Nguyên nhân của những phát ngôn lệch chuẩn ở giới trẻ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) nhận định rằng thói quen nói tục và sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực ở giới trẻ có nguyên nhân sâu xa từ những thói quen xấu của người lớn.
Trước hết, nhiều bậc phụ huynh hoặc người lớn trong gia đình thường vô tình sử dụng lời lẽ thiếu chuẩn mực mà không để ý đến sự hiện diện của trẻ nhỏ. Những hành vi này vô tình trở thành hình mẫu tiêu cực khiến trẻ bắt chước, ảnh hưởng lâu dài đến cách giao tiếp và nhận thức về chuẩn mực ngôn từ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội và văn hóa giải trí cũng góp phần không nhỏ đến hành vi ngôn ngữ của người trẻ. Trên các nền tảng trực tuyến, nhiều video hoặc nội dung có tính giải trí cao thường lồng ghép ngôn ngữ thô tục để gây chú ý. Đặc biệt, các nhà sáng tạo nội dung đã “bình thường hóa” việc sử dụng ngôn từ thiếu văn minh, khiến giới trẻ xem đây là cách thể hiện cá tính hoặc gây ấn tượng với bạn bè.
Ngoài ra, việc tiếp cận văn hóa ngoại lai một cách thiếu chọn lọc cũng tạo ra những lệch lạc trong giao tiếp. Nhiều bạn trẻ áp dụng các từ ngữ ngoại nhập mà không hiểu rõ ngữ cảnh, thậm chí sử dụng sai cách, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong giao tiếp hằng ngày.
Thêm vào đó, sự buông lỏng trong quản lý và định hướng từ gia đình và nhà trường là nguyên nhân không thể bỏ qua. Không ít phụ huynh quá tập trung vào thành tích học tập mà xem nhẹ việc giáo dục con cái văn hóa giao tiếp. Trong khi đó, nhà trường đôi khi chưa có các biện pháp cụ thể để điều chỉnh hành vi ngôn ngữ của học sinh. Sự thiếu kết nối giữa gia đình và nhà trường đã khiến vấn đề này trở nên dai dẳng và khó kiểm soát hơn.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Cao Phương Thao, nghiên cứu viên Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thành viên bộ phận tâm lý học đường Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Ngôn ngữ đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành nhân cách và phát triển tư duy thông qua chức năng của nó. Nó vừa là phương tiện giao tiếp vừa là một công cụ biểu tượng mà chúng ta sử dụng để truyền đạt suy nghĩ cũng như thể hiện các quá trình nhận thức của mình. Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu của tư duy và là một trong những cách giúp chúng ta truyền đạt thế giới nhận thức phong phú của mình.
Do đó, ngôn ngữ chúng ta nói không chỉ tạo điều kiện cho giao tiếp tư duy mà còn định hình và đa dạng hóa tư duy. Có ngôn ngữ, dù bằng lời nói hay cử chỉ thì học sinh mới có thể nghe hiểu ý tưởng người khác truyền đạt, suy nghĩ về ý tưởng đó và tự suy ngẫm, hoàn thiện bản thân để rồi sau đó biểu đạt những ý tưởng của bản thân mình. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là lời nói của học sinh lúc nào cũng thể hiện được tư duy của các em và ngược lại.
Giai đoạn học sinh là lúc các em bị ảnh hưởng mạnh bởi các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là bạn bè. Việc nói tục hoặc sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực được các bạn trẻ sử dụng để biểu đạt cảm xúc, tăng tính biểu cảm, tạo ấn tượng vượt trội, hoặc đơn thuần là do môi trường xung quanh bình thường hoá việc sử dụng ngôn ngữ đó. Kết quả là đôi khi hành vi này vô tình trở thành nỗ lực để kết nối, hòa nhập, hoặc trở thành tâm điểm trong nhóm.
Thực tế, tôi đã gặp trường hợp một học sinh gặp khó khăn trong việc kết bạn vì các em xem những người nói tục là "không tốt", trong khi phần lớn bạn bè xung quanh đều nói tục. Qua quá trình tiếp xúc, học sinh đó đã nhận ra rằng những người bạn đó vẫn là người tốt, dù hành vi ngôn ngữ của họ không hoàn toàn đúng chuẩn”.
Trong khi đó, bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay là một hiện tượng xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ trào lưu và các cá nhân có tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhỏ, không phản ánh toàn bộ giới trẻ.
Môi trường giáo dục của trẻ được cấu thành từ ba yếu tố chính: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi yếu tố này đều góp phần vào sự phát triển của trẻ em. Có những gia đình luôn chú trọng đến việc giáo dục con cái, từ việc rèn luyện lời ăn tiếng nói đến thái độ ứng xử. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình lại để trẻ tự do phát triển, trong khi cha mẹ bận rộn với công việc, thiếu thời gian quan tâm đến con cái. Điều này khiến người trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là từ mạng xã hội trong khi các em chưa định hình được giá trị ngôn ngữ và hành vi đúng đắn.
Ngoài ra, môi trường nhà trường chưa đáp ứng đầy đủ sự giáo dục theo hướng cá nhân hóa để hỗ trợ đầy đủ cho học sinh phát triển toàn diện. Cùng với đó, xã hội hiện nay với quá nhiều thông tin thật giả lẫn lộn càng khiến các bạn trẻ khó khăn trong việc phân biệt và xây dựng nền tảng giá trị vững chắc cho bản thân.
Bà Tăng Thị Ngọc Mai cũng nhấn mạnh rằng, không phải tất cả người trẻ đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Phần lớn các em vẫn phát triển theo hướng tích cực, đặc biệt là những trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình có sự gắn kết và quan tâm đầy đủ từ cha mẹ.
Giáo dục học sinh sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt
Chia sẻ về những giải pháp cụ thể từ gia đình, nhà trường và xã hội, bà Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, phát ngôn "chuẩn" hay "lệch chuẩn" phụ thuộc vào quan điểm và góc nhìn của từng cá nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có cái nhìn khách quan và tập trung vào việc định hướng giáo dục ngôn ngữ một cách bền vững. Việc thay đổi một trào lưu ngôn ngữ không thể diễn ra trong thời gian ngắn mà cần có một chiến lược lâu dài, bắt đầu từ nền tảng gia đình, nhà trường, mạng xã hội, cơ quan quản lý và toàn xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội và hành vi, cách ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách và thói quen của con cái. Hành vi của cha mẹ là tiền đề để con trẻ học hỏi, tiếp thu và xây dựng những giá trị sống, định hình cách ứng xử và ngôn ngữ trong các mối quan hệ xã hội.
Chúng ta cần xem xét việc bổ sung các điều khoản cụ thể trong Luật Hôn nhân và Gia đình về đào tạo tiền hôn nhân. Việc giáo dục trước hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho gia đình mà còn góp phần nuôi dưỡng thế hệ trẻ phát triển toàn diện về nhân cách và hành vi.
Bên cạnh đó, nhà trường cần nâng cao tình yêu tiếng Việt qua việc giảng dạy môn Ngữ văn, cũng như các môn học liên quan. Thông qua hoạt động giáo dục giúp học sinh cảm nhận được sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngôn ngữ và có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong giao tiếp.
Bên cạnh giáo dục, sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng cũng đóng vai trò quan trọng. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa và giáo dục cần thắt chặt hơn nữa quy định về vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội, định hướng nội dung trên các nền tảng truyền thông, hạn chế tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của giới trẻ.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh rằng, để nâng cao văn hóa giao tiếp, sử dụng ngôn từ chuẩn mực, gia đình cần đóng vai trò tiên phong trong việc định hướng cho trẻ. Phụ huynh nên tránh sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực trước mặt con trẻ, đồng thời làm gương bằng cách sử dụng lời nói lịch sự và văn minh trong giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện để hiểu suy nghĩ và cách sử dụng ngôn ngữ của con, từ đó kịp thời điều chỉnh các sai lệch.
Nhà trường cũng cần đóng vai trò trung tâm trong việc rèn luyện văn hóa giao tiếp của học sinh. Giáo viên nên giữ chuẩn mực trong lời nói, hành động và làm gương sáng cho học sinh noi theo. Đồng thời, các trường học có thể tổ chức những buổi thảo luận, chuyên đề thực tiễn về văn hóa ngôn ngữ để học sinh tự nhận thức và sửa đổi hành vi của mình.
Song song với đó, việc xây dựng môi trường học đường hạnh phúc là một giải pháp toàn diện để cải thiện văn hóa ngôn ngữ. Nhà trường cần tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện nhân cách và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, thay vì chỉ tập trung vào các môn học chính khóa.
Cuối cùng, xã hội cần chung tay thúc đẩy văn hóa ngôn ngữ bằng cách tuyên truyền rộng rãi thông qua các chiến dịch cộng đồng và mạng xã hội. Các nhà sáng tạo nội dung trên mạng cần có trách nhiệm hơn trong việc sản xuất nội dung, tránh cổ súy cho việc sử dụng ngôn ngữ thô tục.
Nâng cao văn hóa ngôn từ không chỉ là nhiệm vụ của riêng gia đình hay nhà trường mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ toàn xã hội. Một thế hệ trẻ văn minh, sử dụng ngôn ngữ lịch sự, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ là nền tảng để xây dựng một môi trường học đường lành mạnh và một xã hội tiến bộ, giàu giá trị nhân văn.
Về góc độ tâm lý học, Thạc sĩ Cao Phương Thao chỉ ra từng bước cụ thể giúp học sinh điều chỉnh hành vi ngôn ngữ. Theo đó, bước 1 là giáo dục tâm lý giúp các em nhận thức được các ngôn ngữ không nên nói và tác động tiêu cực của nó. Bước 2 là giáo dục kỹ năng, hướng dẫn học sinh các kỹ năng giao tiếp tích cực và kiểm soát cảm xúc để giải quyết một số nguyên nhân có thể dẫn tới việc sử dụng ngôn ngữ cấm kỵ. Bước 3 là xây dựng giá trị bản thân và định hướng hành vi thông qua mô hình hóa và củng cố tích cực.
Ngoài ra, việc phát triển môi trường ngôn ngữ tích cực, lành mạnh trong thời đại số cũng là một vấn đề phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều và dài hạn. Cụ thể:
Trong nhà trường cần thiết lập quy định về quy tắc ứng xử rõ ràng, đảm bảo học sinh hiểu được hậu quả của việc nói tục chửi bậy và áp dụng các quy tắc một cách nhất quán để đảm bảo sự công bằng. Quy tắc ứng xử này đi kèm với kỹ năng kỷ luật luỹ tiến, bắt đầu bằng cảnh cáo và tăng dần đến hậu quả nghiêm trọng hơn nếu vi phạm tiếp diễn.
Người lớn nên giáo dục giá trị ngôn ngữ cho học sinh từ sớm qua các hoạt động thực tế, văn hóa, đặc biệt các tiết học tiếng Việt và Ngữ văn. Gia đình và nhà trường có thể tạo ra các cuộc thảo luận về tác động của việc nói tục, chửi bậy bao gồm khả năng gây khó chịu hoặc xa lánh của người khác cũng như nâng cao nhận thức ngôn ngữ cho các em về ngôn ngữ phù hợp trong các bối cảnh khác nhau và tầm quan trọng của giao tiếp tôn trọng.
Gia đình và nhà trường cần khuyến khích các em giao tiếp thông qua những mô hình hành vi phù hợp của bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Nghĩa là mọi người xung quanh cần làm gương về ngôn ngữ và hành vi của mình, đặt ra tiêu chuẩn để học sinh tuân theo. Sau đó ghi nhận và khen thưởng khi các em thể hiện thái độ giao tiếp tôn trọng.
Ngoài ra, nhà trường nên triển khai các chương trình dạy kỹ năng giải quyết xung đột và kiểm soát cảm xúc, giúp học sinh thể hiện bản thân mà không cần phải nói tục.