Những vấn đề, sự kiện giáo dục được nhiều thầy cô quan tâm trong năm 2024

27/01/2025 07:28
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cùng nhìn lại các sự kiện được nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh quan tâm trong năm 2024.

Năm 2024 là năm mà ngành giáo dục gặt hái được nhiều thành tựu, từng bước nâng cao vai trò vị thế của nhà giáo trong nước và quốc tế, được nhân dân đánh giá cao, tuy vậy vẫn còn một số tồn tại hạn chế, bất cập cần được nhìn nhận thẳng thắn và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Là giáo viên, người viết xin được nêu 10 sự kiện được nhiều cán bộ quản lý, giáo viên quan tâm.

GDVN - education.vnu.edu.vn.jpg
Ảnh minh họa

Thứ nhất, lần đầu tiên dự thảo Luật Nhà giáo được trình bày trước Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội nghe các trưởng ngành trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Dự án Luật Nhà giáo và thảo luận ở tổ vào chiều cùng ngày. Đây là lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình tại Quốc hội.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, ngày 09/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 09 chương, 50 điều. Trong đó đáng chú ý, những điểm mới chung của dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20/11 như sau:

Lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; Nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; Chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; Chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; Chính sách tiền lương và đãi ngộ; Quản lý nhà nước về nhà giáo

Luật Nhà giáo dự kiến sẽ sớm được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Thứ hai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở toàn bộ các lớp tại 3 cấp học

Năm học 2024-2025: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng cho toàn bộ khối lớp theo Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện chương trình mới với nhiều điểm mới, ngành giáo dục từng bước đổi mới, thích nghi và đạt được những thành tựu bước đầu, khắc phục được những hạn chế.

Tuy vậy, một số vấn đề về chọn môn học ở trung học phổ thông, các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương,…vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm có những phương án quyết liệt để khắc phục các bất cập.

Thứ ba, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế

Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Gồm đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, năm 2024 tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc.

Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đạt thứ hạng cao; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong top cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.

Thứ tư, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên

Theo lộ trình nếu từ 01/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương, giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên, điều này cũng khiến giáo viên băn khoăn.

Tuy nhiên, từ 01/7/2024, chưa thực hiện cải cách tiền lương mà chỉ tăng lương cơ sở, nên giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Như vậy từ 01/7, mức lương cơ sở mới chính thức tăng từ 1,8 triệu mỗi tháng lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng (tăng 540,000 đồng- tương ứng 30%), bên cạnh đó còn bổ sung thêm 10% tiền thưởng,…

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Thứ năm, giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể xét chiến sĩ thi đua cơ sở

Theo quy định mới tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2022, để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” thì cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.

Lưu ý, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Như vậy theo quy định mới, để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì giáo viên không còn bắt buộc phải có sáng kiến mà có thể thay bằng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài khoa học...

Thứ sáu, chuyện lạm thu vẫn còn gây bức xúc

Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay, việc "lạm thu" vẫn len lỏi trong các nhà trường, dưới danh nghĩa ban phụ huynh, đặc biệt vào dịp đầu năm học. Nhiều phụ huynh chia sẻ rất “sợ” tham gia các buổi họp phụ huynh vì danh mục các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa”, từ tiền mua điều hòa, rèm cửa, tivi… thậm chí mua máy tính xách tay cho giáo viên hay các khoản trang trí lớp học, quà tặng dịp lễ tết. Có nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” nhưng thực tế có tính chất cào bằng, mức thu từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/học sinh. Thay vì đóng góp, ủng hộ tùy vào tấm lòng, hoàn cảnh gia đình thì nay lại bị buộc phải đóng theo số tiền đã ấn định.

Thứ bảy, ban hành Thông tư dạy thêm hạn chế tiêu cực khi dạy thêm

Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14 tháng 02 năm 2025.

Thông tư với các quy định rất cụ thể, rõ ràng để cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện. Những quy định này theo người viết đánh giá là đúng với tinh thần chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Quy định mới của Thông tư 29, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hạn chế tiêu cực về dạy thêm.

Thứ tám, môn “tích hợp” ở trung học cơ sở vẫn còn tồn tại bất cập cần khắc phục

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp ở cấp trung học cơ sở như các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,… nhưng thực tế ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Dạy học theo chủ đề hay dạy song song thì cách nào cũng chưa thể khắc phục được vấn đề tồn tại của những môn tích hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên