Nhiều hiệu trưởng ở Đà Nẵng chia sẻ tâm tư sau thời gian triển khai CTGDPT 2018

10/02/2023 06:35
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh đánh giá những hiệu quả do chương trình mới mang lại thì lãnh đạo các trường cũng phản ánh nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết.

Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, nhiều giáo viên, Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng đã nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Linh hoạt khắc phục khó khăn

Đánh giá về mặt tích cực của chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh cho rằng, chương trình mới đã trao quyền chủ động cho người học, điển hình là việc học sinh được quyền lựa chọn các môn học.

Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh chia sẻ về những thuận lợi cũng như thách thức khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: AN

Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh chia sẻ về những thuận lợi cũng như thách thức khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: AN

“Đây là cơ hội để học sinh hình thành được năng lực và thực hiện được năng lực đó trong thời gian học phổ thông, định hướng được nghề nghiệp tương lai khi bước chân vào bậc học này.

Ngay khi kết thúc năm học 2021 – 2022, nhà trường đã công khai các thông tin liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10 để học sinh, phụ huynh và cả giáo viên có thể hình dung được những thay đổi so với chương trình dạy – học trước đó”, thầy Hưng nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh cũng chỉ ra những khó khăn khi thực hiện chương trình mới này. Đó là khi xây dựng các nhóm môn học lựa chọn phải vừa đảm bảo nhu cầu của học sinh nhưng cũng vừa phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có.

Cũng theo thầy Hưng, Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh đã xây dựng 24 nhóm môn lựa chọn.

Tuy nhiên, có một số nhóm môn, số học sinh lại đăng ký học rất đông khiến nhà trường gặp khó khăn trong tập trung đội ngũ giáo viên và biên chế lớp đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, học sinh.

Ngược lại, cũng có một số nhóm môn, số học sinh đăng ký quá ít, không đủ để biên chế thành một lớp vì không đủ sĩ số/lớp theo quy định.

“Biên chế của nhà trường chỉ được 31 lớp ở khối 10, không thể tổ chức một lớp có sĩ số chưa được 20 học sinh theo đúng nguyện vọng đăng ký nhóm môn học mà đội lên thành 32 lớp.

Ngoài ra, việc trao quyền lựa chọn nhóm môn học cho học sinh ở lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Sự thừa, thiếu này thì nhà trường không thể dự báo trước được cho từng năm học mà tùy thuộc vào thực tế khi học sinh đăng ký chọn nhóm môn học sau khi trúng tuyển vào lớp 10”, thầy Hưng phân tích thêm.

Giáo viên còn chịu nhiều áp lực

Chia sẻ tại buổi làm việc, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở – trung học phổ thông Nguyễn Khuyến đánh giá những mặt tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới mang lại.

Đồng thời, kiến nghị về lâu dài, các trường trung học cơ sở cần được bổ sung đội ngũ giáo viên được đào tạo các môn học mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

“Hiện nay, với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường đang sử dụng giải pháp tình thế là bài nào có khối lượng kiến thức của phân môn nào nhiều nhất thì giáo viên được đào tạo chuyên môn giảng dạy.

Dù là giải pháp tình thế nhưng lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu lâu dài thì cách làm này không thể duy trì được vì không đúng với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hơn nữa, giáo viên sẽ quá tải trong một thời điểm nhất định”, cô Vân nói.

Qua các buổi giám sát, làm việc tại cơ sở, ông Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng chia sẻ rằng, hiện các trường trung học cơ sở ở quận Hải Châu và Hòa Vang có phản ánh việc giáo viên đơn môn gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang dạy liên môn ở môn Khoa học tự nhiên.

Theo đó, giáo viên vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng nên nhiều nói rằng họ rất áp lực khi giảng dạy.

“Theo các thầy cô thì thời gian để giáo viên tự cập nhật kiến thức là một việc nhưng áp lực nhất là sự tương tác với học sinh trong tình huống các em chủ động tìm hiểu trước các kiến thức và có những câu hỏi đòi hỏi thầy cô giáo phải giải đáp chuyên sâu”, ông Cường nói.

Chia sẻ tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên đảm bảo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

AN NGUYÊN