Còn 3/4 lĩnh vực bảo đảm chất lượng có kết quả kiểm định trung bình dưới mức 4

13/09/2023 09:15
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Giáo dục và đào tạo cần ưu tiên nguồn lực (nhân lực và tài chính để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng CSGD và chương trình đào tạo.

Tại Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2022-2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm học 2023-2024 của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại và cao đẳng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn.

Theo đó, báo cáo này nêu rõ, năm học 2022-2023 đã có những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực về quản lý kiểm định chất lượng giáo dục đại học từ việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo hành hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho đến công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ngoài ra, các công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ, các hoạt động hợp tác Quốc tế đã được triển khai, thực hiện sâu rộng hơn để thúc đẩy hội nhập về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Không những vậy, đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phục vụ lưu trữ và đối sánh dữ liệu bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Thông qua hoạt động kiểm định đã giúp cho các cơ sở giáo dục cải tiến chất lượng thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học (khoản 2 Điều 49 Luật giáo dục đại học).

Các kết quả này đã góp phần thực hiện mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 69/QĐ TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 và Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030”.

Không chỉ ban hành quy định pháp quy để triển khai hoạt động kiểm định, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn giữ vai trò chủ trì về hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đạt được các mục tiêu sau:

Đối sánh để bảo đảm hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách; hỗ trợ các tổ chức kiểm định trong việc hợp tác quốc tế về kiểm định chất lượng; giúp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, kiểm định viên, công chức, viên chức, nhà quản lý, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục tư thục tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn do chuyên gia người nước ngoài và người Việt Nam của các tổ chức kiểm định nước ngoài tập huấn.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay vẫn đang trong quá trình phát triển, để có thể hội nhập quốc tế trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nên cần tiếp tục được đánh giá để hoàn thiện.

Về nguồn lực, đội ngũ công chức xây dựng chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa được đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Vẫn còn khoảng trống khá lớn giữa xây dựng chính sách bảo đảm và kiểm định chất lượng nên việc thiết kế và triển khai ma trận chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Mặc dù đội ngũ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm đã có nhiều cải thiện trong giai đoạn 5 năm gần đây, tuy nhiên, nhu cầu về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trong việc thiết kế xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và tham mưu xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng cấp cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và kinh phí dành cho việc cải tiến chất lượng (giai đoạn 2017-2021):

Theo thống kê kết quả kiểm định chất lượng tại 122 cơ sở giáo dục đại học cho thấy trong 4 lĩnh vực bảo đảm chất lượng giáo dục đại học vẫn còn 3/4 lĩnh vực có kết quả kiểm định trung bình dưới mức 4.

Nguồn lực tài chính cơ sở giáo dục đại học dành cho hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục chưa được ưu tiên, có nhiều nơi chưa quy định thành mục chi cho công tác này.

Báo cáo cũng nêu rõ về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này.

Thực tiễn triển khai cho thấy, hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cũng như hướng dẫn xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục.

Các thủ tục và quy trình cần có đối với việc thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học chưa được ban hành để giúp các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhằm cải tiến liên tục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chưa có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính cho hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Đến nay, ngoài việc quản lý nhà nước thông qua thanh tra, kiểm tra, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống giám sát chất lượng (gồm đầy đủ bộ công cụ giám sát và đánh giá với các chỉ số đo lường cụ thể) hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài.

Ngoài ra, niềm tin của cán bộ quản lý, giảng viên và xã hội đối với kết quả đánh giá chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện còn hạn chế.

Lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, cần có sự quan tâm, am hiểu nhất định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nói chung và áp dụng sâu rộng khoa học giáo dục, quản trị đại học, thông tin trong công tác bảo đảm chất lượng; đồng thời, cần phải chỉ đạo thực hiện cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

Hệ thống giáo dục đại học cần phát huy vai trò của khối trường sư phạm trong đổi mới sáng tạo và khoa học giáo dục, áp dụng cho bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo, đặc biệt là các tiêu chuẩn đầu vào, quá trình, tiêu chuẩn đầu ra.

Để khắc những hạn chế trong việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, Cục Quản lý chất lượng đã đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp.

Thứ nhất, đối với Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần:

Tiếp tục khảo sát, rà soát, tính khả thi và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục;

Triển khai xây dựng và ban hành các Thông tư đúng tiến độ;

Tiếp tục tham mưu trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ hai, đối với công tác chuyên môn và thanh tra kiểm tra, cần:

Tổ chức giám sát, đánh giá đối với các tổ chức kiểm định giáo dục;

Tăng cường kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các quy định của Luật giáo dục đại học về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, Cục cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đối với các cơ sở giáo dục, các Bộ, ban ngành có liên quan.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cần: chủ động triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 50 Luật giáo dục đại học; Ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Đối với cơ quan có thẩm quyền, cần: tổ chức đánh giá, khảo sát để sửa đổi bổ sung các quy định liên quan về mô hình tổ chức kiểm định; quy định về tài chính kiểm định và mạng lưới tổ chức kiểm định sau năm 2025 để bảo đảm các nhóm nguyên tắc của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại khoản 5 Điều 49 Luật giáo dục đại học.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan, cần: Chủ động triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 50 Luật giáo dục đại học; Ưu tiên nguồn lực (nhân lực và tài chính) để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Đối với Chính phủ, cần: Ban hành Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó sửa đổi bổ sung một số nội dung liên quan đến điều kiện thành lập và cho phép hoạt động của tổ chức kiểm định; bổ sung điều kiện và cho phép hoạt động đối với tổ chức kiểm định nước ngoài;

Ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 99 theo hướng bổ sung một số thông tin liên quan đến trách nhiệm và quyền của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài;

Tham mưu Quốc hội sửa đổi bổ sung các quy định liên quan về mô hình tổ chức kiểm định; quy định về tài chính kiểm định và mạng lưới tổ chức kiểm định sau năm 2025 để bảo đảm các nhóm nguyên tắc của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại khoản 5 Điều 49 Luật giáo dục đại học.

Tường San