Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 12 năm 2023.
Trong đó, nội dung đáng chú ý được đông đảo viên chức trong đó có giáo viên đặc biệt quan tâm là sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã chính thức không còn, thay vào đó chỉ còn hình thức duy nhất là xét thăng hạng thông qua thẩm định hồ sơ.
Tuy nhiên, cũng có một số băn khoăn, lo lắng khi quy định mới khi giao quyền cho hiệu trưởng khá lớn, giáo viên lo lắng bị ảnh hưởng quyền lợi nếu có hiệu trưởng "lạm quyền".
Vai trò của hiệu trưởng trong quy định về phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Điều 33 Nghị định 115 như sau:
“Điều 33. Phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Quyết định chỉ tiêu thăng hạng phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;
b) Chủ trì tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này:
a) Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền;
b) Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;
c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương (thường xuyên, trước thời hạn), phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương viên chức loại A3) thuộc phạm vi quản lý.
3. Việc phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.”.
Tại Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức
1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.)
Về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công gồm:
(1) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
(2) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;
(3) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
(4) Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đáp ứng mức tự chủ tài chính của từng nhóm và đặc biệt đối với nhóm đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được phân loại thành 3 mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và căn cứ vào đó để xác định mức tự đảm bảo của đơn vị mình thuộc vào mức nào.
Như vậy, với nhóm 1,2 là đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (hiệu trưởng) thực hiện việc tổ chức, xét thăng hạng và ra quyết định bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mới nếu trúng tuyển xét thăng hạng.
Với nhóm 3,4 là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện.
Hội đồng xét thăng hạng nghề nghiệp giáo viên gồm những ai?
Lo lắng của giáo viên không phải không có cơ sở khi thời gian qua một số nơi vẫn còn tình trạng mất dân chủ, còn tình trạng lợi ích nhóm khi bổ nhiệm, thăng hạng,…
Tuy nhiên, theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP tại khoản 19 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ...19. Sửa đổi Điều 39 như sau: “Điều 39. Nội dung, hình thức xét thăng hạng 1. Nội dung: Đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này đối với viên chức dự xét thăng hạng. 2. Hình thức: Thẩm định hồ sơ.”.
Việc thực hiện thăng hạng giáo viên được thông qua xét, thẩm định hồ sơ không phải tổ chức thi nên sẽ hạn chế được phần nào tiêu cực, lo lắng của giáo viên, vì các minh chứng đã được liệt kê, quy định rõ ràng, khó có thể có tình trạng o ép giáo viên và quan trọng là việc xét thăng hạng giáo viên được thực hiện theo hình thức Hội đồng xét thăng hạng được quy định tại Điều 38. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
“1. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành lập. Hội đồng có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
c) Các ủy viên Hội đồng là người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định, trong đó có 01 ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.
2. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng đã biểu quyết. Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Thông báo kế hoạch, thời gian, nội quy, hình thức, nội dung và địa điểm xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
b) Thành lập các bộ phận giúp việc: Ban thẩm định hồ sơ, Ban kiểm tra, sát hạch khi tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thành lập Tổ thư ký giúp việc;…
c) Tổ chức thu phí xét thăng hạng và sử dụng theo quy định;
d) Tổ chức xét hồ sơ, kiểm tra, sát hạch theo quy chế;
đ) Báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp công nhận kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
g) Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người xét thăng hạng hoặc của bên vợ (chồng) của người xét thăng hạng; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người xét thăng hạng hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.”
Như vậy, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng đã biểu quyết.
Tuy nhiên, giáo viên cũng lo lắng khi một số cơ sở còn thiếu dân chủ, bè phái khi giới hạn tỷ lệ giáo viên được xét các hạng I, II theo Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đối với giáo viên là viên chức được hướng dẫn ở khoản 1,2 mục II về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau: “Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2) chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.