Không ai bị xử lý vì thiếu trường lớp, chuyện bốc thăm may rủi khó chấm dứt

07/09/2022 06:42
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Ai phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu hụt các công trình liên quan đến hạ tầng văn hóa, giáo dục ở các đô thị lớn?

Những ngày qua, tôi suy nghĩ nhiều về chuyện Trường Mầm non Hoàng Liệt ở Thủ đô Hà Nội phải tổ chức cho các vị phụ huynh bốc thăm để các cháu bé có cơ hội vào học tập ở đây.

Xung quanh câu chuyện này hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Riêng tôi tự hỏi, liệu những lá thăm may rủi kia có liên quan gì với vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam thời gian qua không?

Ai phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu hụt các công trình liên quan đến hạ tầng văn hóa, giáo dục ở các đô thị lớn?

Phụ huynh phải bốc thăm để có suất cho con vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. (Ảnh: Hoài Ân)

Phụ huynh phải bốc thăm để có suất cho con vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. (Ảnh: Hoài Ân)

Mười năm trước, do nhu cầu cuộc sống, tôi phải thay đổi chỗ ở. Vì tài chính eo hẹp tôi chỉ có thể mua mảnh đất nhỏ ở khu vực ngoại ô thành phố Cần Thơ.

Hai năm sau, tôi được chính quyền địa phương thông báo, nơi tôi ở sẽ quy hoạch làm khu đô thị và tái định cư.

Tôi vẫn còn nhớ ngày chính quyền cùng với chủ đầu tư họp dân để thông báo lộ trình triển khai dự án.

Những câu hỏi xoay quanh các phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Chính quyền địa phương và chủ đầu tư có vẻ đã lường trước chuyện này nên các câu trả lời của họ với người dân khá rành mạch và cặn kẽ.

Dẫu vậy, cả chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư lại bối rối trước thắc mắc của tôi và thầy Hùng.

Khi ấy, chúng tôi cùng chung mối quan tâm về quỹ đất dành cho việc xây dựng hạ tầng giáo dục và công viên cây xanh được triển khai như thế nào; ai chịu trách nhiệm nếu việc xây dựng này không đúng với cam kết đã công bố trong bản đồ quy hoạch tổng thể?

Đáp lại những câu hỏi này của chúng tôi, những người có trách nhiệm trả lời rất qua loa, trong khi đa phần người dân lại chẳng quan tâm lắm.

Mười năm trôi qua, thầy Hùng giờ đã là người thiên cổ. Khu đô thị và tái định cư nơi tôi ở vẫn chưa hoàn thành. Điều đáng nói là so với quy hoạch tổng thể ban đầu, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh đến 2 lần. Trong đó, phần đất dành cho công viên và trường học đã không còn nữa.

Có thể nói, đô thị hóa là quá trình tất yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Nó là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian qua, ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đã diễn ra rộng khắp cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành hay cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo báo cáo sơ bộ về dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019 thì hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo đó, “tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị năm 2016. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,4% (tăng 0,9% so với năm 2017).

Trong đó tăng nhanh nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Tính đến tháng 4/2019, số đô thị của cả nước đã tăng lên con số 830, bao gồm 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV và 655 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 40%”. [1]

Quá trình đô thị hóa diễn ra tất yếu sẽ kéo theo sự dịch chuyển và gia tăng dân số ở khu vực thành thị.

Năm 2019, theo ước tính dân số khu vực thành thị ở nước ta là 33.059.735 người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Tính từ năm 2009 cho đến nay, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Mật độ dân số Việt Nam cũng tăng cao với 290 người/km2 (năm 2019). Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.”

Trở lại chuyện những thăm may ở Trường Mầm non Hoàng Liệt những ngày qua. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của câu chuyện khóc dở cười này là do dân số ở khu vực thành thị tăng nhanh, nhu cầu giáo dục của người dân từ đó tăng theo nhưng không gian và hạ tầng dành cho giáo dục không được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Về phía chính quyền địa phương, không hẳn thiếu tầm nhìn mà là trách nhiệm giám sát việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh đặc biệt là hệ thống trường học trong khi lập quy hoạch và triển khai các dự án khu dân cư mới.

Bên cạnh đó là công tác dự báo và đầu tư hạ tầng giáo dục vừa không kịp thời vừa thiếu đồng bộ.

Về phía người dân, đa phần chỉ nhìn thấy những mối lợi vật chất trước mắt mà bỏ qua những giá trị tinh thần thiết yếu và lâu dài.

Những lá thăm may rủi kia làm nhiều người trong chúng ta đau xót và bức xúc. Nhưng trong cái nhìn tích cực nhất, tôi cho rằng, nó là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ riêng ngành giáo dục Thủ đô.

Rộng và xa hơn nữa, nó là bằng chứng cho thấy việc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” hiện nay của chúng ta còn nhiều vấn đề ngổn ngang cần nghiêm túc nhìn lại để bổ sung, điều chỉnh. Ngoài ra, là các vấn đề liên quan đến sự phát triển hài hòa, bền vững của các địa phương.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chúng ta thường xuyên nghe hoặc nói về tầm quan trọng của giáo dục bằng câu nói quen thuộc ấy.

Nhưng đáng tiếc thay, trong thực tế, đa phần chúng ta đôi khi vì thiếu tầm nhìn; hoặc do hời hợt, thiếu trách nhiệm nên vô tình đẩy giáo dục xuống hàng thứ. Từ đó vô tình tạo ra những rào cản, ảnh hướng đến sự phát triển lành mạnh của giáo dục.

Thế nên, để tương lai giáo dục không tái diễn cảnh bốc thăm may rủi thì trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương là quan trọng nhất.

Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và xây dựng trong xu hướng đô thị hóa phải được triển khai đồng bộ với công tác quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục.

Cụ thể hơn là công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu ở các khu đô thị phải được ưu tiên và ràng buộc bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa.

Tài liệu tham khảo:

[1]: Tổng cục Thống kê, Báo cáo sơ bộ Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2019.

Nguyễn Trọng Bình