Phụ huynh, HS mong có nhiều phương tiện giao thông xanh, giảm ô nhiễm môi trường

11/01/2025 07:06
Trịnh Chinh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trước vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, các phương tiện giao thông xanh đang dần được các phụ huynh và học sinh ưu tiên sử dụng.

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông vận tải thì việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu sang các phương tiện giao thông xanh như xe sử dụng điện, năng lượng xanh là một xu hướng tất yếu.

Hiện nay, học sinh và phụ huynh cũng đã được tiếp cận các phương tiện giao thông xanh và nhận thấy tầm quan trọng của giao thông bền vững đối với môi trường và sức khỏe con người.

Phương tiện giao thông điện mang tới trải nghiệm xanh - sạch - đẹp

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về trải nghiệm khi di chuyển bằng xe buýt điện, anh Lưu Xuân Trung (huyện Ứng Hoà, Hà Nội), phụ huynh của ba em học sinh, trong đó bạn lớn nhất đang học lớp 7, bày tỏ sự hài lòng: “Tôi đánh giá rất cao trải nghiệm khi tham gia giao thông bằng xe buýt điện. Hành khách có thể trải nghiệm không gian trong xe rất xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể sử dụng wifi miễn phí và sạc các thiết bị thông minh trên xe. Đặc biệt, thái độ của lái xe, phụ xe cũng rất thân thiện và lịch sự”.

Tương tự như anh Lưu Xuân Trung, bạn Bùi An Hiếu, học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ rất hài lòng khi sử dụng các dịch vụ xe điện: “Em thường đến trường bằng xe buýt điện hoặc xe taxi điện và đặc biệt ấn tượng với xe buýt điện. Xe buýt điện hoạt động rất nền nếp, quy củ, dừng đúng điểm dừng và có thời gian chờ các hành khách lên xuống xe hợp lý. Thậm chí hành khách còn được phụ xe cúi chào rất lịch sự, chuyên nghiệp. Khác với các xe buýt truyền thống khi mà xe đóng, mở cửa rất nhanh, đòi hỏi hành khách lúc nào cũng phải vội vã di chuyển lên xuống nhanh chóng, thậm chí nhiều khi không kịp lên xe và lỡ chuyến”.

GDVN_giaothongxanh (2).jpg
Xe buýt điện là phương tiện giao thông mà bạn Bùi An Hiếu thường lựa chọn để đến trường. (Ảnh: Trịnh Chinh)

Ngoài các phương tiện như xe buýt điện, xe taxi điện thì xe đạp hay xe đạp điện cũng được sử dụng khá phổ biến, nhất là đối với các em học sinh trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông. Em Lê Minh Anh, học sinh lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đa phần các bạn học sinh ở trường sử dụng xe đạp để đi học, một số thì sử dụng xe đạp điện. Em cũng thường xuyên sử dụng xe đạp đến trường vì xe gọn nhẹ, dễ điều khiển.

Bên cạnh đó, đi xe đạp cũng là cách vừa rèn luyện sức khỏe vừa bảo vệ môi trường vì xe không thải ra môi trường khí thải độc hại. Ngoài ra, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cũng thường tổ chức các buổi sinh hoạt, ngoại khoá để giáo dục học sinh về giao thông xanh, giao thông bền vững vậy nên đây cũng là lý do khiến em và các bạn học sinh khác ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường”.

Với việc sử dụng nhiên liệu sạch, các phương tiện giao thông xanh giúp giảm khí thải từ khói bụi, nhiên liệu xăng dầu và góp phần cải thiện chất lượng không khí. Theo anh Lưu Xuân Trung, cần sớm thay thế các phương tiện sử dụng xăng, dầu bằng các phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh để hướng tới giao thông bền vững: “Vấn đề ô nhiễm ở nội đô đang ngày càng nghiêm trọng, Hà Nội thậm chí có những ngày còn đứng đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Vậy nên tôi hy vọng trong thời gian tới xe điện hoặc các xe sử dụng nhiên liệu xanh sẽ được sử dụng phổ biến hơn và có thể thay thế hoàn toàn xe xăng, dầu”.

Cần có cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các phương tiện giao thông xanh công cộng

Mặc dù sử dụng phương tiện giao thông xanh để tham gia giao thông mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bạn Bùi An Hiếu, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương bày tỏ: “Cần có cơ sở hạ tầng tốt hơn cho việc di chuyển bằng các phương tiện giao thông xanh như xe buýt điện để học sinh đến trường thực sự thuận tiện. Như hiện tại ở xung quanh Trường Trung học phổ thông Xuân Phương có khá ít tuyến xe buýt điện, nếu học sinh muốn đi xe buýt điện từ trường về nhà thì phải đi khoảng 1-2 tuyến xe buýt khác hoặc đi bộ 2-3km mới có thể đến được trạm dừng của xe buýt điện. Điều này khiến việc di chuyển trở nên rất bất tiện”.

Đối với tàu điện trên cao - một phương tiện giao thông công cộng giúp người dân di chuyển nhanh chóng thì hiện nay cũng chỉ mới hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang dần hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Chị Quỳnh Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh của một em học sinh đang học lớp 5, thường lựa chọn đi làm bằng tàu điện trên cao. Tuy nhiên, theo chị mặc dù sử dụng tàu điện trên cao mang đến nhiều lợi ích nhưng lại chưa thực sự thuận tiện.

“Tàu điện trên cao có rất nhiều tiện ích như không gian sạch sẽ, tần suất khoảng 6-10 phút/1 chuyến và sức chứa gần 1000 hành khách. Tuy nhiên các tuyến ga tàu còn ít và điểm dừng lại chưa thuận tiện cho người dân. Ví dụ như tôi sử dụng tàu điện trên cao để đi làm thì sau khi đến điểm dừng gần công ty nhất, tôi phải đi bộ thêm khoảng 10 phút. Còn nếu cần đi đến các địa điểm xa hơn thì tôi buộc phải lựa chọn phương tiện khác vì chưa có tuyến tàu điện trên cao đến địa điểm đó. Trong tương lai tôi hy vọng sẽ có giải pháp để người dân di chuyển bằng tàu điện trên cao thuận tiện hơn và các phương tiện giao thông xanh có nhiều hơn”, chị Quỳnh Hoa chia sẻ.

GDVN_7.jpg
(Ảnh: Trung Dũng)

Để khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông xanh, công cộng thay vì các phương tiện sử dụng xăng dầu, anh Lưu Xuân Trung cho rằng: “Cần tăng dần số lượng phương tiện sử dụng điện, sử dụng năng lượng xanh, nhất là các phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể di chuyển thuận tiện và tiết kiệm thời gian chờ đợi các tuyến xe buýt.

Ở khu vực nơi tôi sinh sống, cũng đã có khá nhiều người dân sử dụng xe đạp điện, xe máy điện để di chuyển vì xe sử dụng nhiên liệu sạch, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Nhưng xe buýt điện thì mới có ở nội đô, chưa phổ biến ở các khu vực ngoại thành, vậy nên người dân nếu muốn di chuyển bằng xe buýt thì vẫn cần đi xe buýt truyền thống”.

Ngoài ra, theo anh Lưu Xuân Trung, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa tầm quan trọng của các phương tiện giao thông xanh đối với bảo vệ môi trường, đặc biệt là giáo dục, nâng cao nhận thức của các em học sinh: “Thông thường ở trường học, học sinh cũng đã được thầy cô giáo dục về giao thông xanh song song với an toàn giao thông. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần hỗ trợ nhà trường để giáo dục con cái về vấn đề này và khuyến khích các con tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông xanh như xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện hay xe buýt điện, tàu điện trên cao.

Để làm được điều này, các phụ huynh có thể chia sẻ với con cái về những lợi ích của việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường khi tham gia giao thông. Hoặc, phụ huynh có thể cho các con trải nghiệm thực tế để có sự so sánh rõ ràng nhất giữa việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh và sử dụng các phương tiện nhiên liệu xăng, dầu”.

GDVN_giaothongxanh (1).jpg
Cần giáo dục giới trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. (Ảnh: Trịnh Chinh)

Trong khi đó, bạn Bùi An Hiếu cũng cho rằng học sinh cần có sự chủ động học hỏi về các kiến thức liên quan đến giao thông xanh, giao thông bền vững: “Các học sinh đều cần phải có kiến thức về giao thông xanh và nhận thức được tầm quan trọng của giao thông xanh đối với tình hình môi trường hiện nay.

Nếu như việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh được nhân rộng thì chắc chắn chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Với môi trường trong lành, dễ chịu thì người dân cũng không còn cần lo lắng về vấn đề sức khỏe khi phải sống cùng khói bụi, ô nhiễm như hiện nay”.

Trịnh Chinh