Thông tin tại Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nội dung về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế (ngày 31/10/2023), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam liên kết với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thuộc 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo khoản 7, Điều 45 Luật 34/2018/QH14 về Liên kết đào tạo với nước ngoài quy định: "Cơ sở giáo dục đại học phải... thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định".
Là cơ sở giáo dục đại học có triển khai đào tạo chương trình liên kết, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều Trang - Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thương mại thông tin: Hiện nhà trường đang liên kết đào tạo quốc tế theo hai hình thức 2+2 du học Trung Quốc và du học tại chỗ (3+0). Tất cả các chương trình này đều đã được kiểm định chất lượng tại nước sở tại của đối tác liên kết.
Theo đó, với chương trình du học Trung Quốc 2+2 có hai chiều. Một là, sinh viên học 2 năm đầu tại Trung Quốc và 2 năm cuối ở Trường Đại học Thương mại. Sau khi tốt nghiệp sinh viên được Trường Đại học Thương mại cấp bằng.
Hai là, sinh viên Việt Nam học 2 năm tại Trường Đại học Thương mại và 2 năm cuối chuyển tiếp sang Trung Quốc. Tốt nghiệp, sinh viên được trường đối tác tại Trung Quốc cấp bằng.
Chương trình này cả hai trường cùng liên kết để tạo ra một khung chương trình chung và thừa nhận tín chỉ của nhau. Sau khi có sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên, nhà trường sẽ tiến hành kiểm định theo quy định. Hiện tại các chương trình 2+2 với Trung Quốc nhà trường mới đang tuyển sinh khóa 2, chưa có sinh viên tốt nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung chuyên nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiện, bà đã có thẻ kiểm định viên vùng HLC- Hoa Kỳ. Sau khi về nước, Tiến sĩ Nhung tiếp tục tham gia hội đồng tư vấn bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng quốc gia tư vấn các chính sách liên quan đến kiểm định chất lượng, cho hay:
"Với các chương trình liên kết quốc tế đào tạo tại Việt Nam sau khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp cơ sở giáo dục phải tiến hành kiểm định chất lượng, nếu không sẽ phải tạm dừng tuyển sinh đến khi nào hoàn thành kiểm định.
Tuy nhiên, cũng cần phân ra các trường hợp cụ thể. Thứ nhất, nếu bằng của chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp thì chỉ cần kiểm định ở nước ngoài, không cần kiểm định lại tại Việt Nam. Trường hợp bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp hoặc cấp song bằng thì phải tiến hành kiểm định ở Việt Nam".
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, các chương trình liên kết quốc tế nếu trung tâm kiểm định ở Việt Nam chưa kiểm định được thì nhà trường có thể kiểm định ở các đơn vị quốc tế được công nhận tại Việt Nam như: FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation) - một tổ chức kiểm định uy tín của châu Âu hay AUN -QA của Đông Nam Á. Cao hơn nữa thì có thể kiểm định Mỹ ACBSP....
Việt Nam hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.
Trong nước có 7 trung tâm kiểm định gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.
10 tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, THE-ICE, ACBSP, ABET, ACQUIN.
"Có rất nhiều đơn vị uy tín chỉ sợ các trường không có đủ khả năng để làm theo bộ tiêu chuẩn kiểm định đó thôi. Hiện tại ở Việt Nam cũng có rất nhiều chương trình đã làm kiểm định quốc tế rồi chứ không phải chỉ kiểm định ở các tổ chức trong nước.
Đối với các trường đã có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên rồi mà chưa tiến hành kiểm định thì các cơ quan chức năng cần rà soát và dừng việc tuyển sinh theo đúng luật. Tuy nhiên, cũng có thể việc kiểm định các chương trình quốc tế còn mới nên các trường vẫn chưa tiếp cận được. Cũng cần linh hoạt để các trường có thời gian chuẩn bị bởi thực tế ngay cả các chương trình đại trà trong nước cũng chưa được kiểm định hết 100%", cô Nhung nêu quan điểm.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung cũng đề xuất có thể không kiểm định hết các chương trình nhưng kiểm định cơ sở giáo dục thì bắt buộc phải kiểm định hết. Trong bộ tiêu chuẩn kiểm định toàn trường cũng có tiêu chuẩn quản lý về chất lượng tất cả các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục. Bởi một trường đào tạo rất nhiều chương trình, không thể chỉ lọc ra một vài chương trình mang đi kiểm định được.
Với các chương trình muốn kiểm định riêng thì cần có tổ chức kiểm định theo từng ngành riêng. Ví dụ có trung tâm chỉ chuyên kiểm định chương trình kinh tế, hay trung tâm chỉ chuyên kiểm định về y khoa.
Mặt khác, trước khi liên kết cũng cần xem đơn vị nước ngoài có đạt kiểm định tại nước sở tại hay không. Hoặc chương trình đào tạo ở nước sở tại đã đạt kiểm định hay chưa. Đặc biệt, cần phải xem xét chứng nhận kiểm định của trường ở nước sở tại còn thời gian hiệu lực không.
"Các trường ở Việt Nam cũng có thể thành lập đơn vị thẩm định lại xem chứng nhận kiểm định của trường liên kết có hợp lệ hay không. Cũng giống như Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có một bộ phận thẩm định, công nhận văn bằng.
Việc thẩm định này không có gì khó khăn cả vì hiện nay thông tin đều được công bố trên website của tổ chức kiểm định ở các nước. Thậm chí họ còn cung cấp cả danh sách các trường trong nước có đạt kiểm định hay không trên website. Hoặc để kiểm tra, các trường có thể gửi một email xác nhận xem trường đối tác có đạt kiểm định tại trung tâm hay không. Trung tâm kiểm định sẽ phản hồi là có thể xác minh được", cô Nhung thông tin thêm.
Theo thông tin đăng tải trên website Trường Đại học Thương mại, các ngành du học Trung Quốc theo mô hình 2+2 bao gồm: Kinh tế và Thương mại quốc tế liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc); Quản trị Du lịch liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc); Kinh tế và Thương mại quốc tế liên kết với Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc).
Tiến sĩ Kim Hoàng Giang - Phó Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thương mại cho hay: Các chương trình này đều được kiểm định chất lượng bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc. Trong đó, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc) đã đạt kiểm định theo tiêu chuẩn ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs - Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ), được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận hoạt động tại Việt Nam.
Mức học phí khi sinh viên học tại Trường Đại học Thương mại là 57.500.000 đồng/ năm.
Tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam: khoảng 72.300.000 đồng/ năm (20.000 nhân dân tệ);
Tại Đại học Dân tộc Quảng Tây: khoảng 39.700.000 đồng/ năm (11.000 nhân dân tệ, bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt);
Lệ phí du học: 11.500.000 đồng nộp vào cuối năm thứ 2 trước khi sinh viên đi du học chuyển tiếp.
Cũng theo cô Trang, mô hình liên kết quốc tế thứ hai của Trường Đại học Thương mại chủ yếu liên kết với Pháp du học tại chỗ. Theo đó, sinh viên được đào tạo hoàn toàn 3 năm tại Trường Đại học Thương mại, học bằng Tiếng Anh. Ngoài giảng viên của Trường Đại học Thương mại còn có giảng viên nước ngoài sang giảng dạy. Tất cả các chương trình này đều đã được Bộ Giáo dục ở trường đối tác kiểm định.
“Theo điểm a, Khoản 1, Điều 7, Chương II, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định: "Chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục".
Nhà trường đã đáp ứng được tiêu chuẩn này nên hoàn toàn đủ điều kiện liên kết. Sinh viên tốt nghiệp lấy bằng của trường đối tác cấp đương nhiên phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định của trường đối tác”, cô Trang nêu quan điểm.
Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Trường Đại học Thương mại cũng cho biết thêm trước khi liên kết, cả hai đơn vị đều có sự nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về đối tác. Các cơ sở giáo dục nước ngoài cũng trực tiếp sang trường khảo sát từ cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị dạy học, thư viện…) đến đội ngũ giảng viên.
"Trước khi đưa danh sách đội ngũ giảng viên giảng dạy vào chương trình nhà trường cũng phải gửi CV qua trường đối tác thẩm định xem có đủ trình độ giảng dạy hay không, có đúng chuyên môn hay không… Hoặc quy mô lớp học như thế nào, có đáp ứng đủ chất lượng của trường đối tác hay không. Ngay cả giảng viên nước ngoài sang trường giảng dạy nhà trường cũng phải đảm bảo đủ điều kiện nếu không giảng viên có thể phản ánh ngay lập tức.
Nhà trường đã trang bị tòa nhà hiện đại nhất, wifi riêng cho từng lớp dành riêng cho các sinh viên liên kết quốc tế, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo. Phòng học được thiết kế riêng rất đặc biệt cho sinh viên. Thư viện của trường cũng được đánh giá là một trong những thư viện hiện đại nhất của miền Bắc.
Trường Đại học Thương mại cũng liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học ở nước Áo. Khi kiểm định chương trình này tại trường đối tác, Áo cũng cử đoàn công tác sang Trường Đại học Thương mại tham quan cơ sở vật chất xem có đảm bảo để “xuất khẩu” chương trình hay không. Thực tế các nước ở trường đối tác kiểm định khắt khe hơn Việt Nam rất nhiều”, cô Trang thông tin.
Các chương trình liên kết quốc tế theo hình thức du học tại chỗ của Trường Đại học Thương mại bao gồm: Cử nhân Thương mại điện tử và marketing số liên kết với Đại học Toulon; Cử nhân Quản trị dự án liên kết với Đại học Toulon; Cử nhân Quản trị kinh doanh liên kết với Đại học IMC-Krems; Cử nhân Quản trị chuỗi cung ứng và phân phối liên kết với Đại học Rouen; Cử nhân Khởi nghiệp kinh doanh liên kết với Đại học Toulon; Cử nhân Ngân hàng - Tài chính liên kết với Đại học Rouen Normandie; Cử nhân Thương mại - Bán hàng liên kết với Đại học Jean Moulin Lyon 3; Cử nhân Thương mại quốc tế liên kết với Đại học Rouen; Cử nhân Quản trị du lịch và dịch vụ liên kết với Đại học Toulon; Cử nhân Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm liên kết với Đại học Toulon; Cử nhân Quản trị doanh nghiệp phân phối trong mạng lưới Logistics liên kết với Đại học Paris II; Cử nhân Marketing liên kết với Đại học Brest; Cử nhân Quản trị nguồn nhân lực liên kết với Đại học Toulon…
Học phí các chương trình liên kết quốc tế theo mô hình du học tại chỗ dao động từ 7.000 Euro/ khoá (3 năm) - 9.900 Euro/ khoá (3 năm) tương đương 187 - 264 triệu đồng/ khóa (theo tỷ giá hiện tại).
Điều kiện xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông 5 học kỳ: Thí sinh có kết quả trung bình học tập và kết quả trung bình môn ngoại ngữ >= 6.5 - 7.0 tùy ngành. Hoặc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Thí sinh có tổng điểm 3 môn thi bất kỳ thuộc các môn thi tốt nghiệp từ 20 điểm trở lên (trong đó điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh >=5).
Phương thức xét tuyển: Thí sinh được xét tuyển thông qua tham gia phỏng vấn trực tiếp/online với đại diện của trường đại học đối tác.
Một số chương trình yêu cầu thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc sinh viên cần học năm dự bị ngoại ngữ.
Môn học Entrepreneurship được Tiến sĩ Tanja IHDEN - Giám đốc chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh của Đại học IMC - KREMS sang Trường Đại học Thương mại giảng dạy. (Ảnh: NTCC) |
Một số chương trình liên kết gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh
Chia sẻ về tình hình tuyển sinh của các chương trình liên kết quốc tế những năm gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều Trang cho hay hiện nhiều học sinh lựa chọn đi du học trực tiếp nên các chương trình liên kết quốc tế khó tuyển sinh hơn. Năm học 2023-2024, tỷ lệ tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế cũng giảm so với những năm trước đây.
“Những năm gần đây tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế cũng gặp khó khăn. Hiện nay nhiều bạn học phổ thông đã có IELTS 7.0, chỉ cần gia đình có điều kiện một chút là các bạn có thể dễ dàng đi du học. Chính vì thế, các chương trình liên kết quốc tế trong nước khó tuyển sinh. Nếu tuyển sinh đầu vào thấp quá, các bạn sẽ không thể đáp ứng chương trình học.
Có chuyên ngành tại trường phải đóng vì có ít sinh viên đăng ký. Có những chương trình chỉ tiêu 100 nhưng thực tế chỉ tuyển được 1 nửa chỉ tiêu”, cô Trang thông tin.
Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế - Trường Đại học Thương mại cũng cho biết thêm với những chương trình tuyển được quá ít sinh viên, nhà trường sẽ tư vấn các bạn chuyển nguyện vọng sang một chuyên ngành khác gần với chuyên ngành thí sinh đăng ký. Trường hợp các bạn không đồng ý chuyển mà bắt buộc phải học đúng chuyên ngành đó thì trường cũng đành chấp nhận mất đi lượng thí sinh này.
Đối với chương trình du học Trung Quốc theo mô hình 2+2, cô Trang chia sẻ sinh viên cũng gặp phải khó khăn với yêu cầu tiếng Trung. Cụ thể, các bạn muốn đi du học cần đạt chứng chỉ HSK 5. Tuy nhiên, việc thi HSK ở Việt Nam cũng gặp khó khăn vì ít cơ sở tổ chức thi.
“Việc thi HSK ở Việt Nam rất khó vì các bạn không đăng ký thi được, có rất ít cơ sở tổ chức thi HSK. Nhiều đơn vị chỉ vừa mở cổng đăng ký thi đã hết chỗ, ảnh hưởng tới thời gian, thủ tục làm hồ sơ đi du học. Ở Hà Nội hiện chỉ có 2 đơn vị tổ chức thi HSK là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khổng Tử - Trường Đại học Hà Nội. Nhiều bạn muốn thi HSK phải xuống các tỉnh để thi cũng gặp bất tiện trong việc di chuyển”, cô Trang bày tỏ.
Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế đi thực hành. (Ảnh: NTCC) |
Cần có thông tư riêng hướng dẫn kiểm định các chương trình liên kết quốc tế
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều Trang, để kiểm định các chương trình liên kết quốc tế thực hiện tại Việt Nam thì buộc phải có thông tư hướng dẫn cụ thể. Như vậy các cơ sở giáo dục mới dễ dàng thực hiện bởi không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng thẩm định được các chương trình liên kết quốc tế.
“Theo quy định của Luật 34 sau khi có sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên các trường phải tiến hành kiểm định. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được thì cực kỳ khó khăn. Thực tế trước khi liên kết các chương trình này đã được kiểm định ở nước ngoài. Với các chương trình nhập khẩu 100% về Việt Nam, trường đối tác cấp bằng không thể mang ra kiểm định lại được. Nếu muốn kiểm định cần có hướng dẫn cụ thể nếu không các trường sẽ rất lúng túng trong việc triển khai.
Ví dụ chương trình 2+2 liên kết với Trung Quốc tại trường, nếu muốn kiểm định, rất khó để đưa đoàn sang Trung Quốc khảo sát. Điều này sẽ gây khó khăn cho cả các trung tâm, cơ sở kiểm định trong nước lẫn cơ sở đào tạo và trường đối tác.
Do đó cần phải có thông tư hướng dẫn cụ thể quy trình kiểm định như thế nào, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các chương trình liên kết quốc tế ra sao... Với trường hợp 2 trường cùng liên kết cho ra một khung chương trình chung trong 4 năm và thừa nhận tín chỉ của nhau thì cần quy định rõ phần chương trình đào tạo ở Việt Nam cần kiểm định nội dung gì, phần chương trình đào tạo ở nước ngoài cần kiểm định nội dung gì. Không thể áp dụng một cách máy móc quy trình kiểm định các chương trình của Việt Nam vào các chương trình liên kết quốc tế được”, cô Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng chất lượng đầu vào của các chương trình liên kết quốc tế chưa cao khi chỉ xét tuyển học bạ 5 kì học có điểm trung bình 6.5 - 7.0 hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 3 môn trên 20 điểm. Nhiều thí sinh có thể hào hứng lúc mới vào học nhưng sau 1-2 năm không thể theo được chương trình.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Trang cho hay: Trong quá trình tuyển sinh nhà trường cũng tư vấn rất kỹ để các bạn hiểu về chương trình đào tạo. Nếu trình độ ngoại ngữ của các bạn chưa đạt yêu cầu thì cần phải học dự bị tiếng Anh. Nhà trường cũng nói rõ những khó khăn khi học chương trình liên kết quốc tế. Nếu thí sinh thực sự đủ năng lực mới tuyển chứ không tuyển sinh ồ ạt kêu gọi các em vào trường cho đủ số lượng. Đồng thời, các bạn cũng phải đáp ứng đủ điều kiện ngoại ngữ thì mới có thể tốt nghiệp.
Với những bạn có IELTS đầu vào 5.5 sẽ được miễn học ngoại ngữ và không phải đóng tiền học phần ngoại ngữ. Trường hợp thí sinh chưa đủ điều kiện ngoại ngữ các bạn có thể học thêm tại trường. Trong chương trình nhà trường cũng có nhiều tín chỉ Tiếng Anh lên tới 400 tiết, đảm bảo sinh viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, tự bản thân người học cũng cần có lộ trình học tập rõ ràng, có đủ sự chăm chỉ mới có thể theo kịp chương trình.