Dự thảo sửa đổi NĐ 116 vẫn chưa "khơi thông" được cơ chế đặt hàng đào tạo GV

05/09/2023 06:33
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu muốn thực hiện cơ chế đặt hàng, Bộ Nội vụ phải có chính sách ưu tiên xét tuyển với những sinh viên được địa phương đặt hàng đào tạo.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm cũng như việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn.

Chính vì vậy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116.

Trao đổi góp ý cho bản Dự thảo này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, với tinh thần đầu tư cho giáo dục, Dự thảo sửa đổi có thể đề xuất việc hỗ trợ tập trung chính từ nguồn ngân sách trung ương thay vì phân cấp cho địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn)

Đối với mẫu "Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt" (Mẫu số 01), hiện tại không có thể thức xác nhận của chính quyền địa phương, vì thế dễ dẫn đến tình trạng sinh viên giả chữ ký của phụ huynh, trong trường hợp này, phụ huynh sẽ không biết việc con, em mình tham gia thụ hưởng chính sách theo Nghị định 116.

Bản Dự thảo cũng chưa quy định việc sinh viên nghỉ học tạm thời khi vào học lại thì cơ sở đào tạo sẽ chi trả theo đúng khóa học của sinh viên hay chỉ trả đủ 4 năm (8 học kỳ). Vì vậy, cần phải bổ sung nội dung này để các thực tiễn triển khai tại các trường không gặp khó khăn.

“Liên quan đến nội dung bồi hoàn kinh phí, theo tôi nên bổ sung nội dung: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên cư trú sau khi thu hồi kinh phí hỗ trợ cần gửi thông báo cho cơ sở đào tạo để cơ sở đào tạo tổng hợp báo cáo cơ quan chủ quản.

Cần quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo trong việc bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên tốt nghiệp nhưng không phục vụ trong ngành giáo dục hoặc phục vụ trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian quy định.

Trường hợp bồi hoàn, thu hồi thì nên thực hiện theo hình thức tín dụng và có xác nhận của địa phương”, Thầy Mỹ nêu quan điểm.

Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đề xuất, đối với các sinh viên tự ý nghỉ học, chưa có quyết định thôi học của cơ sở đào tạo thì Nghị định cần quy định rõ: trong khoảng thời gian chưa có quyết định thôi học thì cơ sở đào tạo có tiếp tục cấp tiền hỗ trợ học phí cho các sinh viên này hay không?

Tại khoản 4, Điều 1 Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116 quy định: “Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học”.

Với quy định này, thầy Mỹ cho hay, trên thực tế mỗi năm học, nhà trường đều tiến hành xét kết quả học tập hàng kỳ của sinh viên.

Vì vậy, cần căn cứ vào điểm trung bình chung học tập của từng học kỳ để xét, đồng thời chi trả sinh hoạt phí theo kỳ học. Bởi nếu chỉ trả một năm sinh hoạt phí vào đầu năm học thì vẫn có trường hợp sinh viên chưa học hết năm học đã nghỉ; hoặc nếu chờ đến cuối năm học mới chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên thì buộc sinh viên phải đợi một khoảng thời gian dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên.

Đối với các sinh viên sư phạm tham gia thụ hưởng Nghị định 116, sau khi tốt nghiệp, cơ sở đào tạo có nhiệm vụ gửi danh sách về Ủy ban Nhân dân các tỉnh hay không? Điều này Nghị định cũng cần bổ sung vì hiện chưa đề cập đến.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Ngọc Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116 đã gỡ được nhiều vướng mắc còn tồn tại trước đây, đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên không thực hiện công tác trong ngành giáo dục theo cam kết.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 vẫn còn nhiều vướng mắc cần sửa đổi. Ảnh minh hoạ: Mạnh Đoàn

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 vẫn còn nhiều vướng mắc cần sửa đổi. Ảnh minh hoạ: Mạnh Đoàn

Đây là những vấn đề mà chính các địa phương cũng băn khoăn trước đây, nếu sinh viên ra trường sau 2 năm mà không công tác trong ngành giáo dục, thì việc thu bồi hoàn như thế nào, ai thu khoản bồi hoàn đó,... Dự thảo đã đề cập nội dung này rõ ràng, chi tiết hơn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Dự thảo cũng bổ sung thêm một số đối tượng được xét không phải bồi hoàn kinh phí, như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe ý kiến của các đơn vị phản ánh trước đây.

Về việc bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học, thầy Thành hoàn toàn đồng ý, bởi phương thức đấu thầu trên thực tế là không khả thi. Hơn nữa, cho dù có thực hiện được đấu thầu thì sau này Bộ Nội vụ vẫn thi tuyển viên chức bình thường, như vậy vẫn không giải quyết được đầu ra cho sinh viên.

Đối với phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên, thầy Nguyễn Ngọc Thành cũng cho rằng vẫn đang khó thực hiện, bởi vì theo quy định của Nghị định 116, nếu địa phương không đặt hàng, nhưng sinh viên theo học các ngành sư phạm theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên vẫn được hưởng hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, như vậy địa phương sẽ không đặt hàng.

“Hơn nữa, hiện nay, số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm địa phương cũng không nắm được, địa phương sẽ vẫn có nguồn tuyển nên việc thực hiện đặt hàng đào tạo rất khó để thực hiện.

Đặt hàng là phải chính xác với nhu cầu và khi sinh viên diện đặt hàng ra trường, các em phải được bố trí việc làm thì mới đúng. Còn nếu sinh viên diện đặt hàng ra trường vẫn tham gia thi tuyển như bình thường thì không thể khả thi.

Vì vậy, nếu muốn thực hiện cơ chế đặt hàng, Bộ Nội vụ phải có chính sách ưu tiên xét tuyển với những sinh viên được địa phương đặt hàng đào tạo. Một khi đặt hàng là phải có trách nhiệm bố trí công việc sau khi người học tốt nghiệp”, thầy Thành chia sẻ.

Phạm Minh