Có đúng Hà Nội "chỗ học không thiếu"?

07/07/2023 09:04
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hà Nội không muốn trở thành công xưởng của cả nước hay khu vực thì nên phát triển giáo dục trung học phổ thông có chất lượng.

Chiều 5/7, trả lời chất vấn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, liên quan đến việc phụ huynh xếp hàng từ sớm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 trường tư, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

“Xin khẳng định rằng ở địa bàn Hà Nội, chỗ học không thiếu. Chỉ có điều, có thể có tình trạng một số trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm và xếp hàng từ rất sớm để mong muốn con có 1 suất vào trường. Đến khi công bố không được nên họ bức xúc”. [1]

Ngay sau đó, phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gây ra bão trên báo chí và mạng xã hội khi nhiều người hiểu rằng việc phụ huynh phải xếp hàng chen chúc để nộp hồ sơ vào 10 là do “kén cá chọn canh”.

Đó là với tuyển sinh vào lớp 10. Còn tuyển sinh các cấp học khác thì sao?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quay ngược thời gian một chút, chắc dư luận vẫn chưa quên câu chuyện bốc thăm may rủi vào trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai, Hà Nội xảy ra vào mùa tuyển sinh năm 2022.

Vào thời điểm đó, trả lời trên báo chí, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hoàng Mai cho biết, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác.

Ông Thái cho biết, năm 2022, toàn bộ quận Hoàng Mai tăng 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đăng kí vào các nhóm trường ngoài công lập cũng quá tải.

Đồng thời, toàn quận Hoàng Mai hiện cũng thiếu khoảng 470 giáo viên. Về trường lớp, tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh, theo ông Thái, quận cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới "đủ tải". [2]

Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội luôn là câu chuyện nóng bỏng bức xúc của rất nhiều gia đình ở Thành phố Hà Nội...

Đó không phải chỉ là câu chuyện “kén trường tốt” mà đó cần phải nói ngay rằng, nó là hệ quả của sự phát triển giáo dục phổ thông thiếu quy hoạch tốt trong điều kiện đô thị hóa, hiện tượng di dân về sống ở Thủ đô ngày càng gia tăng.

Nhiều công trình nhà ở chung cư mọc lên nhưng đất và nguồn lực con người dành cho phát triển cơ sở giáo dục chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Hà Nội có thiếu tiền không? Câu trả lời tiền ngân sách lúc nào cũng thiếu, nhưng với tình trạng trên thì quan điểm, giáo dục là quốc sách đã thực sự được ưu tiên quan tâm chưa?

Hà Nội có thiếu đất không? Hà Nội luôn thiếu đất nhưng nói thẳng, không ít lần tôi được nghe nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư giáo dục chia sẻ việc tiếp cận nguồn đất để xây trường mở lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên cơ sở huy động nguồn lực từ xã hội không đơn giản.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, áp lực dân số di cư về là rất lớn. Người dân hoàn toàn chia sẻ những khó khăn với Hà Nội, nhưng nhưng gì thuộc trách nhiệm chính trị trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần phải làm rõ.

Việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói không thiếu chỗ học, tôi cho rằng đó là cách nói chưa nhìn thẳng vào trách nhiệm của ông với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục của Thủ đô.

Khi mà cung không đủ cầu về giáo dục, sẽ khiến cho rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi đi học hết sức vất vả, lo lắng cạnh tranh để kiếm suất học cho con ở trường công.

Chỉ khi các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mình vào vị trí của người dân trong hoàn cảnh ấy, may ra các vị mới thấu hiểu và đủ tâm và tầm để đề xuất với Thành phố những giải pháp phát triển quy mô giáo dục phổ thông.

Chỉ khi quy hoạch tốt có trách nhiệm, phát triển giáo dục công lập không trường điểm, trường chất lượng cao, giáo dục tư được tạo điều kiện phát triển tốt nhất, lúc đó may chăng mới hết cảnh chầu chực đêm hôm nộp hồ sơ hay chen chúc mong con có suất vào trường có cơ sở vật chất, giáo viên tốt. Và nếu như ông giám đốc nói về người dân chọn trường tốt để đăng ký cho con vào học thì tôi băn khoăn rằng người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội đã nhận thức được vấn đề là vì sao lại có trường tốt và trường chưa tốt?

Nói thật, trường tư thục nhiều trường tốt nhưng nhiều người dân chỉ ngóng dài cổ thôi vì họ nghèo không đủ tiền cho con học trường tư với thu nhập không cao và vật giá ngày một đắt đỏ.

Đó là một thực trạng khiến cho rất nhiều gia đình muốn con học trường công.

Không biết ông có nghĩ đến việc tham mưu cho Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân được bù kinh phí cho học sinh trung học phổ thông ngoài công lập bằng mức thu học phí của học sinh công lập cùng bậc học ngõ hầu giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo đô thị.

Các yêu cầu về phát triển nhân lực, kinh tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác muốn có nhân lực chất lượng tốt, có kỹ năng, có thể học tập suốt đời mà nền kinh tế số đòi hỏi thì phát triển mạnh mẽ giáo dục trung học phổ thông nên là lựa chọn chiến lược vì sự phát triển bền vững.

Học xong trung học phổ thông, người học có nhiều cơ hội học nghề, học đại học hoặc thậm chí đi làm cho doanh nghiệp FDI và thường những người này rất dễ đào tạo để trở thành lao động công nghiệp công nghệ cao.

Hà Nội không muốn trở thành công xưởng của cả nước hay khu vực thì nên phát triển giáo dục trung học phổ thông có chất lượng.

Vì thế chiến lược phân luồng sau trung học cơ sở rất cần tư duy lại để có sự lựa chọn phù hợp hơn theo xu hướng chung của thế giới.

Không có hạnh phúc nào hơn của những người làm giáo dục là con em chúng ta được học tập đầy đủ, thành công trong cuộc sống, xã hội yên bình.

Không có gì đáng tự hào hơn là một chính quyền lo cho dân, sống vì dân và phụng sự làm hài lòng người dân nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Để dân phải khổ sơ, vất vả vì lo chỗ học cho con thì khó có thể nói lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô đã làm tốt trách nhiệm của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/phu-huynh-xep-hang-qua-dem-gianh-suat-hoc-cho-con-lanh-dao-so-noi-khong-thieu-cho-hoc-20230705163444599.htm

[2] https://vtc.vn/phu-huynh-boc-tham-gianh-suat-hoc-mam-non-lanh-dao-quan-hoang-mai-noi-gi-ar697113.html

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh