Có đợt xét tuyển ĐH khi phổ thông chưa kiểm tra cuối kì, trường THPT kiến nghị

16/10/2023 09:06
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường THPT ở Quảng Ninh cho rằng, phương án thi tốt nghiệp 2+2 chưa phù hợp với mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo dự thảo xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 2 phương án thi gồm: Phương án thi 4+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 4 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án thi 3+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 3 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2, cụ thể như sau: Thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Đóng góp ý kiến về phương án thi đối với học sinh học chương trình trung học phổ thông từ năm 2025, đa số các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lựa chọn phương án 3+2. Đối với phương án 2+2, nhiều ý kiến cho rằng dù có số môn thi ít nhất, giảm áp lực tối đa cho học sinh nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện.

Cụ thể, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lại Cao Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), qua khảo sát ý kiến của toàn bộ giáo viên, nhà trường thống nhất chọn phương án thi 3+2.

Khi môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong cả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lẫn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tạo thuận lợi cho học sinh khi ôn luyện, giảm áp lực thi cử.

Thực tế tại nhà trường, khi xây dựng tổ hợp và khảo sát nguyện vọng thi đại học cho khối lớp 10, học sinh lựa chọn định hướng ban Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa Lý) rất ít, chưa đủ số lượng một lớp.

Cũng theo thầy Kiên, phương án thi 2+2 mặc dù có số môn thi ít nhất, áp lực cũng thấp nhất nhưng chưa phù hợp với nhà trường, nhất là việc bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi nhóm môn thi bắt buộc.

Ở Quảng Ninh, ngành du lịch là một trong những thế mạnh kinh tế. Khi định hướng nghề nghiệp, chọn trường đại học, rất nhiều phụ huynh và học sinh của nhà trường chọn khối ngành du lịch và ngoại ngữ là một trong những điều kiện không thể thiếu. Bên cạnh việc học tại trường, nhiều phụ huynh còn đầu tư cho con ngoại ngữ luôn tại các trung tâm.

Đối với phương án thi 2+2, nhiều trường trung học phổ thông cho rằng dù có số môn thi ít nhất, giảm áp lực tối đa cho học sinh nhưng lại không đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: PL)

Đối với phương án thi 2+2, nhiều trường trung học phổ thông cho rằng dù có số môn thi ít nhất, giảm áp lực tối đa cho học sinh nhưng lại không đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: PL)

Đồng quan điểm liên quan đến việc không lựa chọn phương án thi 2+2, trao đổi cùng phóng viên, cô Mai Thuỳ Dương – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cho rằng: “Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nền kinh tế thị trường. Để thực hiện nhiệm vụ này không thể thiếu yếu tố ngoại ngữ.

Mục tiêu giáo dục của chương trình mới cũng cho thấy ngoài việc phát triển phẩm chất, năng lực còn hướng tới đào tạo những công dân toàn cầu. Thực tế, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi đại học, rất nhiều khối ngành như giáo dục, kinh tế, du lịch,…đều có điều kiện cần có là chứng chỉ, khả năng sử dụng ngoại ngữ”.

Còn theo thầy Bùi Văn Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), 100% giáo viên nhà trường thống nhất lựa chọn 3+2 gồm 3 môn thi bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã học có cả môn Lịch sử.

Cụ thể, theo ý kiến giáo viên về phương án thi 4+2, mặc dù có ưu điểm giúp đánh giá toàn diện năng lực người học nhưng học sinh phải học nhiều môn và rất khó tập trung vào các môn xét tuyển đại học, cao đẳng.

Việc thi 6 môn cũng tạo áp lực học tập lớn hơn, học sinh không còn nhiều thời gian để học và phát triển năng lực, kỹ năng ở các môn học sở trường khác. Đặc biệt, lựa chọn này khiến học sinh chỉ có nhu cầu tốt nghiệp và học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên áp lực hơn.

Về phương án thi 3+2, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân người học. Từ lớp 10, học sinh đã được chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn liên quan đến việc xét tuyển đại học nên chỉ cần thi 3 môn bắt buộc, 2 môn còn lại học sinh sẽ chọn theo sở trường và định hướng của mình. Qua đó, học sinh có thời gian để học, phát triển năng lực, kỹ năng khác. Học sinh yêu thích môn Lịch sử vẫn có thể chọn môn học này là môn thi tự chọn.

Tổ chức thi 5 môn cũng góp phần tinh gọn công tác tổ chức thi tốt nghiệp, không gây tốn kém cho xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự cân bằng giữa môn tự nhiên và môn xã hội trong kỳ thi.

Về cách tính điểm xét tốt nghiệp, theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòn Gai, cách thức tính điểm hiện tại gồm cả điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp (70%) và điểm trung bình các môn học năm lớp 12 (30%) rất có lợi cho học trò. Cách tính này thể hiện được kết quả tích luỹ của học sinh trong quá trình học chứ không dựa hoàn toàn vào điểm thi.

Đa số các trường trung học phổ thông ở Quảng Ninh thống nhất chọn phương án thi 3+2 (Ảnh minh hoạ: PL)

Đa số các trường trung học phổ thông ở Quảng Ninh thống nhất chọn phương án thi 3+2 (Ảnh minh hoạ: PL)

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòn Gai đề xuất thêm liên quan đến công tác xét tuyển đại học: “Hiện nay các trường đại học tự chủ trong công tác tuyển sinh của mình. Về việc các trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, nhà trường rất tán thành tuy nhiên thời điểm công bố trúng tuyển của các trường đại học lại chưa phù hợp.

Ví dụ nhiều trường hợp, khi các trường trung học phổ thông còn chưa tổ chức kiểm tra cuối kỳ lớp 12 mà các trường đại học đã có đợt tuyển hồ sơ theo một số phương thức như chứng chỉ IELTS, xét học bạ (xét điểm 5 học kỳ của lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và công bố học sinh A, học sinh B đã trúng tuyển, chỉ cần thêm điều kiện cần và đủ là đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đây là rào cản rất lớn đối với các trường trung học phổ thông để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, khi đã chắc chắn được nhận vào trường đại học, học sinh sẽ không tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp nữa.

Nếu tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ với mục tiêu là tốt nghiệp thì rất đơn giản, nhất là đối với học sinh ở các trường ở khu vực thuận lợi thuộc các tỉnh, thành phố lớn. Nhà trường mong muốn cho học sinh tập trung học, ôn luyện để có kết quả cao hơn nữa chứ không phải chỉ để tốt nghiệp.

Đồng ý với việc đa dạng phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ giúp tăng cơ hội, sự lựa chọn cho học sinh nhưng nếu chỉ nhận hồ sơ và công bố sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thuận lợi hơn cho công tác giáo dục của các trường trung học phổ thông”.

Phạm Linh