Góc nhìn khác từ “hiện tượng” giảng viên được cử đi học nước ngoài không trở về

18/03/2024 06:20
Võ Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thiết nghĩ, đầu tư ngân sách để cử người đi học ở các nước cũng tốt, nhưng đầu tư để phát nền giáo dục đại học ở nước nhà vẫn rất cần và cũng vẫn tốt hơn.

Đọc thông tin “25 cán bộ, giảng viên Đại học Đà Nẵng không trở về sau đào tạo ở nước ngoài”, nhiều người bày tỏ những cảm xúc khác nhau.

Nhân nói chuyện với 1 người bạn hiện đang công tác tại một trường đại học địa phương, bạn tự hào khoe, trường của bạn nay đã có gần 20 tiến sĩ! Có lẽ những người như bạn sau khi nghe một cơ sở giáo dục đại học có 25 giảng viên đi học sau đại học ở nước ngoài không trở về, chắc chắn sẽ bị “sốc”. Thế nhưng trong thực tế, mỗi một con số sẽ có giá trị trong một bối cảnh của nó.

Đại học Đà Nẵng là đại học vùng với tổng cộng 9 trường/khoa trực thuộc. Số lượng cán bộ, giảng viên được cử đi học nước ngoài thống kê cũng hàng ngàn mà chỉ có vài chục “không trở về” thì thực ra là thiểu số.

Trong số đó, mỗi người cũng có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau; nguồn kinh phí sử dụng trong học tập cũng không giống nhau… Không phải tất cả đều dùng ngân sách nhà nước để gây ra sự thất thoát.

25-can-bo-giang-vien-dai-hoc-da-nang-khong-ve-nuoc-sau-dao-tao-o-nuoc-ngoai-185329405.jpeg
Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Congluan.vn

Xét ở một khía cạnh khác, nếu có một số lượng nhỏ thất thoát theo kiểu “bất khả kháng” như kiểu đi học nước ngoài mà không trở về, xem ra cũng không phải đáng phải chê trách quá mức.

Đôi khi những trường hợp đó có vẻ xem ra “khó chịu” ở hiện tại nhưng có thể lại có lợi ích ở mai sau. Ví dụ, trường hợp người ta học hành tốt, trước mắt chưa về vì dở dang nghiên cứu, hay tìm được cơ hội và môi trường phát triển chuyên môn tốt hơn ở hiện tại; và đến một lúc nào đó "đủ chín", họ lại trở về để đóng góp cho sự phát triển nước nhà. Trong những trường hợp như vậy, họ thật sự rất cần cho đất nước.

Nếu phải quay về ngay mà không có điều kiện phát triển, “chôn chân” rồi sinh ra nông nổi, suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng đem lại ích gì cho cá nhân hay xã hội.

Việc trở về hay ở lại đối với những giảng viên du học ở nước ngoài là vấn đề rất đáng quan tâm. Không loại trừ một số người lợi dụng để tìm cơ hội cho cá nhân, nhưng ngược lại, không phải cứ nơi nào trong cả nước, những người học ở nước ngoài sau khi trở về cũng có môi trường tốt để phát triển, nhất là những người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở những môi trường chuyên nghiệp.

Trong thực tế, tại Đại học Đà Nẵng có hàng ngàn người đi học ở nước ngoài sau khi trở về đã phát triển tốt, tất nhiên đâu đó cũng có những trường hợp khó hòa nhập và thậm chí “không trở về” như báo chí đưa cũng là chuyện thường tình trong một đại học có quy mô lớn.

Có thể nói, những người được cử đi học sau đại học ở nước ngoài phần nhiều là giỏi, có khát vọng và có trách nhiệm với cơ sở giáo dục đại học cử đi.

Tuy nhiên, trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài đôi khi cũng có những trường hợp có những suy nghĩ khác trước. Cái khác đó chưa hẳn đã là tiêu cực, nhưng chắc chắn không phù hợp với các quy định quản lí ở hiện tại, nên có khi rất dễ tranh cãi.

Nhìn rộng ra thì vẫn cần khuyến khích giảng viên du học ở các nước có trình độ tiên tiến bằng các nguồn kinh phí khác nhau. Bởi khuyến khích du học ở các nước có trình độ phát triển cao vẫn tốt hơn nhiều so với việc khuyến khích xuất khẩu lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

Những người được học hành căn bản, được đào tạo bài bản, tiếp cận tri thức ở các nền văn hóa lớn, chắc chắn sẽ có suy nghĩ đúng đắn và hành động có trách nhiệm đối với đất nước cho dù ở lại hay quay về.

Một điều cũng đáng phải nói lại là, trong rất nhiều năm nay chúng ta cố gắng bằng nhiều cách nguồn lực khác nhau để cử cán bộ ra nước ngoài học tập nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đến nay đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng đã trưởng thành, lớn mạnh; có những lĩnh vực khoa học chúng ta không thua kém nước nào…

Song việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu; hay đầu tư tài chính để nâng cao đời sống cho nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta vẫn còn ở đâu đó chưa đáng là bao so với các nước.

Trong khi mong mỏi, kì vọng, thậm chí đòi hỏi của nhiều bên đối với giáo dục đại học nước nhà thì quá lớn. Rất khó có thể yêu cầu đổi mới chất lượng đại học với nguồn đầu tư nhỏ giọt được.

Với cách làm như hiện nay, thì rõ ràng chúng ta vẫn còn phải cử người đi ra nước ngoài để học và trông chờ người về. Nhất là mỗi khi người ta chưa trở về sẽ dễ sinh ra quy kết thế này thế nọ. Thiết nghĩ, đầu tư ngân sách để cử người đi học ở các nước cũng tốt, nhưng đầu tư để phát nền giáo dục đại học ở nước nhà vẫn rất cần và cũng vẫn tốt hơn.

Võ Văn Minh