ĐBQH mong Đoàn giám sát làm rõ vai trò thanh kiểm tra của Bộ GD khi lựa chọn SGK

15/09/2022 06:41
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH Nguyễn Thị Hà mong Đoàn giám sát làm rõ vấn đề liên quan đến giá SGK, việc không tái sử dụng được SGK; và vai trò hướng dẫn, thanh kiểm tra của Bộ GD.

Cuối tháng 8/2022, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho biết: “Trước hết, tôi hết sức ủng hộ việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và cho rằng nội dung giám sát này là hết sức cần thiết.

Bởi lẽ, việc thực hiện hai nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của người học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) quan tâm đến nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa mới. (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) quan tâm đến nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa mới. (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, Nghị quyết 88 được Quốc hội ban hành cách đây gần 8 năm và Nghị quyết 51 là gần 5 năm. Theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau 2 năm nữa (năm học 2024-2025), sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên của việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính vì vậy, việc Quốc hội thực hiện giám sát thời điểm này sẽ giúp đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Trong thời gian qua, dư luận vẫn còn dấy lên những ý kiến khác nhau về việc thực hiện và kết quả triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chính phủ, Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đều đã lắng nghe và điều chỉnh nhiều cho phù hợp với thực tiễn”.

Tuy nhiên, theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Hà, vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới những băn khoăn của nhiều cử tri.

Cụ thể, vị Đại biểu phân tích: “Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV (diễn ra từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 năm 2022), tiến độ triển khai và hiệu quả của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng đã được nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra kiến nghị.

Không thể phủ nhận, hai nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết nói trên, song dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả.

Đơn cử, về vấn đề giá sách giáo khoa, đặc biệt trước thềm mỗi năm học mới, lại trở thành “gánh nặng” của nhiều gia đình có con đang học chương trình phổ thông. Trong khi, quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng, gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn không chỉ với phụ huynh mà ở cả các trường, cơ sở giáo dục.

Nhiều vấn đề liên quan sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khiến dư luận quan tâm. (Ảnh: Hoa Hồng).

Nhiều vấn đề liên quan sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khiến dư luận quan tâm. (Ảnh: Hoa Hồng).

Chưa kể, sách giáo khoa còn không sử dụng lại được, hằng năm, cả xã hội phải tốn hàng nghìn tỷ đồng mua sách mới, khiến các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo, rất khó khăn.

Bên cạnh đó, dư luận cũng không ít lần đặt câu hỏi về vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Thậm chí, trong một phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội từng đề cập, dư luận có câu hỏi “liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?”...

Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết”.

“Vì vậy, tôi mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa; việc không tái sử dụng được sách giáo khoa; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa”, nữ Đại biểu quốc hội nhấn mạnh.

Cuối cùng, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Hà đề cập: “Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, tôi cho rằng, cần có sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan hữu quan, cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết và toạ đàm với các chuyên gia trong và ngoài nước về nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của việc dạy và học cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều địa phương”.

Đoàn giám sát chuyên đề có 19 thành viên, do ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Ngoài ra, đoàn giám sát còn có 2 đại biểu được mời tham gia là bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội. Phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát.

Phạm vi giám sát: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước (từ thời điểm Nghị quyết số 88/2014/QH13 có hiệu lực thi hành).

Đối tượng giám sát: Chính phủ và các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nội dung giám sát: Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/8/2022.

Ngân Chi