Còn nhiều trăn trở về chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Y học dự phòng

Còn nhiều trăn trở về chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Y học dự phòng

12/04/2025 06:18
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhận thức về ngành Y học dự phòng trong xã hội vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác phòng bệnh. Cần nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này.

Ngành Y học dự phòng đang đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu đổi mới để thích ứng với các yếu tố khách quan trong xã hội và môi trường y tế. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, việc cải tiến mô hình y tế dự phòng, nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật các phương pháp dự phòng hiện đại là điều cần thiết.

Chưa có chuẩn năng lực rõ ràng cho bác sĩ y học dự phòng là thách thức lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường đảm bảo đầy đủ các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành, trang thiết bị thư viện và phòng thí nghiệm nhằm phục vụ công tác đào tạo ngành Y học dự phòng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã có kinh nghiệm gần 20 năm đào tạo ngành này với số lượng sinh viên ổn định trong nhiều năm.

Một trong những thế mạnh trong chương trình đào tạo của trường là sinh viên được học trong môi trường có sự kết hợp chặt chẽ giữa y học điều trị và y học dự phòng. Nhờ đó, các em có cơ hội tiếp cận những tiến bộ mới trong công tác phòng chống dịch bệnh, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, chăm sóc sức khỏe ban đầu để triển khai các giải pháp dự phòng một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ từ lãnh đạo Bộ Y tế cùng các vụ, cục trực thuộc. Đây là yếu tố then chốt giúp viện có điều kiện thuận lợi trong việc cập nhật chính sách, xu hướng mới trong lĩnh vực y tế dự phòng. Đồng thời, viện cũng nhận được hỗ trợ về chuyên môn và nguồn lực để phát triển chương trình nghiên cứu, đào tạo sát với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Với bề dày truyền thống 65 năm gắn bó cùng sự phát triển của hệ thống y tế dự phòng quốc gia, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sở hữu đội ngũ giảng viên nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho các thế hệ sinh viên, học viên.

Những năm gần đây, nhà trường đã tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, để không chỉ khẳng định vị thế của viện trong giới y học dự phòng Việt Nam mà còn hướng tới sự công nhận trên trường quốc tế.

Ngoài ra, việc kết hợp chặt chẽ với các cơ sở thực hành, đặc biệt là trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tại nhiều tỉnh thành, một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, các cơ sở y tế địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận thực tiễn ngay trong quá trình học tập, giúp các em tự tin hơn khi tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Nội dung đoạn văn bản của bạn (2).jpg

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Minh Giang đánh giá, ngành Y học dự phòng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra là cần cải tiến và đổi mới mô hình y tế dự phòng của Việt Nam nhằm thích ứng với những biến đổi khách quan của thực tiễn.

Hiện nay, hệ thống y tế dự phòng Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức mới như sự gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số cao, sự phát triển bệnh mới "nổi" và tái "nổi" có nguy cơ trở thành dịch và đại dịch. Những bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế.

Trước thách thức này đòi hỏi chương trình đào tạo, ngoài tập trung vào phòng chống dịch bệnh, còn phải chú trọng trang bị cho sinh viên năng lực triển khai các phương pháp dự phòng hiện đại. Trong đó, việc tiếp cận y học chính xác đóng vai trò quan trọng trong dự phòng bệnh lý mạn tính dựa trên ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

Ví dụ, sinh viên ra trường cần có năng lực thực hành sàng lọc, dự phòng sớm các bệnh có liên quan đến biến đổi gene, cũng như các bệnh do tích lũy yếu tố nguy cơ từ môi trường và hành vi. Đồng thời, họ cần giúp người dân tiếp cận biện pháp dự phòng và điều trị ban đầu hiệu quả để giảm gánh nặng cho cá nhân và xã hội.

Bên cạnh đó, việc chưa có chuẩn năng lực rõ ràng cho bác sĩ y học dự phòng Việt Nam cũng là một thách thức lớn. Mặc dù, công tác bồi dưỡng và phát triển nhân lực y tế dự phòng đã được đẩy mạnh, nhưng vẫn thiếu một hệ thống tiêu chuẩn cụ thể để định hướng và đánh giá năng lực chuyên môn.

Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng xây dựng bộ chuẩn năng lực cho bác sĩ y học dự phòng Việt Nam. Dự thảo hiện đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được trình lên Bộ trong thời gian tới. Khi được xét duyệt, sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ nhân lực y tế dự phòng tại Việt Nam.

Màu Beige Nâu Đơn Giản Hình Ảnh Câu Nói Trích Dẫn Ảnh Ghép Dọc (1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Minh Giang trong một số buổi hội thảo. Ảnh: NVCC

Theo Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, mặc dù, vai trò của y học dự phòng đã được nhấn mạnh trong nhiều văn bản, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng nguồn lực dành cho ngành này vẫn còn chưa tương xứng. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển hệ thống y tế dự phòng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở một số nơi, việc xây dựng hệ thống bệnh viện thường được chú trọng hơn, trong khi việc gắn kết sự phát triển của bệnh viện với hệ thống y tế dự phòng, nhằm hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện lại chưa được quan tâm đúng mức.

Cuối cùng, nhận thức của xã hội về vai trò của dự phòng nói chung và ngành Y học dự phòng nói riêng còn khá hạn chế. Nhiều người chỉ chú ý đến việc phòng bệnh khi tuổi đã cao hoặc phải đối mặt với bệnh tật. Thực tế cho thấy, trước khi dịch cúm A bùng phát, rất ít người quan tâm đến việc tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, sau khi các ca tử vong được đưa tin rộng rãi trên phương tiện truyền thông, nhiều người dân mới bắt đầu “đổ xô” đi tiêm phòng.

Đây là một trong những vấn đề lớn mà ngành Y tế cần giải quyết để nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của các biện pháp y học dự phòng và biện pháp nâng cao sức khỏe trong chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cần quy định rõ ràng hơn trong việc cấp chứng chỉ hành nghề

Cùng chia sẻ về việc đào tạo ngành Y học dự phòng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Lê Thị Kim Nhung – Trưởng khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Khác với các ngành học khác, hệ thống thực hành đóng vai trò quan trọng đối với ngành Y học dự phòng. Vì vậy, nhà trường đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở y tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, trải nghiệm thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có nhiều chuyên gia đầu ngành, cố vấn giàu kinh nghiệm, có nền tảng chuyên môn sâu rộng cùng quan điểm sắc bén trong công tác đào tạo. Cùng với đó, nhà trường còn có đội ngũ giảng viên trẻ, nhiều thầy cô được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng tại nước ngoài. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của thế hệ đi trước và sự năng động của thế hệ giảng viên trẻ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo môi trường học tập hiện đại, sáng tạo và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của sinh viên.

Không chỉ vậy, ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, nhà trường đã tiến hành kiểm định và đạt tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo ngành Y học dự phòng. Việc này khẳng định chất lượng đào tạo và cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục cao nhất của trường”.

Các loại sóng Bản thuyết trình Khoa học theo Phong cách Có đường kẻ Xanh dương Nhạt Trắng (4).jpg

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Kim Nhung chia sẻ thêm, thực tế cho thấy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu hụt bác sĩ y học dự phòng trở nên nghiêm trọng. Vào thời điểm dịch bùng phát, lực lượng bác sĩ y học dự phòng giữ vai trò then chốt trong kiểm soát dịch bệnh không đủ nên bác sĩ sản khoa, ngoại khoa cũng phải cùng tham gia điều trị. Nếu có đủ nhân lực để triển khai tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp y tế ban đầu, đại dịch Covid-19 nói riêng và nhiều đợt dịch nói chung có thể được kiểm soát từ sớm.

Cô Nhung cho rằng, nguồn cung nhân lực ngành học này đang gặp “lỗ hổng” lớn. Mỗi cơ sở giáo dục đại học hầu như chỉ tuyển khoảng 50 – 100 chỉ tiêu/năm, con số này quá thấp so với nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.

Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ y học dự phòng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề như bác sĩ lâm sàng, gây ra nhiều bất lợi trong quá trình làm việc, ảnh hưởng đến quyền lợi và làm giảm sức hút của ngành đối với sinh viên. Trước thực trạng này, Bộ Y tế và các chuyên gia đang tìm cách tháo gỡ.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Y học dự phòng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Kim Nhung cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành học này có thể công tác tại trung tâm phòng chống dịch bệnh, viện nghiên cứu, tham gia vào công tác điều trị ban đầu tại tuyến cơ sở để phát huy vai trò của mình. Tuy nhiên, do chưa có chính sách cụ thể để thu hút và giữ chân đội ngũ này nên nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không mặn mà với công việc tại các trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã hay các đơn vị y tế địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng ở tuyến cơ sở, nơi đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Một thực tế đáng lo ngại là sự chênh lệch thu nhập giữa các tuyến trong hệ thống y tế. Tại tuyến y tế cơ sở, chế độ đãi ngộ và mức lương còn khá thấp khiến các bác sĩ trẻ “e ngại” khi lựa chọn công tác ở đây. Đây là nguyên nhân dẫn tới thực trạng tuyến cơ sở gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực. Nếu không có chính sách hợp lý, tình trạng thiếu hụt bác sĩ y học dự phòng tại tuyến này sẽ tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Kim Nhung, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trang bị thêm kỹ năng lập kế hoạch, nghiên cứu khoa học, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục khi làm việc với cộng đồng và các cơ quan y tế. Ngoài ra, còn cần thêm khả năng phân tích dữ liệu và tư duy hệ thống để đánh giá nguy cơ sức khỏe và đưa ra giải pháp dự phòng phù hợp.

Sự kiên nhẫn, trách nhiệm và khả năng làm việc dưới áp lực cũng là tố chất không thể thiếu, đặc biệt, trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh.

Trong khi đó, một cựu sinh viên ngành Y học dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội, hiện đang công tác tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của một bệnh viện tại Hà Nội cho rằng, quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhân lực y học dự phòng chưa rõ ràng là trở ngại lớn cho anh và nhiều đồng nghiệp.

"Dù không trực tiếp khám chữa bệnh, nhưng đội ngũ bác sĩ làm việc tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn tham gia vào các hoạt động quan trọng của bệnh viện bao gồm: cách ly nguồn nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng thuốc, các loại nhiễm khuẩn do bệnh viện như: nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi bệnh viện... Những việc này đòi hỏi phải hiểu về bệnh, phương thức lây nhiễm, am hiểu kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý y tế để cùng bác sĩ điều trị xây dựng chiến lược kiểm soát và ngăn chặn lây nhiễm trong bệnh viện.

Những công việc này ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả khám chữa bệnh, tuy nhiên bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, có trình độ chuyên môn và tham gia trực tiếp vào các quy trình liên quan đến điều trị vẫn chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tương đương.

Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp cụ thể về chức danh, phạm vi hành nghề của người hướng dẫn thực hành nêu: "Đối với người có văn bằng bác sỹ y học dự phòng thì người hướng dẫn là bác sỹ với phạm vi hành nghề y học dự phòng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa, trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ răng hàm mặt".

Quy định có nhắc đến vai trò của bác sĩ y học dự phòng trong việc hướng dẫn thực hành, tuy nhiên, chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn lại không được nhắc đến một cách rõ ràng. Vì vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn khi công tác tại bệnh viện, do chưa được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Từ thực trạng trên, tôi hy vọng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ y học dự phòng được quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn, điều kiện cấp chứng chỉ, quy trình đánh giá năng lực nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc công nhận chuyên môn", nam bác sĩ chia sẻ.

Trong khi đó, chị Trần Thị Thùy Dung, cựu sinh viên ngành Y học dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội, hiện đang công tác tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho rằng, để phát triển ngành Y học dự phòng cần tăng cường công tác tuyên truyền để xã hội hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi nhận thức xã hội được nâng cao, ngành học này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thu hút nhân lực, được đầu tư đúng mức và khẳng định vị thế trong hệ thống y tế quốc gia.

Ngoài ra, cần đề cao vai trò của nhân viên y tế dự phòng, có những chính sách đãi ngộ và chế độ lương hợp lý. Đây là yếu tố then chốt để thu hút thêm nhiều sinh viên lựa chọn và gắn bó lâu dài với ngành Y học dự phòng.

Xanh mòng két và Trắng Màu chuyển tiếp Công nghệ và Chơi game Bán lẻ Trang web.jpg
Một số hoạt động của cựu sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Trong quá trình làm việc, ngoài chuyên môn, cần phải có thêm kỹ năng mềm và những kiến thức liên quan đến công tác tài chính. Thực tế, nhân viên y tế dự phòng phải thường xuyên làm việc với các thủ tục hành chính như thanh toán chứng từ, điều này đòi hỏi phải có khả năng xử lý công việc nhanh chóng, chính xác.

Vì vậy, trong quá trình học, cần tăng cường thời gian thực hành tại các cơ sở y tế, bệnh viện để sinh viên có cơ hội thực hành, định hướng rõ ràng hơn về công việc sau khi ra trường. Việc tiếp xúc sớm với thực tế cũng giúp người học áp dụng kiến thức lý thuyết linh hoạt, hiệu quả hơn”, chị Thùy Dung chia sẻ.

Khánh Hòa