Đừng vì HS chọn lệch tổ hợp hoặc không cùng bộ SGK mà không cho chuyển trường

11/02/2023 06:45
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Học sinh cần được hỗ trợ khi có nhu cầu dịch chuyển, với tinh thần giáo dục để học sinh tự bù đắp, tự hoàn thiện và thầy cô, trường học hỗ trợ”.

Tại buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về việc linh hoạt, chủ động trong thực hiện chương trình mới.

Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua những chia sẻ của các thầy cô giáo cũng cho thấy thầy cô nắm rất chắc tinh thần, những điểm tinh tế, quan trọng của chương trình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về việc linh hoạt, chủ động trong thực hiện chương trình mới. Ảnh: Thế Đại

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về việc linh hoạt, chủ động trong thực hiện chương trình mới. Ảnh: Thế Đại

"Đó là điều mừng nhất. Thiếu một vài chiếc bàn chiếc ghế cũng là việc lớn nhưng sẽ không lớn bằng việc thầy cô chưa "thấm" được chương trình. Đi đường mà không biết đi đâu, đó mới là cái nguy”, Bộ trưởng khẳng định, đồng thời đề nghị thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rồi sẽ quan tâm hơn nữa, đặc biệt là các gói đầu tư cần triển khai nhanh hơn, kịp thời với tiến độ triển khai đổi mới.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về vấn đề sách giáo khoa, việc chuyển trường, lựa chọn tổ hợp môn học,...

Bộ trưởng cho biết, trong rất nhiều điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm mới quan trọng là tính nhất quán, thống nhất ở mục tiêu và chuẩn đầu ra. Các bộ sách khác nhau đều phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, sở giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là sự chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là sự chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc.

Cụ thể như việc chuyển trường của học sinh, học sinh của chúng ta khi học hết trung học cơ sở có thể sang học chương trình phổ thông của các nước trên thế giới. Nếu họ cũng đặt vấn đề không cho chuyển vì học sinh học thiếu một phần của phân môn chẳng hạn thì sẽ ra sao?

Chương trình giáo dục phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn.

“Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài, cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác hay các cháu có chọn lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường.

Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới, không nên có bất kỳ rào cản nào trong việc chuyển trường của học sinh, bởi chương trình là thống nhất và tất cả đều phải theo chương trình”, Bộ trưởng cho hay.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu kết luận tại buổi giám sát chuyên đề. Ảnh: Thế Đại

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu kết luận tại buổi giám sát chuyên đề. Ảnh: Thế Đại

Phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận định, Thành phố đã quan tâm, dành nguồn lực lớn cho giáo dục và đào tạo nói chung, cho thực hiện chương trình mới nói riêng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ, dù điều kiện thực hiện chưa bảo đảm đầy đủ, tối ưu nhất, một số trường còn thiếu trang thiết bị, một số lớp còn quá tải do di dân cơ học. Thầy cô đã hết sức sáng tạo, cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu bước đầu.

Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục, sắp xếp, bố trí hợp lý để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về việc có đủ trường lớp theo chuẩn. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đã bố trí. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với khối quận huyện, các trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối nguồn lực, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ...

Phạm Minh