Đã có 1.263 chương trình đào tạo đại học được kiểm định và cấp chứng nhận

14/09/2023 09:36
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều thành tích vượt trội của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2022-2023

Theo Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2022-2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm học 2023-2024 của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình phát triển Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022- 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TTgCP ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 78).

Vậy nên, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý kiểm định chất lượng để góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình 78.

Bên cạnh việc rà soát, xây dựng thể chế như đã nêu trên, công tác quản lý, kiểm định chất lượng đại học đã đạt được một số kết quả như sau:

Tính đến ngày 31/7/2023, toàn quốc có 1263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có: 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài;

183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 09 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài;

11 trường cao đẳng sư phạm và 4 chương trình giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sư phạm.

Để bảo đảm việc xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng đối với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, và hình thành mạng lưới tổ chức kiểm định theo yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp xây dựng nội dung quy định liên quan đến tổ chức kiểm định công lập tiếp tục tham mưu để công nhận hoạt động đối với 03 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, gồm:

Tổ chức ASEAN University Network - Quality Assurance (AUN-QA); tổ chức High Council for Evaluation of Research and Higher Education (Hcéres) và tổ chức The Quality Assurance Agency for Higher Education (QAA).

Hiện, Cục đang tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của 04 tổ chức kiểm định nước ngoài khác đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, các tổ chức kiểm định trong nước sử dụng bộ tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; các tổ chức kiểm định nước ngoài sử dụng bộ công cụ, tiêu chuẩn đã đăng ký trong hồ sơ xin cho phép hoạt động để kiểm định chất lượng theo đề nghị của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Hoạt động kiểm định độc lập với hoạt động quản lý về bảo đảm và kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy trình quy định.

Mặt khác, đối với các tổ chức kiểm định công lập, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 135/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, theo đó dự thảo quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học công lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư để bảo đảm theo yêu cầu tại khoản 28 Điều 1 Luật giáo dục đại học số 34 sửa đổi, bổ sung Điều 52 Luật giáo dục đại học năm 2012.

Không những vậy, Cục cũng triển khai thực hiện quy định mới về bồi dưỡng kiểm định viên tại Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong năm học 2022-2023, đã có thêm 03 tổ chức kiểm định chất lượng tư thục được tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, nâng tổng số tổ chức kiểm định chất lượng tham gia đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên lên 7 tổ chức.

Hơn nữa, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã có kết quả nổi bật, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ kiểm định viên và đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học.

Kết quả, có 1044 người đủ điều kiện được cấp chứng nhận tham dự khóa tập huấn trực tuyến và 291 người cấp chứng nhận tham dự khóa tập huấn chuyên sâu.

Hơn nữa, Cục đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục với các đối tác Anh, Úc trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Dự án Au4 Skill; Dự án với Hội đồng Anh - BC); phối hợp với tổ chức AUN tổ chức chuỗi hội thảo khung đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/6/2023 với hơn 100 đại biểu đến từ 86 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và chuyên gia đến từ các nước ASEAN, Châu Âu và Úc.

Đưa Phần mềm Quản lý Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (sản phẩm của Dự án Sahep do WB tài trợ xây dựng) vào khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, Cục đã triển khai hợp tác quốc tế về xếp hạng đại học với tổ chức QS và THE (Anh).

Theo dõi kết quả xếp hạng đại học, có thể thấy, so với các năm trước, năm 2022 đã có bước nhảy vọt khi có tới:

05 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE; 05 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); có thêm 02 cơ sở giáo dục đại học (tổng là 05 cơ sở) có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023; 10 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng Webometrics; 05 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021); 11 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 07 cơ sở giáo dục đại học tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022. Đặc biệt, năm 2023 có 09 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2023.

Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành, tại bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong top 51/630 tốt nhất thế giới. Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351/500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và tại 4 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh., Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Năm 2023, Việt Nam đã có tới 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong QS AUR 2023 gồm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Có 09 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng của THE, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Tôn Đức Thắng,Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tường San