Trong lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống đang được đánh giá là một trong những lựa chọn ưu việt, phù hợp với định hướng đổi mới toàn diện giáo dục.
Đặc biệt theo ý kiến của nhiều giáo viên, sách Lịch sử và Địa lý được thiết kế theo hướng mở nên đã tạo được không gian sáng tạo cho người dạy khi xây dựng bài giảng và phát triển hoạt động dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Sách thiết kế theo hướng mở thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh
Sau 4 năm trực tiếp giảng dạy và đồng hành cùng học sinh với sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Nguyễn Thị Thu Hồng - giáo viên phân môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ sự hài lòng với cách xây dựng nội dung trong sách mới.
Theo đó, sách cung cấp rất đầy đủ và có định hướng rõ ràng cho học sinh về mặt kiến thức cơ bản. Đặc biệt, nội dung được thiết kế với cấu trúc khoa học, hình ảnh minh họa rõ nét và sinh động, giúp người học dễ tiếp cận và có hứng thú hơn với môn học.

Đánh giá từ quá trình tiếp xúc với sách, cô Hồng cho biết một trong những ưu điểm nổi bật nhất của sách, đặc biệt đối với phân môn Lịch sử chính là thể hiện rõ ràng tính kết nối mạch lạc giữa các bài học và khả năng mở rộng kiến thức cho học sinh sau mỗi đơn vị bài.
Không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt thông tin, mỗi bài học đều được thiết kế như một mắt xích trong chuỗi nội dung có tính hệ thống, giúp học sinh thấy được mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, tiến trình phát triển của dân tộc và thế giới.
Đồng thời sau mỗi bài, sách đều gợi mở các hoạt động, câu hỏi mở và liên hệ thực tiễn, tạo điều kiện để học sinh mở rộng kiến thức, phát triển tư duy độc lập và kỹ năng tự học.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống vì thấy rõ được sự kết nối mạch lạc giữa các bài và khả năng mở rộng ra ngoài nội dung sách, giúp học sinh tiếp cận lịch sử theo chiều sâu.
Dù đặc thù của phân môn Lịch sử là kiến thức quá khứ vốn ít có sự khác biệt lớn giữa các bộ sách, nhưng cách bố trí các phân mục, nội dung trong sách Lịch sử và Địa lý - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại rất hợp lý, tạo thuận lợi cho cả giáo viên trong giảng dạy lẫn học sinh trong việc tiếp thu kiến thức”, cô Hồng cho hay.

Bên cạnh đó, cô Hồng còn dành lời khen cho sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khi kế thừa có chọn lọc từ chương trình cũ, đồng thời mở rộng và đào sâu kiến thức, giúp học sinh hiểu lịch sử một cách toàn diện hơn.
Theo đó, nội dung lịch sử cơ bản vẫn được giữ lại nhằm đảm bảo tính hệ thống nhưng chương trình mới đã đi sâu hơn vào những chủ đề mà trước đây chỉ được lướt qua. Đơn cử như ở lớp 6, học sinh không chỉ học về các nền văn minh cổ đại quen thuộc mà còn được tìm hiểu kỹ hơn về các vương quốc cổ ở Đông Nam Á như Champa và Phù Nam – những nội dung trước đây thường chỉ được đề cập một cách sơ lược.
Theo cô Hồng, việc đưa thêm chiều sâu vào bài học không chỉ giúp học sinh mở rộng hiểu biết mà còn khơi gợi niềm hứng thú và tư duy phản biện, từ đó hình thành cách nhìn toàn diện và khách quan hơn về tiến trình lịch sử khu vực và thế giới cho các em.
Đặc biệt, điểm mới mang tính thời sự và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc là việc đưa lịch sử biển đảo Việt Nam vào chương trình một cách rõ ràng, có hệ thống. Nhờ vậy, học sinh không chỉ học về địa lý biển đảo mà còn được tìm hiểu cụ thể về quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền của dân tộc qua các thời kỳ.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Lê Linh Chi - giáo viên Lịch sử Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trước hết, sách được xây dựng bám sát khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tính hệ thống, logic và đầy đủ về kiến thức, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Cụ thể, sách không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức, mà còn tạo điều kiện để học sinh rèn luyện tư duy, kỹ năng, thái độ và giá trị sống thông qua các hoạt động học tập mở, câu hỏi gợi mở và nội dung liên hệ thực tiễn. Mỗi bài học đều hướng đến việc học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích, biết đặt câu hỏi và quan trọng nhất là biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Thứ hai, đúng như tên gọi Kết nối tri thức với cuộc sống, ưu điểm lớn nhất của bộ sách này so với các bộ sách khác chính là tính thực tế được thể hiện rất rõ trong từng bài học.
Theo chia sẻ của cô Chi, bộ sách không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức lịch sử hay địa lý một cách khô khan, mà luôn có những gợi ý phù hợp để giáo viên và học sinh kết nối kiến thức với thực tiễn cuộc sống hiện nay. Điều đó thể hiện qua những chuyên mục nhỏ như "Bạn có biết?", "Em hãy tìm hiểu", hoặc những phần liên hệ thực tế được lồng ghép xuyên suốt mỗi bài học.
“Các nội dung ấy không hề giáo điều mà gần gũi, gợi mở và lồng ghép các vấn đề thực tiễn như giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhận thức về biển đảo, hay kết nối lịch sử với sự phát triển đất nước trong thời đại mới. Nhờ thiết kế ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào trọng tâm kiến thức, giáo viên sẽ có cơ hội phát huy vai trò tổ chức, dẫn dắt quá trình học tập theo hướng chủ động – tích cực.
Bên cạnh đó, bộ sách cũng cho thấy sự gợi mở linh hoạt khi nội dung bài học là nền tảng nhưng không đóng khung. Nhờ vậy giáo viên có thể sáng tạo trong phương pháp, mở rộng bài học bằng các tư liệu lịch sử, câu chuyện thực tế, tư liệu hình ảnh, từ đó khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh và nâng cao hiệu quả dạy học”, cô Chi nhận xét.

Từ truyền đạt một chiều đến “kích hoạt tư duy”
Với những đổi mới tích cực mà bộ sách mang lại, giáo viên cũng có thêm nhiều sự sáng tạo về phương pháp dạy học đối với môn Lịch sử.
Theo quan điểm của cô Lê Linh Chi, khác với phương pháp truyền thống nơi giáo viên truyền đạt kiến thức một chiều, sách Lịch sử và Địa lý - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã tập trung vào việc giảm tải kiến thức, tăng cường hoạt động học tập để phát triển năng lực học sinh.
Ngay từ phần mở đầu mỗi bài học, sách thường có những gợi mở nhẹ nhàng, mang tính khơi gợi thay vì áp đặt. Học sinh được dẫn dắt vào bài bằng những câu hỏi gợi suy nghĩ, tình huống thực tiễn hoặc kết nối với đời sống, giúp quá trình tiếp cận kiến thức trở nên tự nhiên, hứng thú hơn.
Phần nội dung chính của bài học cũng được thiết kế theo hướng tinh gọn, chọn lọc những kiến thức trọng tâm, nổi bật, tránh gây quá tải nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về mặt khoa học và giáo dục. Điều này giúp giáo viên có không gian để sáng tạo trong cách tổ chức dạy học, và cũng mở ra nhiều phương án để học sinh tiếp cận kiến thức theo cách phù hợp với năng lực cá nhân.
Nếu trước đây, học sinh phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức, số liệu và yêu cầu ghi nhớ máy móc, thì giờ đây nội dung được tinh gọn, tập trung vào những kiến thức rõ ràng, gần gũi với thực tế.
Nhờ đó, việc học lịch sử trở nên nhẹ nhàng hơn, học sinh không phải “học vẹt” quá nhiều con số mà thay vào đó hiểu được tiến trình lịch sử chung, biết phân tích, liên hệ và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
“Trong quá trình dạy học theo chương trình mới, tôi luôn cố gắng kết hợp linh hoạt giữa phương pháp truyền thống và hiện đại. Những cách làm quen thuộc như kể chuyện lịch sử, dựng lại hoàn cảnh lịch sử vẫn được tôi sử dụng thường xuyên vì chúng gần gũi, dễ tiếp cận và giúp học sinh hiểu bài sâu hơn.
Bên cạnh đó, tôi cũng áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại như nghiên cứu tài liệu, góc học tập lịch sử, thực hiện dự án, kết hợp liên môn giữa Lịch sử và Địa lý.
Ví dụ, tôi có thể cung cấp tư liệu lịch sử, đoạn phim, hoặc yêu cầu học sinh nghiên cứu để tìm ra vấn đề. Sau đó, học sinh sẽ chuẩn bị bài ở nhà và trình bày theo dạng bài tập dự án trong lớp.
Tiếp theo, tôi tổ chức thảo luận nhóm để học sinh làm việc cùng nhau, đưa ra các vấn đề lịch sử và giải quyết tình huống lịch sử. Đây là cách để các em không chỉ học kiến thức mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện.
Ngoài ra, mỗi bài học đều có phần khởi động để cập nhật kiến thức mới và khuyến khích học sinh vận động tư duy. Cách tiếp cận này giúp học sinh hiểu bài sâu hơn, kích thích hứng thú học tập và nâng cao năng lực tự học”, cô Chi chia sẻ.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương, học sinh sẽ được triển khai, thực hiện nhiều nhiệm vụ khi học môn Lịch sử. Theo đó, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ chung và nhiệm vụ riêng ở mỗi bài học.
Đối với nhiệm vụ chung, cả lớp đều phải tìm hiểu chung một chủ đề, chung một nội dung. Còn nhiệm vụ từng phần thì sẽ giao cho từng tổ, từng nhóm và học sinh phải tìm hiểu kiến thức ở các kênh thông tin bên ngoài.
Lý giải điều này, cô Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu tham khảo. Vì vậy, học sinh có thể tìm hiểu thêm từ nhiều bộ sách khác hoặc khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau ngoài sách giáo khoa.
Việc giao nhiệm vụ tìm hiểu ở mỗi bài học không chỉ giúp các em mở rộng kiến thức mà còn rèn luyện được kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng lựa chọn và đánh giá thông tin một cách chính xác, giúp các em phát triển tư duy độc lập và khả năng tự học.
Đặc biệt, với ưu điểm thiết kế mở của sách Lịch sử và Địa lý - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, việc xây dựng kế hoạch giảng dạy của giáo viên đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước đây.
Theo đó, thay vì tạo ra những giáo án chi tiết, giáo viên hiện nay chỉ cần xây dựng kế hoạch giảng dạy tổng quát, với các mục tiêu và định hướng rõ ràng. Điều này giúp giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy dựa trên tình hình thực tế và nhu cầu của học sinh.
Khi kế hoạch giảng dạy không còn bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc mà mở rộng sẽ tạo điều kiện cho sự sáng tạo và tự chủ trong giảng dạy, đồng thời giúp học sinh có không gian để chủ động khám phá và học hỏi.
“Nếu trước đây một tiết học thường phải “chạy đua” để hoàn thành toàn bộ nội dung bài học thì hiện nay, giáo viên có thể chủ động lựa chọn phần nào cần dành nhiều thời gian để truyền đạt kỹ hơn, phần nào có thể lược bớt hoặc giao cho học sinh tự nghiên cứu.
Sự thay đổi này không chỉ giúp giảm áp lực về thời gian, mà còn tạo điều kiện để giáo viên tập trung đào sâu vào những nội dung trọng tâm, giúp học sinh hiểu bài kỹ hơn và có cơ hội phát triển năng lực một cách thực chất”, cô Hồng nêu ví dụ.