Được ví như “chìa khóa vàng” thúc đẩy sự đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Khoa học máy tính (Computer Science) đã tạo ra những cơ hội mới và giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong các lĩnh vực khác nhau như từ khoa học, kỹ thuật cho đến kinh doanh, giải trí,… hiện nay.
Khoa học máy tính là ngành học giúp làm chủ mọi khía cạnh của máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các yếu tố như phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu của con người, là nền tảng đóng góp cho hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và số hóa, Khoa học máy tính trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng nhất hiện nay và là ngành học đầy hứa hẹn cho tương lai rộng mở.
Anh Phạm Thái Hoàng Tùng giữ vai trò kỹ sư tại Công ty cổ phần công nghệ VMO Holdings (VMO) - tổ chức doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp toàn diện về dịch vụ tư vấn và phát triển các sản phẩm phần mềm dựa trên nhiều nền tảng như IoT, AI/ML hay Blockchain. Với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và triển khai phần mềm công nghệ thông tin, tổ chức hiện có hơn 1000 nhân sự và 9 văn phòng tại Việt Nam, đồng thời có trụ sở tại Nhật Bản và Mỹ.
Trong vai trò của mình, anh Hoàng Tùng tập trung vào các dự án liên quan đến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, đảm nhận công việc chính là phân tích dữ liệu, xây dựng và triển khai các mô hình AI. Thời gian gần đây, anh tham gia toàn thời gian vào dự án lớn của một thương hiệu dược phẩm Hoa Kỳ với vai trò là nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Phạm Thái Hoàng Tùng cho biết, ngành Khoa học máy tính hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Bởi lẽ, phần lớn các bạn trẻ mới tốt nghiệp ra trường vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc, dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp.
Đáng chú ý, triển vọng nghề nghiệp trong ngành Khoa học máy tính vô cùng đa dạng và mở ra cơ hội đầy hứa hẹn. Là một lĩnh vực khá rộng lớn, ngành Khoa học máy tính bao gồm nhiều mảng khía cạnh chuyên sâu, mỗi cá nhân thường lựa chọn tập trung vào một công việc cụ thể. Các mảng phổ biến có thể kể đến như phát triển phần mềm (website, mobile), bảo mật, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, hệ thống nhúng, DevOps, điện toán đám mây và nhiều lĩnh vực khác.
Thông thường, các bạn trẻ khi mới bắt đầu sẽ đảm nhận vai trò Fresher/Junior ở vị trí Engineer/ Developer hoặc tương đương, chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm và giải pháp. Mức lương khởi điểm này khi vừa ra trường thường phổ biến từ 10-20 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí cao hơn.
Sau vài năm tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng, các bạn có thể thăng tiến lên các vị trí như Senior, Project Manager hoặc Technical Leader. Ở giai đoạn này, dựa vào chuyên môn vững vàng và kỹ năng quản lý, mức thu nhập có thể tăng đáng kể, dao động từ 40-50 triệu đồng/tháng hoặc hơn.
Ngoài lộ trình phát triển công việc như trên, một số bạn có thể lựa chọn hướng đi khác như giữ vị trí là Business Analyst hoặc Technical Sales. Đây cũng là những vai trò mang lại mức thu nhập hấp dẫn, vượt trội so với mặt bằng chung tại Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Lý giải về nhu cầu nhân lực cao trong lĩnh vực Khoa học máy tính, Tiến sĩ Trần Đăng Công – Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam chia sẻ: Sự “du nhập” ồ ạt như vũ bão của các dự án công nghệ từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhằm khai thác nguồn nhân lực trình độ cao với chi phí cạnh tranh; cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của dữ liệu lớn, các yêu cầu về an ninh mạng, bảo mật, vận hành, quản lý hệ thống và các giải pháp chống lại những cuộc tấn công mạng; cũng như do tốc độ phát triển chóng mặt của các công ty công nghệ mới đã đẩy nhu cầu nhân lực về ngành Khoa học máy tính ngày càng lớn.
Tại Mỹ, ngành Khoa học máy tính được xem là một trong những lĩnh vực có triển vọng nghề nghiệp tốt nhất, với mức lương trung bình đạt 86.320 đô la Mỹ/tháng, cao hơn 38.640 đô la Mỹ so với mức trung bình của các ngành nghề khác. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này vượt hơn 500.000 vị trí, trong khi số lượng kỹ sư Khoa học máy tính tốt nghiệp ra trường mỗi năm chỉ xấp xỉ khoảng 50.000 người.
Tại Việt Nam, theo báo cáo số liệu thống kê của VietnamWorks – trang tin tuyển dụng lớn nhất Việt Nam, trong 10 năm qua, nhu cầu nguồn lao động của ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin tăng lên gấp 4 lần và tiếp tục chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Khoa học máy tính là ngành học phù hợp với những bạn trẻ năng động, có tư duy sáng tạo, đam mê công nghệ. Theo học ngành nghề này, người học không bao giờ lo thất nghiệp mà còn có thu nhập cao, vì trong lĩnh vực này, nguồn cung không đủ cầu. Mức lương sau tốt nghiệp của kỹ sư Khoa học máy tính thường dao động trong khoảng từ 12-20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mức thu nhập cũng sẽ tăng nhanh theo năng lực và kinh nghiệm của mỗi người trong quá trình làm việc", Tiến sĩ Trần Đăng Công nhấn mạnh.
Theo đó, kỹ sư Khoa học máy tính sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc khác nhau như: cán bộ kĩ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm; chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học; quản trị dự án hệ thống mạng thông tin;…
Sinh viên ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Đại Nam, sinh viên được học từ kiến thức cơ bản đến chuyên sâu như khả năng thiết kế hệ thống xử lý, tính toán phức tạp, phát triển thuật toán trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khai phá dữ liệu hỗ trợ để ra quyết định kinh doanh, quản lý,…
Để không nằm ngoài công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Từng là sinh viên của ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học FPT - cơ sở giáo dục đại học do doanh nghiệp thành lập "tiên phong" trong việc xây dựng chương trình đào tạo chú trọng vào tính thực tiễn, gắn liền với doanh nghiệp, anh Phạm Thái Hoàng Tùng cho biết, trong thời gian học tập, nhà trường dành hẳn một học kì “on job training” (thực tập tại doanh nghiệp) kéo dài từ 4-8 tháng để tất cả các sinh viên tham gia thực hành bắt buộc, va chạm thực tế, tiếp cận và làm quen môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Với anh Hoàng Tùng, đây thực sự là khoảng thời gian quý báu để người học tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp sau này một cách đầy đủ và kỹ lưỡng nhất. Bản thân anh đã quyết định lựa chọn theo đuổi ngành học này bởi vì mong muốn làm việc trong lĩnh vực có thể phát huy tối đa thế mạnh của cá nhân là tư duy logic tốt và niềm say mê khám phá công nghệ.
Hơn nữa, trong bối cảnh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, anh Hoàng Tùng bày tỏ, bản thân không thể đứng ngoài công cuộc đó để bị bỏ lại phía sau, mà luôn mong muốn góp phần công sức vào sự phát triển về khoa học công nghệ của xã hội. Chính vì thế, anh càng quyết tâm theo đuổi ngành học này. Trong quá trình học tập và làm việc, anh đã giải quyết được nhiều vấn đề, đưa ra những cách làm sáng tạo, từ đó đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Chính những thành công này càng tiếp thêm cho anh động lực để tiếp tục gắn bó và phát triển trong lĩnh vực đầy triển vọng này.
Gửi gắm lời khuyên đến các bạn học sinh, sinh viên đang có mong muốn theo học ngành Khoa học máy tính, anh Hoàng Tùng cho rằng, người học nên chủ động dành thêm thời gian để trau dồi kiến thức, tích lũy kỹ năng qua các hoạt động như thực tập tại doanh nghiệp, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng những sản phẩm, dự án hoặc các cuộc thi có tính thực tiễn,... Các hoạt động này sẽ rèn luyện cho các bạn kỹ năng giải quyết, phân tích vấn đề thay vì chỉ dừng lại ở những bài tập có lời giải sẵn. Trong quá trình tìm tòi, các bạn cũng sẽ được va vấp với những công nghệ mới mà trường học có thể chưa kịp truyền tải hết, giúp người học có lợi thế hơn khi bước ra thị trường.
Tuy nhiên, các bạn cũng đừng nên xem nhẹ các kiến thức trên trường. Đây là những nền tảng cơ bản, cốt lõi của ngành mà người học sẽ gặp lại nó ở đâu đó trong công việc của mình. Theo quan điểm của anh Hoàng Tùng, việc vừa đảm bảo học tập tốt trên trường, vừa tranh thủ tham gia tích luỹ kinh nghiệm thực tế sẽ giúp các bạn trẻ không chỉ có một khởi đầu tốt trước mắt, mà còn có một sự nghiệp bền vững trong trung và dài hạn.
Còn theo bạn Dương Hà Anh - sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính, Đại học Brown (một trong 8 trường Ivy League danh tiếng của Mỹ), nữ sinh đã có thời gian tích lũy kinh nghiệm làm tập sự kỹ sư phần mềm ở các công ty công nghệ lớn nhất trên toàn cầu như Uber, Apple và mới đây nhận được thư mời làm việc từ Microsoft.
Em tìm cơ hội việc làm bằng cách lên mạng xã hội Linkedin để tra cứu địa chỉ liên hệ người phụ trách nhân sự của các công ty, sau đó gửi hồ sơ của mình vào những vị trí thực tập sinh kỹ sư phần mềm để đúng với ngành học. Trong suốt quá trình theo học ngành Khoa học máy tính tại đại học cho đến giờ, Hà Anh đã gửi khoảng 350 thư xin việc tới nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhỏ khác nhau, trải qua nhiều vòng ứng tuyển gắt gao, khó nhằn.
Quy trình xin thực tập ở Mỹ thường có 2-3 vòng chính, gồm khâu xét đơn xin việc, bài kiểm tra và phỏng vấn. Hà Anh đã được trải nghiệm kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường chuyên nghiệp ở Uber với nhiệm vụ thiết kế một tính năng liên quan thông tin chuyến đi, khách hàng và tài xế. Còn tại Apple, em trải qua bài kiểm tra khả năng tư duy, logic, viết code và xử lý tình huống; tham gia dự án cải thiện trải nghiệm xem ảnh và video 3D của người dùng kính Vision Pro, qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thời gian đó, em đã phải dành 12-13 tiếng mỗi ngày ở công ty để hoàn thành trước hạn nộp báo cáo, Hà Anh đồng thời chủ động học thêm kiến thức, ngôn ngữ lập trình Swift để đáp ứng yêu cầu công việc, học hỏi giao lưu kết nối với đồng nghiệp để được hỗ trợ và rèn luyện kỹ năng mềm.
Để được nhận thư mời trở thành nhân viên chính thức của Microsoft, Hà Anh tiếp tục tham gia vòng tuyển dụng với bài kiểm tra trực tuyến dài khoảng 2 tiếng về logic và lập trình; vòng phỏng vấn về kiểm tra kiến thức, định hướng các dự án của ứng viên cùng một số tình huống giả định. Thời gian tới, em dự định học thêm môn Toán, bổ sung kiến thức chuyên ngành liên quan đến phần cứng máy tính.
Để được nhận vào thực tập, làm việc ở các tập đoàn lớn, Hà Anh cho rằng, ứng viên nên có điểm sáng trong hồ sơ là sự cầu tiến, thể hiện được đam mê với lĩnh vực đang theo đuổi. Chuẩn bị sớm, kiên trì, tập trung làm điều mình thích thay vì chạy theo xu hướng là những điều quan trọng em rút ra sau quá trình xin việc.