Giáo viên vẫn khổ sở vì phải tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp

05/06/2021 06:34
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những giáo viên không giỏi về công nghệ thông tin, điện thoại không có chức năng chụp hình thì họ lại phải nhờ đồng nghiệp, người thân làm giúp rất phiền toái.

Ngay sau khi năm học kết thúc, hoàn thiện việc xếp loại viên chức, đánh giá chuẩn nghề nghiệp thì Ban giám hiệu nhà trường lại yêu cầu giáo viên phải cập nhật việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến.

Cứ tưởng sau sự việc Bộ yêu cầu giáo viên tải minh chứng năm học 2019-2020 kết thúc, giáo viên phản ánh, báo chí vào cuộc thì lãnh đạo ngành sẽ nhìn ra những bất cập về sự việc này để có những chỉ đạo phù hợp cho năm học sau…

Nhưng, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi, kết thúc năm học 2020-2021 thì giáo viên vẫn được yêu cầu làm những công việc nhàm chán, bất cập này.

Giáo viên lại phải lên trường mượn các loại văn bản cần thiết để chụp hình làm minh chứng cho việc mình đã làm được, đã được tổ chuyên môn, nhà trường công nhận, đánh giá và đã lưu vào hồ sơ cá nhân.

Giáo viên vẫn phải cập nhật, tải minh chứng năm học 2020-2021 lên phần mềm tập huấn (Ảnh: Kim Oanh)

Giáo viên vẫn phải cập nhật, tải minh chứng năm học 2020-2021 lên phần mềm tập huấn

(Ảnh: Kim Oanh)

Tải minh chứng lên phần mềm trực tuyến để làm gì?

Việc cập nhật và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên lên phần mềm tập huấn trực tuyến là một việc làm thừa, không cần thiết mà thực tế là nó không phát huy tác dụng gì vì nhà trường đã đánh giá và lưu hồ sơ cho mỗi nhà giáo.

Nhưng, công việc này đã đang gây ra những áp lực không cần thiết cho hàng triệu thầy cô giáo phổ thông khi tập huấn trực tuyến Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sự thừa thãi này đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh một loạt bài viết sau khi Bộ yêu cầu cập nhật và tải minh chứng cho năm học 2019-2020.

Ai cũng có thể thấy rằng, kể từ khi Bộ ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí thì nó đã thể hiện sự bất cập.

Bởi, chuẩn trình độ giáo viên đã được quy định trong Luật Giáo dục mà mới đây nhất là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã được quy định rõ ràng về trình độ giáo viên mỗi cấp. Hơn nữa, khi tuyển dụng thì các cơ quan cũng đã xem xét kỹ lưỡng văn bằng đào tạo, chứng chỉ theo đúng quy định.

Khi đã đã được tuyển dụng thì hàng năm, giáo viên đã tự xếp loại và nhà trường xếp loại viên chức đối với mỗi nhà giáo. Nếu giáo viên là đảng viên thì họ còn được phân loại đảng viên hàng năm.

Vậy mà, năm học nào thì giáo viên cũng phải đánh giá thêm chuẩn nghề nữa, năm nào cũng “5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí” làm đi, làm lại để làm gì?

Bằng cấp, chứng chỉ cũng chừng đó mà năm nào cũng bắt giáo viên chụp hình để làm minh chứng đưa lên phần mềm trực tuyến thì đó là việc không cần thiết, làm mất thời gian cho giáo viên bởi chỉ một công việc mà phải nhiều lần.

Đối với những giáo viên giỏi về công nghệ thông tin, có điện thoại di động tốt thì thực hiện còn đỡ vất vả, còn những giáo viên không giỏi về công nghệ thông tin, điện thoại không có chức năng chụp hình thì họ lại phải nhờ đồng nghiệp, người thân làm giúp nên rất phiền toái.

Nhất là trong bối cảnh năm học đã kết thúc, các trường đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng giáo viên phải lên trường chụp lại một số văn bản, một số chuyên đề mà họ đã thực hiện, đã được kiểm tra và giờ đang được lưu hồ sơ ở nhà trường.

Rõ ràng, việc làm này là một bất cập đang hiện hữu trên phần mềm tập huấn của giáo viên phổ thông nhưng chưa được lãnh đạo ngành tháo gỡ.

Sự bất cập trong việc tải minh chứng

Thời điểm Bộ yêu cầu giáo viên cập nhật và tải minh chứng lên phần mềm ở năm học 2019-2020 thì giáo viên đã lên tiếng về việc này vì Bộ đã khẳng định là bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng các tiêu chí 14, 15 vẫn tồn tại ở Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD và trên phần mềm tập huấn.

Trả lời vấn đề này trên Báo Tuổi trẻ ngày 20/3/2021, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ như sau:

Bộ tiêu chí này xây dựng từ năm trước và chưa điều chỉnh sau khi có quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên.

Sau khi có phản ảnh của giáo viên, chúng tôi đã yêu cầu bỏ tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ và bỏ luôn phần cập nhật minh chứng đi kèm tiêu chí.

Những quy định cản trở việc tiếp cận vào hệ thống tập huấn trực tuyến của giáo viên sẽ phải điều chỉnh, vì mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tất cả giáo viên dù đạt hay chưa đạt chuẩn nghề nghiệp đều được tập huấn kịp thời chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, khi năm học 2020-2021 cũng đã kết thúc mà Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD vẫn chưa hề được Bộ Giáo dục điều chỉnh, sửa đổi như những chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học trước đây.

Giáo viên vẫn phải minh chứng các tiêu chí này bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo hướng dẫn, gợi ý của Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD- đây là một bất cập lớn và nó cũng thể hiện sự chậm trễ trong chỉ đạo, điều hành từ lãnh đạo ngành giáo dục.

Từ lâu, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã đề cập đến các cụm từ “đổi mới”; “giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên” bằng khá nhiều văn bản cụ thể. Thế nhưng, ở chiều ngược lại thì Bộ cũng đang triển khai thực hiện việc cập nhật và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm lên phần mềm trực tuyến.

Rõ ràng, công việc này đang tăng áp lực cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các nhà trường phổ thông vì theo hướng dẫn quy trình cập nhật, đánh giá, tải minh chứng trên phần mềm thì việc đầu tiên là giáo viên phải cập nhật, phải tải minh chứng, sau đó đến phần “đánh giá của đồng nghiệp (tổ trưởng cập nhật)”; “đánh giá của thủ trưởng (hiệu trưởng cập nhật)” cập nhật, đánh giá giáo viên.

Hy vọng, lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Sở và lãnh đạo Bộ Giáo dục nhìn thấy bất cập này để giảm áp lực cho giáo viên dưới cơ sở bởi thực tế việc cập nhật và tải minh chứng lên phần mềm trực tuyến đã được lưu giữ tại các nhà trường hàng năm thì việc làm thêm một lần nữa là không cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/giao-vien-vat-va-voi-minh-chung-20210320090622925.htm

(*)Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH