Làm giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi sợ nhất là phải thu tiền

24/08/2021 07:22
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gặp hiệu trưởng tham lam, mọi khoản đều đổ đầu phụ huynh và tận thu triệt để thì giáo viên chủ nhiệm cũng khốn khổ, cũng lên bờ xuống ruộng để vận động và thu tiền

Bài viết “Tôi thấy các thầy cô không làm chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc mà phần lớn chính là các thầy cô giáo đã và đang làm công tác chủ nhiệm lớp ở các bậc học.

Hiệu trưởng, Thủ quỹ, Kế toán có nhiệm vụ lập phiếu, thu tiền, theo dõi, hạch toán, báo cáo (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Tapchitaichinh.vn)Hiệu trưởng, Thủ quỹ, Kế toán có nhiệm vụ lập phiếu, thu tiền, theo dõi, hạch toán, báo cáo (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Tapchitaichinh.vn)

Chia sẻ sự đồng tình với những áp lực, những khó khăn, những thiệt thòi, uẩn ức mà một giáo viên chủ nhiệm phải gánh chịu được nêu trong bài viết, không ít thầy cô giáo còn cho biết có những khó khăn, thách thức chỉ cần sự kiên trì, nỗ lực sẽ vượt qua nhưng có những điều để vượt qua nó lại chẳng dễ dàng gì khi công việc ấy liên quan trực tiếp đến tiền.

Trăm khoản thu đổ đầu giáo viên chủ nhiệm

Không ít thì nhiều, cứ đầu năm học thì giáo viên chủ nhiệm ở địa phương nào cũng phải nói đến chữ tiền với học sinh và phụ huynh. Trường học có hiệu trưởng tốt, tường minh trong việc thu chi, thu đúng theo quy định thì giáo viên chủ nhiệm đỡ mệt.

Nhưng nếu chẳng may gặp hiệu trưởng tham lam, mọi khoản đều muốn đổ đầu phụ huynh và tận thu triệt để thì giáo viên chủ nhiệm cũng khốn khổ, cũng lên bờ xuống ruộng để vận động và thu tiền.

Đau lòng hơn, có thầy cô còn phải nghĩ cách, tìm biện pháp để thu tiền sao cho đạt chỉ tiêu thậm chí vượt chỉ tiêu với những khoản đóng góp tự nguyện. Thôi thì đủ loại tiền phải thu từ tiền thu đúng quy định đến tiền đóng góp được coi là tự nguyện (trên danh nghĩa bắt buộc).

Nào là tiền học phí, tiền ôn tập kiến thức (bậc trung học), tiền buổi 2 (tiểu học), tiền sách giáo khoa kèm sách tham khảo và vở bài tập, đồng phục, quỹ hội, quỹ lớp, tiền văn phòng phẩm, sổ điện tử…

Có trường thì xin ủng hộ tiền làm sân, sửa nền nhà, trang trí lớp học, mua cây cảnh, ghế đá, sửa nhà vệ sinh…

Đó gần như là tiền cứng phải hoàn thành ngay đầu năm học, trong năm còn lai rai khá nhiều khoản như ủng hộ này kia, mua sách ôn tập, báo đội, sổ đoàn đội…

Khi lãnh đạo nhà trường biến thi đua thành "cây gậy"

Có những địa phương không bắt giáo viên thu tiền mà mọi khoản thu đều do thủ quỹ nhà trường đảm nhận.

Có những hiệu trưởng rất thương học sinh, ngoài những khoản tiền bắt buộc học sinh phải đóng như tiền bảo hiểm, văn phòng phẩm, tiền học phí hoặc tiền buổi 2 thì không đặt thêm một khoản thu nào cả.

Làm việc ở những ngôi trường như thế, giáo viên chủ nhiệm không bị áp lực thu tiền, không phải đóng vai chủ nợ kiêm người đòi nợ nên các thầy cô giáo chủ nhiệm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên thực tế chia sẻ của nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước với người viết thì đây đó vẫn còn một số hiệu trưởng tham lam, tận thu đủ kiểu nên thường đặt ra các kiểu tiền để thu như việc học ôn tập tại trường trong khi đa phần phụ huynh và học sinh không muốn học. Rồi tiền mua tài liệu, sách tham khảo, tiền ủng hộ quỹ này kia mang danh tự nguyện…

Giáo viên thu chậm bị nhắc nhở, giáo viên thu thiếu bị khống chế thi đua. Những khoản vận động được ít thì quy vào sự non yếu của công tác chủ nhiệm…

Có trường đặt cả thang điểm cộng hoặc trừ cho việc thu tiền nên dù muốn dù không, giáo viên cũng phải cố gắng gồng mình thực hiện.

Sau khi chia sẻ bài viết “Tôi thấy các thầy cô không làm chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/8, nếu lướt qua vài diễn đàn của nhà giáo như “Giáo viên tiểu học”; “Cộng đồng giáo viên”; “Giáo viên sáng tạo 4.0”;… sẽ bắt gặp hàng trăm lượt bình luận của những thầy cô giáo đã và đang làm công tác chủ nhiệm.

Có những chia sẻ làm nhói lòng người đọc như “phụ huynh khó khăn chưa có tiền đóng, giáo viên thương nên thu không được thì cuối năm giáo viên chủ nhiệm bị hạ bậc thi đua”.

“Trường học chứ đâu phải ngân hàng ,lúc nào cũng tiền tiền. Áp lực, chán nản thu không được bản thân mình bị hạ thi đua, mà cố gắng thu lại tội phụ huynh.

Cũng có lần sợ bị hạ thi đua, tôi đã phải lấy tiền của mình đóng học cho các em khi mình không thu được”.

“Thương học sinh nên bán thiếu cho em bộ sách giáo khoa của nhà trường rồi lấy tiền sau. Phụ huynh không có tiền đóng, cô phải móc tiền túi đền một lần đến mấy bộ”.

Muốn thu tiền đúng thời gian quy định, đặc biệt là thu đủ thì ngoài buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên phải trổ tài vận động phụ huynh ủng hộ. Sau đó, mỗi ngày lên lớp sẽ phải thường xuyên nhắc nhở học sinh chuyện đóng tiền.

Có lẽ vì thế, mà có em khi làm văn tả về cô giáo đã viết rất thật khiến người đọc cười đến nghẹn lòng trong cảm giác xót xa: “Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng hỏi: “Hôm nay, lớp ta có ai đóng tiền không?”

Khi thu chưa được tiền, giáo viên chủ nhiệm còn phải liên tục gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh. Có thầy cô còn phải đến tận nhà không chỉ một lần.

Đã có những phụ huynh vừa thấy bóng thầy cô ngoài ngõ phải kêu con ra nói bố, mẹ con không có nhà. Đã có phụ huynh bực mình lớn tiếng khi bị cô thầy hỏi tiền rằng nhà tôi có nợ nần gì cô thầy đâu mà đòi nợ miết…

Bộ Giáo dục cần thanh kiểm tra những địa phương thực hiện không đúng nhiệm vụ của giáo viên

Trước đây, Thông tư liên tịch số: 14-LB/TT của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính đã quy định rất rõ:

Căn cứ quyết định của tỉnh, các trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường (trường hợp không có cán bộ kế toán tài vụ thì hiệu trưởng chỉ định bộ phận riêng để tổ chức thu). Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý sử dụng theo các quy định hiện hành và có sự phối hợp giám sát của hội phụ huynh học sinh và tổ chức thanh tra nhân dân”.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số: 14-LB/TT ra đời từ năm 1993 cho tới thời điểm này, đã không còn hiệu lực. Nhưng nhiệm vụ của giáo viên được quy định trong điều lệ trường học cũng không có mục nào buộc giáo viên phải thu tiền.

Nhưng xưa nay, phép vua vẫn thua lệ làng khi hiệu trưởng nhà trường bắt buộc thì chẳng mấy giáo viên dám không thực hiện. Bởi thế, chúng tôi nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn chỉ đạo về các cơ sở giáo dục ở các địa phương không được bắt buộc giáo viên thu các khoản tiền tại trường học như Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã làm.

Đồng thời mở đường dây tiếp nhận phản ánh để thanh kiểm tra khi cần và có những biện pháp kỷ luật thật nghiêm đơn vị trường học nào cố tình vi phạm.

Điều này sẽ giúp các thầy cô giáo bớt đi những áp lực nặng nề về tiền bạc mà chuyên tâm vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh.

Đồng thời, sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp về nhà giáo trong mắt mọi người. Đây cũng chính là chìa khóa cho mọi sự thành công trong giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa