Học phí ngành Luật chênh lệch lớn giữa các trường, có nơi đến 165 triệu đồng/năm

24/08/2022 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học phí đào tạo nhóm ngành Luật của hầu hết các trường đại học tự chủ trong năm học mới này đều có sự tăng mạnh so với năm học trước.

Năm học 2022-2023, học phí nhiều trường đại học đồng loạt tăng mạnh. Theo ghi nhận, học phí đào tạo nhóm ngành Luật của hầu hết các trường đại học tự chủ trong năm học này cũng tăng mạnh so với năm học trước.

Để có cái nhìn tổng quát về sự thay đổi học phí của các trường đại học sau khi tiến hành tự chủ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổng hợp chi phí đào tạo ngành Luật ở một số trường đại học tự chủ (theo Nghị quyết 77 của Chính phủ).

Năm nay, mức học phí nhóm ngành Luật của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Cụ thể, năm nay, học phí nhóm ngành Luật hệ đại trà dao động từ 31.250.000 đồng - 39.000.000 đồng/năm học. Đối với hệ chất lượng cao, học phí dao động từ 62.500.000 đồng - 165.000.000 đồng/năm học.

Lộ trình học phí trong 4 năm học áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Lộ trình học phí trong 4 năm học áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, năm học 2020-2021 và năm 2021-2022 trường áp dụng cùng mức học phí các lớp đại trà từ 18.000.000 đồng - 36.000.000 đồng/năm, các lớp chất lượng cao từ 45.000.000-49.500.000 đồng/năm.

Như vậy, so với năm học 2021-2022 thì học phí năm học 2022-2023 có sự tăng vọt đáng kể. Cụ thể, các ngành Luật hệ đại trà tăng hơn 13.000.000 đồng (các ngành luật, quản trị kinh doanh, Luật thương mại quốc tế) và tăng khoảng 17.000.000 đồng với hệ chất lượng cao (Luật, Quản trị kinh doanh)....

Riêng năm học 2022-2023, trường có thêm ngành Luật được tổ chức giảng dạy bằng 100% Tiếng Anh (hệ chất lượng cao) với mức học phí dự kiến là 165.000.000 đồng/năm học. Như vậy để hoàn thành khóa học, người học phải chi trả khoảng 765.900.000 đồng cho 4 năm học.

Trong khi đó, trước khi áp dụng cơ chế tự chủ đại học, học phí của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh ở 6.000.000 -7.000.000 đồng/năm. Cụ thể, năm 2015 khoảng 6.250.000 đồng/năm, năm 2016 khoảng 7.200.000 đồng/năm.

Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 2 ngành Luật và Luật kinh tế, với mức học phí áp dụng năm học 2022-2023 dự kiến là 23.000.000 đồng/năm đối với hệ đại trà, 39.000.000 đồng đối với hệ chất lượng cao (ngành Luật kinh tế) - gấp khoảng 1,7 lần mức học phí hệ đại trà.

Năm học 2021-2022, mức học phí ngành Luật của trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh hệ đại trà là 20.500.000 đồng/năm, hệ chất lượng cao khoảng 36.000.000 đồng/năm.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, học phí năm nay dự kiến khoảng 22.550.000 đồng/năm đối với ngành Luật hệ đại trà, khoảng 39.890.000 đồng/năm đối với hệ chất lượng cao. Cùng với lộ trình tăng học phí hàng năm, dự kiến người học phải mất khoảng 188.593.000 đồng để hoàn tất chương trình đào tạo hệ chất lượng cao của trường.

Năm 2021, học phí ngành Luật hệ đại trà khoảng 20.500.000/năm, hệ chất lượng cao khoảng 36.264.000 đồng/năm.

Năm 2020, học phí hệ đại trà khoảng 18.500.000, hệ chất lượng cao khoảng 32.670.000 đồng/năm.

Mức học phí này không bao gồm học phí kỹ năng tiếng Anh.

Luật cũng là một ngành hot của trường Đại học Ngoại thương. Với chương trình hệ đại trà, trường đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế, học phí năm nay dự kiến là 22.000.000 đồng; Ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp theo chương trình chất lượng cao, mức học phí dự kiến khoảng 60.000.000 đồng/năm. Mức học phí này so với năm trước đã tăng thêm tới 20.000.000 đồng, cụ thể năm học 2021-2022 học phí ngành này là 40.000.000 đồng.

Với tổng diện tích lên tới 8,205 ha, trường Đại học Ngoại thương có hơn 300 phòng học, phòng thí nghiệm lớn nhỏ khác nhau nhằm phục vụ cho công tác dạy học. Ngoài ra, hệ thống phòng thực hành pháp luật còn được trang bị thêm bàn ghê, loa đài, ti vi được thiết kế theo đúng mẫu của mô hình xét xử,... Kho dữ liệu thư viện điện tử cũng đa dạng và phong phú, cho phép sinh viên trao đổi thông tin thư mục và nguồn tin số với thư viện cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh và cơ sở Quảng Ninh.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của trường Đại học Ngoại thương. Ảnh chụp màn hình

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất của trường Đại học Ngoại thương. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Thương mại đào tạo 2 ngành Luật kinh tế và Luật thương mại quốc tế theo chương trình đào tạo hệ chuẩn. Mức học phí dự kiến được trường công bố trong đề án tuyển sinh năm 2022 là 23.000.000-25.000.000 đồng/năm.

Năm học 2021-2022, học phí của trường Đại học Thương mại chỉ từ 16.000.000-17.000.000 đồng/năm với chương trình đào tạo hệ chuẩn. So với năm nay, mức học phí này đã tăng thêm khoảng 7.000.000 đồng-8.000.000 đồng/năm.

Về hệ thống cơ sở vật chất, trường Đại học Thương mại Hà Nội gồm 2 cơ sở: trụ sở chính đặt tại 79 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội và một phân hiệu tại Hà Nam, tổng diện tích đất tại 2 cơ sở đều trên 40.000m2. Toàn trường có khoảng 272 phòng học, trung tâm nghiên cứu, hội trường,... phục vụ cho hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên.

Như vậy, tùy vào từng ngành Luật cụ thể và hệ đào tạo, mức học phí dao động từ khoảng 22.000.000 đồng - 165.000.000 đồng/năm.

So với mặt bằng chung giữa các trường, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đang có chi phí đào tạo cao hơn so với các trường đại học khác.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021 quy định khung học phí mới áp dụng từ năm học 2022-2023 (Nghị định này thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP). Trong đó quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.

Doãn Nhàn