Hiện HS vẫn chưa có SGK: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, nằm ở khâu nào?

17/09/2022 06:40
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo nguyên ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, có những thách thức, mà khi xây dựng chương trình chưa tính đến giải pháp, Đoàn giám sát cần làm rõ.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Ngày 11/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát đã họp phiên thứ nhất, nhằm thống nhất nhận thức, hành động trong Đoàn giám sát, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để có được kế hoạch, chương trình, đề cương báo cáo.

Là người quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực giáo dục, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hiền (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, hiện đang là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An) nhìn nhận, đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề luôn được nhiều dư luận quan tâm.

Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là rất hợp lý.

Chuyên đề giám sát này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng. Do đó, thực hiện tốt chuyên đề giám sát sẽ tạo bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: NVCC).

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: NVCC).

Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, có một số vấn đề liên quan đến thực hiện hai Nghị quyết trên khiến ông băn khoăn và mong Đoàn giám sát làm rõ.

Cụ thể, ông Hiền cho biết: “Thứ nhất, qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy nhiều ý kiến phản ánh từ nhà trường, giáo viên về vấn đề tiếp cận với sách giáo khoa.

Ở một số địa phương, khi đã bước vào năm học nhưng thầy cô và học trò vẫn phải học “chay” với sách giáo khoa bản điện tử. Có thể kể đến tình trạng này như một số trường trung học phổ thông tại Sơn La. Vấn đề này được phản hồi từ phía lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, là do việc ủy quyền phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bản chưa đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, số lượng sách giáo khoa mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung ứng cho đơn vị được ủy quyền trên địa bàn tỉnh không đủ theo mốc thời gian quy định.

Năm học mới đã điểm, mà học sinh, giáo viên còn chưa được tiếp cận với sách giáo khoa, thì chất lượng giảng dạy và học tập tại các nhà trường sẽ ra sao? Trách nhiệm này thuộc về ai, nằm ở khâu nào? Tôi mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ vấn đề này.

Thứ hai, một vấn đề mà tôi cho rằng, cử tri cả nước đang rất quan tâm, đó là giải pháp để giá sách giáo khoa không tiếp tục “tăng phi mã”. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề này đã được đề cập rất nhiều. Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Vậy nên, tôi mong Đoàn giám sát sẽ phát huy hết chức năng và khả năng, để đem đến câu trả lời “thỏa mãn” dư luận, làm sao để kiểm soát được giá sách.

Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém, đó là “lợi dụng” thị trường khan hiếm sách giáo khoa, một số nhà trường có tình trạng bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc”, trong khi có những cuốn sách tham khảo cả năm không dùng đến, gây tốn kém, lãng phí. Hiện tại, có còn tình trạng này hay không? Cần có sự rà soát kỹ lưỡng tại các địa phương, tránh để lọt những nơi “móc túi” người dân như vậy.

Chưa kể, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ cấu đội ngũ giáo viên tại các nhà trường cũng đòi hỏi có sự thay đổi lớn. Nhiều nhà trường ở tất cả các cấp học đều đang đứng trước “bài toán” thiếu giáo viên, đặc biệt ở những môn học mới, chẳng hạn như Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, hay Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông...

Trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều Sở, phòng và bản thân các nhà trường cũng đã có giải pháp tình thế. Tuy nhiên, để giải quyết “bài toán” một cách triệt để, vẫn chưa có giải pháp tổng thể. Tại sao khi xây dựng chương trình, chúng ta chưa tính đến “cách giải” của “bài toán” này, mà đã vội đưa vào triển khai?

Nếu tiếp tục để tình trạng nhà trường phải “đi mượn” giáo viên, thì học sinh làm sao yên tâm học tập, giáo viên làm sao yên tâm giảng dạy, nhà trường làm sao đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả? Chính vì vậy, tôi cũng mong Đoàn giám sát làm rõ nội dung này”.

Vấn đề thiếu giáo viên tại các nhà trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đang được quan tâm. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Vấn đề thiếu giáo viên tại các nhà trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đang được quan tâm. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Cuối cùng, theo ông Nguyễn Thanh Hiền, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt qua hơn 2 năm ngành giáo dục đương đầu với dịch bệnh Covid-19.

“Tuy nhiên, không vì “đổ lỗi” cho dịch bệnh mà viện cớ cho tiến trình triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, hay hiệu quả chưa cao.

Chính vì vậy, tôi hy vọng, Đoàn giám sát sẽ lắng nghe, ghi nhận những khó khăn chung của ngành giáo dục. Các đại biểu tham gia Đoàn giám sát cần nêu cao trách nhiệm, làm việc công tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành và các địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hiền cũng đề cập: “Tại phiên họp thứ nhất ngày 11/9 của Đoàn giám sát, một số đại biểu đã ý kiến đề nghị nên bổ sung phương pháp thăm dò ý kiến dư luận, nhằm nghiên cứu, đánh giá ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung phương pháp tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này, nhằm so sánh hệ thống chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của nước ta với một số nước khác, nhất là những nước có nét tương đồng về thể chế chính trị.

Tôi cho rằng đây là những ý kiến xác đáng, rất kịp thời và thực sự cần thiết. Mong rằng các thành viên Đoàn giám sát có thể tích cực tham khảo kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát”.

Ngân Chi