Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những phong tục đón Tết mang nét đặc trưng riêng. Để giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc Việt Nam cũng như gắn kết tình cảm thầy trò nhà trường, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trước thềm Tết Nguyên đán.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình cho biết, năm nay, nhà trường tổ chức chương trình trải nghiệm nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Xuân ấm áp, Tết yêu thương”.
Đây là phong trào được nhà trường phát động hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Kế hoạch tổ chức ngày hội được nhà trường chuẩn bị từ tháng 11/2024. Điểm nhấn trong ngày hội Tết năm nay của nhà trường là cuộc thi gói bánh chưng. Với những nguyên liệu đã được chuẩn bị trước, các nhóm học sinh cùng nhau tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt. Ban giám khảo sẽ chấm điểm ở hai giai đoạn: khi bánh vừa hoàn thành và sau khi đã được nấu chín.
Theo thầy Việt, bánh chưng là biểu tượng của sự sum vầy, đoàn viên, mang ý nghĩa yêu thương và gắn kết. Hội thi gói bánh không chỉ là dịp để học sinh hiểu thêm về truyền thống mà còn thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước trong dịp Tết cổ truyền.
Ngoài hội thi gói bánh, học sinh còn được tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp và nhiều hoạt động truyền thống khác mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những hoạt động này không chỉ tạo không khí vui tươi trước thềm Tết Nguyên đán mà còn giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, dẻo dai và tinh thần đoàn kết trong tập thể.
Tại chương trình, các đơn vị và nhà trường đã trao các suất quà và học bổng đến học sinh, cựu học sinh nhà trường trường. Cụ thể, các đơn vị đã trao tặng 20 suất học bổng trị giá 2.000.000 đồng/suất, 20 suất học bổng trị giá 1.000.000 đồng/suất, 10 suất trị giá 500.000 đồng/suất. Nhà trường cũng trao quà cho 56 học sinh khó khăn với trị giá 500.000 đồng/suất.
Em Nguyễn Thị Mỹ Tâm, dân tộc Bru Vân Kiều, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình cho hay: “Đối với em, không khí ngày hội Tết năm nay có sự khác biệt rõ rệt so với năm trước. Không khí trở nên nhộn nhịp hơn, rộn ràng và ấm áp hơn. Các học sinh và thầy cô giáo đều tham gia nhiệt tình vào các hoạt động với tinh thần vui tươi, tiếng cười, nói xen lẫn âm thanh nhạc Tết, tạo nên một không gian vui vẻ, đầy sắc xuân.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em trong ngày hội là khi tham gia gói bánh chưng. Em là người gói bánh chính trong đội, dù bánh không được hoàn hảo nhưng sự cổ vũ, động viên và lời khen ngợi từ các bạn khiến em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào.
Sau khi tham gia ngày hội Tết, em hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Em cũng nhận ra rằng mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt, nhưng tất cả đều mang chung một thông điệp: Tết là dịp để gia đình sum họp, cầu mong một năm mới bình an và hạnh phúc. Điều này khiến em thêm tự hào về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên đất nước”.
Trong khi đó, với chủ đề “Về với nguồn cội”, không gian Tết sum vầy cũng được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cho học sinh vui đón xuân mới. Theo thầy Bùi Thế Giới, hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay trường có gần 500 học sinh là con em 8 dân tộc anh em, chủ yếu gồm dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong… đang theo học. Bên cạnh nhiệm vụ chính nuôi dưỡng và đào tạo học sinh, nhà trường luôn chú trọng công tác giao lưu, bảo tồn những nét văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cho học sinh đang theo học tại trường.
Trong 2 ngày hội Tết cổ truyền, học sinh được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và tham gia nhiều hoạt động thú vị, bổ ích như xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, thi các trò chơi dân gian, gói bánh truyền thống, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ, hòa mình vào làn điệu truyền thống như đánh cồng, hát ta lêu, ca choi và múa cồng chiêng.
Năm nay, một điểm đặc biệt trong hội Tết của nhà trường là học sinh được cùng phụ huynh tham gia làm cây nêu. Qua hoạt động này, các bạn được gắn kết cùng bố mẹ thể hiện nét đặc trưng của dân tộc qua mỗi sản phẩm.
Ngoài ra, các món ăn truyền thống ngày Tết cũng được học sinh thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn. Bên cạnh đó, các tiết mục văn nghệ do học sinh biểu diễn, gắn liền với văn hóa dân tộc mình cũng làm cho không khí ngày hội thêm sôi động hơn.
Khác với các năm trước, hội Tết năm nay, nhà trường mời các nghệ nhân từ nhiều huyện trên địa bàn tỉnh về tham gia và biểu diễn, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Đồng thời, nhiều cựu học sinh của trường cũng về tham gia hoạt động cùng học sinh, biểu diễn văn nghệ, góp phần làm cho không khí Tết cổ truyền thêm phần sinh động và ý nghĩa.
Ngoài ra, trước khi học sinh về nhà ăn Tết, nhà trường đã tổ chức trao 186 suất quà cho các em học sinh, trong đó gồm con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh mồ côi và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập như đạt học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc đạt giải trong các kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Mỗi suất quà có trị giá khoảng 200.000 đồng.
Em Đinh Thị Như Ý, dân tộc Hre, học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Đây là lần thứ hai trường em tổ chức Ngày hội Tết cổ truyền, nhưng cảm xúc của em vẫn như lần đầu: bồi hồi, háo hức và rất vui vẻ.
Chúng em đã chuẩn bị từ sớm, mang theo những vật dụng đặc trưng của dân tộc để trưng bày và quảng bá đến mọi người. Mỗi học sinh sẽ là những tuyên truyền viên để giới thiệu cho mọi người bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình.
Ngày hội năm nay có nhiều điều mới mẻ nhưng vẫn rất gần gũi. Chúng em được trang trí cây nêu, đại diện cho các dân tộc. Đặc biệt, em có một trải nghiệm thú vị khi được nấu các món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Trước đây, Tết ở gia đình em chỉ nấu những món ăn đơn giản, nhưng khi tham gia cùng các bạn và thầy cô, em đã học thêm nhiều món mới và cách chế biến độc đáo.
Qua lễ hội Tết cổ truyền năm nay, em mở rộng hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, những hoạt động ý nghĩa này lại được em tham gia cùng bạn bè trong lớp giúp chúng em gắn kết và hiểu nhau hơn. Em tự tin rằng học sinh chúng em có thể gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc mình đến mọi người”.
Tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, năm nay, hội Tết của nhà trường được tổ chức với chủ đề “Tết sum vầy, xuân hạnh phúc”. Cô Vương Xuân Thuận, hiệu trưởng nhà trường cho hay, hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động Tết Nguyên đán cho học sinh.
Mặc dù năm nay, do điều kiện thời gian gấp rút, nhà trường không thể tổ chức các cuộc thi như thi làm linh vật Tết hay thi gói bánh chưng như các năm trước, nhưng vẫn đảm bảo các em được thưởng thức những bữa ăn Tết đầm ấm với thịt lợn quay, thịt gà và các món ăn đặc trưng. Tuy đơn giản hơn mọi năm, nhưng không khí Tết vẫn được duy trì.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức thi các trò chơi dân gian để các em có thêm cơ hội vui chơi và trải nghiệm văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những phần quà hỗ trợ thêm các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Thuận thông tin, năm nay, nhà trường đã tặng tổng cộng 137 suất quà cho học sinh, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các phần quà được trao bao gồm các suất quà do nhà trường và các tổ chức, đơn vị hỗ trợ.
Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi học sinh, giá trị quà tặng dao động từ 200.000 - 1.000.000 đồng/1 suất, gồm tiền mặt và quà tặng. Số lượng quà năm nay tăng lên, nhiều học sinh được nhận quà hơn khiến cả thầy và trò nhà trường đều phấn khởi.
Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn đã tham gia Chương trình "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng" năm 2025 do Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức. Đại diện thầy và trò trường đã tham gia hai nội dung gồm trưng bày "Gian hàng bánh dân gian" và cuộc thi trình diễn áo dài "Sắc xuân". Thầy cô giáo và học sinh đã thể hiện sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết qua các hoạt động, góp phần làm nên không khí ấm áp, vui tươi của dịp Tết cổ truyền.
Kết quả, nhà trường đã xuất sắc giành được giải Nhì ở phần trình diễn áo dài và giải Ba ở phần trưng bày gian hàng.
“Đây là dịp để thầy cô và học sinh cùng nhau ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết và chia sẻ niềm vui. Nhìn nụ cười trên gương mặt học sinh hào hứng tham gia hội Tết của trường, của ngành giáo dục tỉnh, các thầy cô đều cảm nhận rõ sự đoàn kết và yêu thương, càng thêm trân trọng công việc dạy học”, cô Thuận bày tỏ.