Một số người trong ngành thường than vãn: “Lương giáo viên hiện nay quá thấp. Đời sống giáo viên còn nhiều gian khổ”.
Điều này có một phần nào đó tương đối đúng. Tuy nhiên thực tế, nhiều giáo viên tại các tỉnh/ thành phố lớn đâu có sống bằng lương. Nguồn thu chính đến từ dạy thêm và dạy tại các trung tâm.
Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên đã tiếp xúc với nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô thừa nhận họ chỉ cần cái “mác” giáo viên để đi dạy thêm bên ngoài.
Nghịch lý trường công lập: Tiền học chính 1 đồng, tiền học thêm 10 đồng |
Cô giáo V.T.H, giáo viên Hà Nội, mặc dù chỉ nhận được mức lương hơn 2 triệu/tháng nhưng cô H. không bỏ nghề bởi: Không mấy ai sống bằng lương chính.
Khi đề cập đến vấn đề dạy thêm nhiều giáo viên tỏ ra rất e ngại thậm chí là mặc cảm.
Thứ nhất việc dạy thêm trái phép ngoài nhà trường đã bị cấm. Điều này được cụ thể hóa bằng quy định pháp luật chứ không phải ràng buộc vì yếu tố đạo đức đơn thuần.
Thứ hai việc dạy thêm hiện nay vẫn sử dụng nhiều chiêu trò bắt ép học sinh đi học. Điều này khiến xã hội và phụ huynh có cái nhìn không thiện cảm đối với nghề giáo.
Cuối cùng cô H. cũng thừa nhận: Việc dạy thêm bên ngoài mới là nguồn thu nhập chủ yếu của giáo viên. Nếu chỉ trông chờ vào lương thì rất khó sống.
Hiểu được điều này, nhiều phụ huynh cũng rất cảm thông và “ủng hộ” các thầy cô kiếm thêm thu nhập. Cụ thể nhiều gia đình cũng tích cực cho con đi học thêm tại nhà giáo viên.
Dạy thêm là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo viên (Ảnh:N.D) |
Trường hợp của anh N.V.T, phụ huynh có con học một trường cấp 2 ở Hoàng Mai, Hà Nội nói thẳng:
“Con tôi lớp 6 chưa nhất thiết phải đi học thêm. Bởi vì kiến thức lớp 6 không quá nặng. Nếu các cô dạy đủ chương trình trên lớp thì chẳng đến mức phải đi học thêm.
Cho con đi học thêm thứ nhất là để con bằng bạn bằng bè. Thứ hai là ủng hộ các thầy cô có thêm thu nhập. Tôi nghĩ việc này là chính đáng.
Nhưng đổi lại các cô cần phải có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ như việc học thêm phải tự nguyện, không nâng điểm, không trù dập học sinh đi học và không đi học. Có như thế phụ huynh chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các thầy cô”.
Lớp học thêm của con anh T. do 3 cô giáo thuê nhà dân tổ chức dạy. Một lớp có khoảng 50 học sinh, mỗi học sinh đóng 1.2 triệu/ tháng. Như vậy mỗi tháng, một lớp học thêm thu về 60 triệu đồng.
Trong khi đó các cô còn dạy từ 2 đến 3 lớp. Chỉ cần thế cũng đủ nhẩm tính thu nhập của giáo viên khi đi dạy thêm là lớn như thế nào?
Phụ huynh thấy mệt mỏi vì các kiểu ép buộc học sinh đi học thêm (Ảnh:N.D) |
Một giáo viên trung bình tháng thấp nhất cũng phải kiếm được 10-20 triệu đồng từ tiền dạy thêm. Do đó nhiều người chỉ cần có cái mác giáo viên để đi dạy thêm và không cần quan tâm đến lương chính.
Tại tỉnh Nam Định, thu nhập của hai vợ chồng cô T.T.M một tháng cũng rơi vào khoảng 50 triệu đồng từ việc dạy thêm tại các trung tâm. Trong khi lương của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng.
Nguồn thu từ việc dạy thêm rất lớn cho nên nhiều giáo viên sẵn sàng “phớt lờ” những quy định về việc cấm dạy thêm.
Chống được lạm thu và học thêm cưỡng bức sẽ ý nghĩa hơn nhiều việc miễn học phí |
Chẳng hạn sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh tình trạng một số giáo viên trường cấp 2 thị trấn Văn Điển dạy thêm trái phép.
Sau 2 bài báo đó, hoạt động dạy thêm tại trường tạm dừng một thời gian.
Thế nhưng mới đây phụ huynh lại phản ánh nhà trường bắt học sinh viết cam kết tham gia lớp dạy thêm.
Anh N.V.D bức xúc: “Sau khi báo phản ánh tình trạng dạy thêm trái phép tại trường hoạt động này đã bị dừng. Tuy nhiên được một thời gian nhà trường lại cho phụ huynh ký cam kết tự nguyện cho con đi học thêm. Tôi không hiểu vì sao nhà trường và giáo viên phải nhất quyết cho dạy thêm”.
Có lẽ khi nhẩm tính được thu nhập của giáo viên khi đi dạy thêm anh D. sẽ có câu trả lời.
Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Tại sao các ngành nghề khác được quyền kiếm thêm thu nhập từ công việc nhưng giáo viên kiếm thêm thu nhập từ dạy thêm lại bị phản đối?
Muốn học sinh Tôn Sư, giáo viên phải Trọng Đạo trước đã (Ảnh:N.D) |
Giáo viên khi hỏi câu này cũng cần phân biệt rõ những trường hợp được phép dạy thêm và không dạy thêm. Những hoạt động dạy thêm chính đáng và hoạt động dạy thêm trái phép.
Nếu việc dạy thêm dựa trên cơ sở tự nguyện, không ép buộc, không sử dụng chiêu trò làm méo mó hoạt động này thì chắc chắn không ai phản đối, lên án.
Việc dạy thêm không phải là xấu, nó cũng có những tác dụng nhất định bổ trợ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên việc lợi dụng dạy thêm để kiếm tiền, sử dụng chiêu trò ép học sinh, trù dập học sinh, gây áp lực cho phụ huynh là sai trái.
Bà giáo Hồ Hương Nam đặt một câu hỏi rất chính xác: “Giáo viên mong muốn phụ huynh, học sinh Tôn Sư. Vậy cho tôi hỏi các thầy cô đã Trọng Đạo chưa? Tôn Sư và Trọng Đạo là mối quan hệ nhân quả không thể tách rời”.
Việc phụ huynh cho con đi học thêm là Tôn Sư nhưng việc giáo viên ép học sinh đi học, cho điểm thấp, lộ đề kiểm tra, trù dập học sinh không đi học thêm liệu đã Trọng Đạo hay chưa?
Cần có biện pháp giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm trái phép như hiện nay (Ảnh minh họa: giasubinhduong.org) |
Tại nước ngoài cũng không cấm việc dạy thêm nhưng họ có những quy tắc rất rõ ràng: Việc dạy thêm được cho phép nhưng dựa theo nguyên tắc tự nguyện không ép buộc.
Giáo viên chỉ được dạy thêm trong các trung tâm đã được đăng ký và nhà nước cấp phép.
Không cắt bớt chương trình chính khóa để dạy thêm và không dạy học sinh chính khóa trên lớp.
Nghĩa là luật chơi của họ: Anh không được vừa đá bóng, vừa thổi còi. Và khi anh tham gia cuộc chơi anh phải tuân thủ luật chơi.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Việc dạy thêm xuất phát từ mức lương của giáo viên thấp. Nếu đảm bảo được mức lương đủ để sống giáo viên sẽ bớt làm những công việc bên ngoài.
Tuy nhiên như đã nói, phụ huynh và học sinh cũng rất thiện chí trong việc giúp thầy cô có thêm thu nhập.
Nhưng việc dạy thêm phải tuân thủ theo những nguyên tắc rõ ràng về chuyên môn và đạo đức.
Giáo viên muốn học sinh, phụ huynh, xã hội Tôn Sư trước tiên họ phải Trọng Đạo trước đã.