ĐH Kinh tế quốc dân: Chưa CTLK nào thực hiện tại Việt Nam được kiểm định

15/01/2024 06:20
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu kiểm định chương trình liên kết, không có khó khăn nào ngoài việc lấy ý kiến của đối tác, vì CSGD tại nước ngoài là đơn vị chịu trách nhiệm sau cùng.

Theo Khoản 7, Điều 45, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và đại học 2018 (Luật số 34) có quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định.”.

7 chương trình liên kết với gần 20 chuyên ngành

Trong danh sách các chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật đến ngày 30/11/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 16 chương trình được kiểm định, đánh giá chất lượng, song, chưa có chương trình liên kết nào được “điểm mặt”.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

Kết quả khảo sát một số chương trình liên kết được triển khai tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2023 (theo website trường) cụ thể như sau:

1. Chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Kinh doanh giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Waikato, New Zealand:

Hai chuyên ngành: Cử nhân Kinh doanh ngành Quản lý Chuỗi cung ứng: 100 sinh viên; Cử nhân Kinh doanh ngành Kinh doanh số: 100 sinh viên.

Chương trình đào tạo 3,5 năm (7 kỳ học). Theo học chương trình của Đại học Waikato, New Zealand tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ học kỳ thứ 4, sinh viên có nguyện vọng có thể được chuyển tiếp sang học tại các campus của Đại học Waikato tại New Zealand.

Hoàn thành chương trình (hết 3,5 năm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), sinh viên được cấp bằng bởi Đại học Waikato, New Zealand, các ngành: Bằng Cử nhân Kinh doanh, ngành Quản lý Chuỗi cung ứng (Bachelor of Business, Major in Supply Chain Management); Bằng Cử nhân Kinh doanh, ngành Kinh doanh số (Bachelor of Business, Major in Digital Business).

Học phí: Học phí 110 triệu đồng/năm (385 triệu đồng/ 3,5 năm), mỗi năm tăng không quá 10%. Học phí trên chưa bao gồm chi phí giáo trình, tài liệu học, lệ phí tuyển sinh, thi lại, học lại,...

2. Chương trình cử nhân Kinh tế học và tài chính - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Lincoln Anh quốc (Chương trình Lincoln):

Chuyên ngành đào tạo: Kinh tế học và Tài chính (Economics and Finance); Kinh tế học (Economics); Kinh tế học Quản trị (Business Economics); Ngân hàng và Tài chính (Banking and Finance); Kế toán và Tài chính (Accounting and Finance); Quản trị và Tài chính (Business and Finance).

Chương trình đào tạo gồm 1 năm đầu học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; 2 năm tiếp theo học tại Đại học Lincoln - Vương quốc Anh.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình được Đại học Lincoln cấp bằng Cử nhân khoa học (Bachelor of Science with Honours).

Học phí chương trình này trong 1 năm đầu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 90 triệu đồng. Học phí trong 2 năm học tại Anh (đã khấu trừ học bổng 20%) là khoảng 12.000 bảng/năm (tương đương 350 triệu đồng theo tỉ giá hiện hành - tại thời điểm tuyển sinh).

3. Chương trình cử nhân quốc tế Tài chính và Quản lý La Trobe-NEU (Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học La Trobe Úc):

Chuyên ngành Tài chính và Quản lý, do Đại học La Trobe cấp bằng.

Thời gian học: 3 năm (với những thí sinh đạt điều kiện tiếng Anh) hoặc 3,5 - 4 năm (với những thí sinh chưa có đủ điều kiện tiếng Anh). Sinh viên có thể học cả 3 năm ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc có thể học 2 năm ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và chuyển tiếp sang Úc học 1 năm.

Học phí: Gần 10 triệu đồng/tháng, tương đương 298 triệu đồng cho toàn khóa học 3 năm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đã bao gồm học bổng 20% do Đại học La Trobe cấp, được trừ trực tiếp vào học phí gốc 372 triệu đồng).

323 triệu đồng cho khóa học 3,5 năm và 348 triệu đồng cho khóa học 4 năm (với những thí sinh chưa đủ điều kiện Tiếng Anh đầu vào).

4. Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU (Liên kết giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học Vương quốc Anh) với các ngành đào tạo sau:

Quản trị Kinh doanh [BA (Hons) Business Management]; Quản trị Kinh doanh Quốc tế [BA (Hons) International Business Management]; Kinh doanh và Quản trị Sự kiện [BA (Hons) Business & Events Management]; Kinh doanh và Marketing [BA (Hons) Business & Marketing]; Digital Marketing [BA (Hons) Digital Marketing]; Ngân hàng và Tài chính [BSc (Hons) Banking & Finance].

Chương trình đào tạo tại Việt Nam, sinh viên nhận bằng Cử nhân của các đại học đối tác Vương quốc Anh cấp. Ngoài ra, sinh viên có cơ hội chuyển tiếp sang các đại học nước ngoài (Anh, Úc, Singapore, Mỹ...) vào năm cuối. Cụ thể, sau khi hoàn thành chương trình năm thứ 3, nếu có nguyện vọng, sinh viên có thể được chuyển tiếp sang học năm cuối tại các trường đại học nước ngoài để nhận bằng Cử nhân của các trường đó.

Danh sách các trường cấp bằng: Ngành Quản trị Kinh doanh: sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh [Bachelor of Arts (Hons) Business Management] của Đại học Tổng hợp West of England, Vương quốc Anh.

Ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế: sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế [Bachelor of Arts (Hons) International Business Management] của Đại học Tổng hợp West of England, Vương quốc Anh.

Ngành Ngân hàng và Tài chính: sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Ngân hàng & Tài chính [Bachelor of Science (Hons) Banking and Finance] của Đại học Tổng hợp West of England, Vương quốc Anh.

Ngành Kinh doanh và Quản trị Sự kiện: Sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Kinh doanh và Quản trị Sự kiện [Bachelor of Arts (Hons) Business and Events Management] của Đại học Tổng hợp West of England, Vương quốc Anh.

Ngành Kinh doanh và Marketing: Sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Kinh doanh và Marketing [Bachelor of Arts (Hons) Business and Marketing] của Đại học Tổng hợp Coventry, Vương quốc Anh.

Ngành Digital Marketing: sinh viên nhận bằng Cử nhân ngành Digital Marketing [Bachelor of Arts (Hons) Digital Marketing] của Đại học Tổng hợp Leeds Beckett, Vương quốc Anh.

Học phí của Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU toàn khóa học tại Việt Nam khoảng 395 triệu đồng (đóng theo kỳ theo thông báo của Viện Đào tạo quốc tế). Học phí trên chưa bao gồm chi phí sách giáo khoa, tài liệu học, tham dự lễ tốt nghiệp, thi lại, học lại (nếu có). Học phí có thể thay đổi nhưng không quá 10% hằng năm (đặc biệt khi có thay đổi về phí của đối tác cũng như sự biến động của tỉ giá).

5. Chương trình Cử nhân Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Dongseo, Hàn Quốc (DSU):

Chuyên ngành Quản trị kinh doanh, với số lượng sinh viên dự kiến là 100.

Chương trình được thiết kế theo khung chuẩn của Mỹ, 2 năm đầu học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2 năm cuối học tại Đại học Dongseo, Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình và đủ điều kiện tốt nghiệp, sinh viên được nhận bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh do Đại học Dongseo, Hàn Quốc cấp.

Mức học phí dự kiến là 259 triệu đồng cho toàn bộ khóa học 04 năm, trong đó học phí cho 02 năm đầu tại Việt Nam là 138 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí sách giáo khoa, tài liệu học, lệ phí tuyển sinh, thi lại, học lại, tham dự lễ tốt nghiệp...). Mức học phí có thể được điều chỉnh tăng hàng năm nhưng không quá 10%.

6. Chương trình cử nhân quốc tế Kế toán và tài chính (BIFA) - Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Cardiff Metropolitan University (Vương quốc Anh).

Cấp bằng Cử nhân Kế toán và Tài chính [Bachelor (Hons) of Accounting and Finance]: Thời gian học trong 04 năm: 01 năm đầu học tiếng Anh; 03 năm tiếp theo học chuyên ngành.

Học phí năm đầu là 50 triệu đồng; học phí trong 03 năm học chuyên ngành là 250 triệu đồng.

7. Chương trình liên kết đào tạo Cử nhân - Thạc sỹ Actuary (Định phí Bảo hiểm và Quản trị rủi ro) giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Tổng hợp Claude Bernard Lyon 1, Cộng hòa Pháp:

Chuyên ngành Actuary (Định phí Bảo hiểm và Quản trị rủi ro) do Trường Đại học Claude Bernard Lyon 1 (UCBL) cấp bằng.

Chương trình đào tạo này gồm 3 năm với 1 năm bậc cử nhân và 2 năm bậc thạc sỹ. Hai năm đầu học ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và năm cuối học ở ISFA (Viện Khoa học Tài chính và Bảo hiểm, Đại học Lyon 1, Pháp).

Kinh phí đào tạo: Giai đoạn 2 năm ở Việt Nam: Học phí 225 triệu đồng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và phí nhập học 846 euro (tương đương hơn 22,7 triệu đồng, theo tỉ giá hiện hành) chuyển sang Trường Đại học Claude Bernard Lyon 1.

Giai đoạn 1 năm ở Pháp: Phí nhập học 486 euro (tương đương hơn 13 triệu đồng, theo tỉ giá hiện hành) và không phải đóng học phí.

Nếu buộc phải kiểm định, không khó khăn nào ngoài việc lấy ý kiến đối tác

Liên quan đến nội dung này, ngày 3/1/2024, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hoạt động thực tiễn triển khai chương trình liên kết tại nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

Theo đó, từ khi Luật số 34 có hiệu lực đến nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có khoảng 5 khóa sinh viên chương trình liên kết tốt nghiệp, mỗi năm dao động khoảng 700-800 sinh viên (tương ứng gần 4.000 sinh viên chương trình liên kết đã tốt nghiệp). Tính đến thời điểm này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có khoảng 7 chương trình liên kết, mỗi chương trình bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có chương trình liên kết nào được kiểm định.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cơ hội việc làm của sinh viên chương trình liên kết thường rất rộng mở, với lợi thế lớn nhất là tiếng Anh, cùng kiến thức được cập nhật, điều kiện học tập, công tác quản lý giám sát chặt chẽ... Mặc dù chưa có sự khảo sát chặt chẽ, tuy nhiên, qua sự trao đổi, phản hồi của xã hội đã cho thấy, nhu cầu của người học đối với chương trình liên kết ngày càng tăng.

Thầy Chương lý giải, sinh viên các chương trình liên kết không hẳn là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mà là sinh viên của các trường đối tác tại nước ngoài - trường quản lý toàn bộ chương trình đào tạo và cấp bằng.

“Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có vai trò: Lựa chọn những đối tác có uy tín, đảm bảo đó là các chương trình uy tín, chất lượng, đã được kiểm định tại nước sở tại. Khi cơ sở giáo dục đó đã kiểm định tại quốc gia của họ, đủ điều kiện đưa chương trình “xuất khẩu” qua nước khác thì chương trình đó đương nhiên phải có giá trị. Do vậy, việc kiểm định các chương trình liên kết của những cơ sở giáo dục đại học đã có thứ hạng ở các nước phát triển, tôi cho rằng, cũng không thực sự có ý nghĩa” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cũng phân tích thêm: “Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, nên có sự phân tầng đại học rõ ràng hơn. Tại một số nước, cơ quan quản lý nhà nước thường tập trung quan tâm đến các trường “top dưới” - những cơ sở giáo dục có thể thay vì đặt mục tiêu dài hạn mà chạy theo mục tiêu ngắn hạn, sẽ có những hoạt động không thực sự phù hợp với tôn chỉ giáo dục... Còn các trường “top trên” sẽ chịu trách nhiệm một cách minh bạch trước xã hội, được sự giám sát chặt chẽ nên sẽ thực hiện mục tiêu bền vững. Do đó, kiểm soát cũng nên có sự phân biệt nhất định.

Giống như mạng lưới giáo dục đại học ở Úc, giữa hàng trăm trường chỉ có hơn 30 trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, và đặc biệt có G8 (Group of Eight) - “top” 8 trường đại học hàng đầu.

Tương tự như vậy, tôi cho rằng, các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội, nhất là đối với tấm bằng Cử nhân chương trình liên kết này, trách nhiệm sẽ không chỉ nằm ở phía đối tác. Vì thế, ngay từ ban đầu, các trường đại học đã phải rất khắt khe trong việc lựa chọn đối tác; đồng thời, trong các đối tác, lại chọn những chương trình tốt nhất, phù hợp nhất để cung cấp cho thị trường, bởi mặc dù là sản phẩm liên kết nhưng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của các nhà trường.

Với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chương trình liên kết dù đã được kiểm định hay chưa, nhà trường đều phải chịu trách nhiệm với đối tác cấp bằng, chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm mà trường đã giới thiệu, cung cấp cho người học. Tất nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là mọi thứ ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều tốt, mà nhà trường luôn có một tâm thế cố gắng để làm sao cung cấp một chương trình đào tạo tốt nhất và đảm bảo về chất lượng cho người học”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cũng cho biết: “Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu buộc phải thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng tại Việt Nam, không có khó khăn nào ngoài việc lấy ý kiến của đối tác, bởi vì đây là chương trình liên kết với cơ sở giáo dục tại nước ngoài - là đơn vị chịu trách nhiệm sau cùng.

Vậy nên cần có sự trao đổi, thống nhất giữa hai bên, xem liệu có quy định nào có thể bị “vênh”, chưa thực sự tương xứng giữa tiêu chuẩn kiểm định của hai bên”.

Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng cũng cho rằng: “Theo tôi, quan trọng nhất, phải quan tâm đến mục tiêu, ý nghĩa thực sự của việc kiểm định chất lượng đối với các chương trình liên kết là gì? Chẳng hạn, một trường đại học danh tiếng của Mỹ đưa chương trình liên kết tại Việt Nam, liệu yêu cầu kiểm định chương trình đó có thực sự cần thiết và mang lại lợi ích cho người học hay không? Bởi khi đó cũng sẽ song hành với câu chuyện tăng chi phí.

Chính vì vậy, cần có sự trao đổi kỹ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại hai quốc gia, trao đổi giữa đối tác và các trường đại học với nhau, xem có nhất thiết phải kiểm định chương trình đó tại Việt Nam hay không... Vấn đề này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo hơn”.

Về định hướng trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thêm: “Về cơ bản, nhà trường sẽ ổn định quy mô tuyển sinh, thay vì tăng chỉ tiêu sẽ cố gắng nâng cao chất lượng, thông qua nâng cao chất lượng “đầu vào”. Bởi, nhu cầu người học ngày càng tăng nhưng chỉ tiêu không tăng, thì tỉ lệ “chọi” sẽ cao hơn, song song với đó là điểm trúng tuyển, các tiêu chí cũng sẽ ngày một đòi hỏi cao hơn.

Tất nhiên, trong quá trình phát triển, nếu thấy có những đối tác phù hợp, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác. Còn ở thời điểm hiện tại, mục tiêu trọng tâm của nhà trường sẽ là nâng cao chất lượng, chứ không mở rộng quy mô”.

Mộc Trà