hai, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 chỉ được dùng để xét miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh và được quy đổi thành điểm 10 chứ không phải là điểm xét tuyển đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế, nhiều học sinh có chứng chỉ IELTS đạt mức điểm từ 4.0 trở lên nhưng vẫn dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh để lấy kết quả xét tuyển vào trường đại học theo nguyện vọng.
Thứ ba, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chính sách miễn thi ngoại ngữ đối với các đối tượng đủ yêu cầu đến nay cho thấy các cơ sở giáo dục đại học cũng không sử dụng điểm miễn thi để xét tuyển theo phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Các trường thường đưa ra mức điểm tối thiểu cần đạt, chẳng hạn thí sinh phải từ IELTS 5.5 thì mới đủ điều kiện xét tuyển. Vì vậy, thí sinh đạt 10 điểm môn Tiếng Anh do có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng không ảnh hưởng đến sự công bằng trong xét tuyển đại học như nhiều người nhầm tưởng.
Thứ tư, thực tế, hiện nay nhiều trường đại học quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên phải đạt mức B1 theo khung tham chiếu châu Âu tương đương điểm IELTS từ 4.0 - 5.0.
Hay quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ thạc sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ năm 2021 là chứng chỉ tiếng Anh B2 (IELTS 5.5-6.5).
Vì vậy, thiết nghĩ, các em học sinh lớp 12 có chứng chỉ IELTS 4.0 thành điểm 10 môn tiếng Anh sẽ là động lực khích lệ học sinh trong việc học ngoại ngữ nhất là trong bối cảnh hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.