Giáo viên bở hơi tai tìm minh chứng theo yêu cầu của Bộ

04/04/2021 07:31
Nguyễn Duy Xuân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên phải chạy đôn chạy đáo tìm minh chứng cho 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng, được yêu cầu cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.

Theo đó, sau khi tập huấn xong module 1 và module 2, để mở module 3, giáo viên được yêu cầu tập hợp minh chứng cho 15 tiêu chí và tải lên phần mềm.

Điều này đã khiến nhiều giáo viên phải chạy đôn chạy đáo tìm minh chứng cho 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới.

Minh chứng mà Bộ đặt ra là gì mà khiến giáo viên “chạy bở hơi tai”?

Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông gồm 05 tiêu chuẩn:

- Tiêu chuẩn 1 có 2 tiêu chí: Đạo đức nhà giáo; Phong cách nhà giáo.

- Tiêu chuẩn 2 có 5 tiêu chí: Phát triển chuyên môn bản thân; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn và hỗ trợ học sinh.

- Tiêu chuẩn 3 có 3 tiêu chí: Xây dựng văn hóa nhà trường; Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường; Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

- Tiêu chuẩn 4 có 3 tiêu chí: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

- Tiêu chuẩn 5 có 2 tiêu chí: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc; Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.[1]

Để được đánh giá, phân loại, với mỗi tiêu chí giáo viên cần có minh chứng. Theo gợi ý của phụ lục 1 kèm theo công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 01 tháng 10 năm 2018, có thể kể đến một số minh chứng cụ thể như:

- Bản đánh giá và phân loại giáo viên;

- Kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra;

- Biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận về việc giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm...

- Bản kiểm điểm cá nhân có xác nhận của chi bộ nhà trường/bản nhận xét Đảng viên hai chiều có xác nhận của chi bộ nơi cư trú ghi nhận giáo viên có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt (nếu là Đảng viên)…

- Công văn cử giáo viên/quyết định phân công/hình ảnh giáo viên xuống tận các thôn, bản, nhà học sinh để động viên cha mẹ học sinh cho các em đến trường.

- Biên bản họp cha mẹ học sinh ghi nhận giáo viên nghiêm túc, đối xử đúng mực đối với học sinh;

- Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/cha mẹ học sinh về việc giáo viên có phong cách mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục;

- Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo đối với từng cấp học theo quy định; Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định;

- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ trong năm học…[2]

Nhiều giáo viên phải chạy đôn chạy đáo tìm minh chứng cho 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới. (Ảnh minh họa: Giaoduc.edu.vn)

Nhiều giáo viên phải chạy đôn chạy đáo tìm minh chứng cho 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới. (Ảnh minh họa: Giaoduc.edu.vn)

Trong đó, tùy vào từng mức độ đánh giá chuẩn giáo viên (đạt, khá, tốt) mà yêu cầu minh chứng có sự thay đổi về chất và lượng.

Gần 40 năm đứng trên bục giảng, từng trải nhiều áp lực, nhiều nỗi buồn vui trong nghề nhưng thú thực khi được tiếp cận hai văn bản nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cảm thấy choáng thực sự.

Tôi tự hỏi, cùng là viên chức nhưng ở các ngành khác họ có “gánh” trên mình bộ 15 tiêu chí đánh giá về chuẩn nghề nghiệp như giáo viên không?

Tôi cũng tự hỏi, các chuyên gia và lãnh đạo Bộ có tự đặt mình vào vai giáo viên khi soạn thảo và ký ban hành các thông tư, hướng dẫn nói trên?

“Minh chứng” có thực sự cần thiết?

Người thầy, chỉ có hai phạm trù cơ bản để đánh giá: chuyên môn và đạo đức tư cách. Về chuyên môn có thể có sự khác biệt do trình độ, năng lực, bằng cấp; còn đạo đức chỉ một thang độ, đã là giáo viên thì đạo đức phải chuẩn mực.

Trọn cuộc đời nhà giáo, tôi thấy dù trên có ra bao nhiêu thông tư, chỉ thị thì đích cuối cùng thầy cô giáo phải đạt được là giỏi chuyên môn, tốt đạo đức, cũng như công việc cốt lõi của nhà trường phải là “dạy tốt, học tốt”.

Vậy thì tại sao chúng ta cứ phức tạp hóa việc đánh giá giáo viên, đặt lên họ gánh nặng không đáng có?

Một thầy cô giáo tốt hay không (chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức tư cách) đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh biết hết.

Đơn giản hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá là cách để giảm bớt gánh nặng hành chính không đáng có, giúp đội ngũ giáo viên dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động dạy học (dạy chữ, dạy người).

Đẻ ra nhiều văn bản, chứng chỉ, hồ sơ sẽ choán hết đầu óc, tư duy, tình cảm của họ.

Vô hình trung, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, sẽ không tránh khỏi việc giáo viên (và cả đội ngũ quản lý) đáp lại bằng cách đối phó, gian dối mà “sáng kiến kinh nghiệm” là một bài học điển hình.

Theo một số giáo viên thì họ gặp khó khăn trong việc tìm minh chứng cho một số tiêu chí bởi nhiều nội dung tiêu chí mơ hồ hoặc không còn giá trị.

Trong khi Bộ đã chính thức loại bỏ tiêu chí chuẩn kỹ năng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ 20 tháng 3 năm nay thì hai tiêu chí 14, 15 vẫn sử dụng các nội dung này.

“Chúng tôi còn lên mạng, tìm hướng dẫn ở một số trang để xem có thể dùng những minh chứng gì cho tiện, nhất là với những tiêu chí như Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường (Tiêu chí 9), tạo mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ, xã hội để thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (tiêu chí 11)… Nhưng càng đọc hướng dẫn càng thấy rối”, một giáo viên ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.[3]

Cô P., giáo viên một trường trung học cơ sở ở thành phố Biên Hòa cho biết, “Chúng tôi đang trong thời điểm kiểm tra giữa học kỳ II, chấm bài, ôn tập cho học sinh cuối cấp… nên công việc chất chồng cộng thêm phải lo có “minh chứng” để kịp tập huấn. Thật tình tôi cũng không hiểu bắt chúng tôi minh chứng những nội dung trên để làm gì?”.[4]

Đó cũng là câu hỏi mà hàng vạn giáo viên khác đang đặt ra. Và trước khi tìm ra câu trả lời, họ sẽ làm bằng cách như vị Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra khi ông cho rằng, việc tìm minh chứng kiểu này chỉ khiến giáo viên tìm cách làm đối phó, bởi không khó để nhận thấy rằng với hàng triệu giáo viên tham gia tập huấn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chẳng thể nào đủ nhân lực để kiểm tra cụ thể bản khai của từng người.

“Hàng năm, nhà trường và các tổ chuyên môn đều đã có đánh giá xếp loại giáo viên và lưu vào hồ sơ. Kết quả này đều được trường báo cáo lên phòng và sở giáo dục và đào tạo nên việc Bộ yêu cầu minh chứng rồi mới ở tài khoản cho giáo viên tập huấn là không cần thiết”, vị Hiệu trưởng cho biết.[3]

Mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành khẳng định, việc điền thông tin theo các tiêu chí chỉ là quy định mang tính kỹ thuật.

Phụ lục 1, Ví dụ về minh chứng sử dụng trong đánh giá theo chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đính kèm công văn số 4530 ghi: “Minh chứng ví dụ dưới đây chỉ mang tính chất gợi ý” (tức là các thông tin giáo viên cần điền).

Xin thưa ông Vụ trưởng và lãnh đạo quý Bộ, với triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả nước, dường như đã được mặc định, lời văn trong các văn bản Bộ ban hành là khuôn vàng thước ngọc, dù “mang tính kỹ thuật” hay “tính chất gợi ý” thì cũng chả ai dám to gan phớt lờ?

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-20-2018-tt-bgddt-chuan-nghe-nghiep-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-166608-d1.html

[2]. https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-4530-bgddt-ngcbqlgd-huong-dan-thong-tu-20-2018-chuan-giao-vien-181940-d6.html

[3]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-doi-pho-voi-yeu-cau-minh-chung-cua-bo-gd-dt-722252.html

[4]. http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202103/giao-vien-vat-va-minh-chung-tieu-chuan-nghe-nghiep-truoc-khi-tap-huan-3049070/index.htm

Nguyễn Duy Xuân